Đó là số phận đáng thương của 26 bé (13 nam, 13 nữ) sơ sinh đang được các y bác sĩ Khoa Sơ sinh BV Từ Dũ chăm sóc sau khi bị sản phụ bỏ rơi tại BV. Chúng tôi đến thăm các bé vào một ngày đầu tuần bận rộn của nhân viên y tế bệnh viện. Các y bác sĩ Khoa sơ sinh phải thay nhau chạy ra chạy vào căn phòng đang nuôi dưỡng các bé “để cho ăn, tắm rửa và theo dõi sức khỏe cho tụi nhỏ”. Nhìn bé nào cũng trắng trẻo, khỏe mạnh, có lẽ không ai không xót xa, thương cảm cho số phận côi cút của các bé.
Vừa xong một cữ bú, các bé được những người “mẹ nuôi” trò chuyện, nựng nịu để ru ngủ. Có bé đã thiu thiu, có bé vẫn thức hóng chuyện. Chỉ vào 2 cô bé kháu khỉnh nằm gần nhau, Y sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vinh cho biết, đây là hai bé sinh đôi tên Kim Trang và Thùy Trang bị mẹ “bỏ quên” tại BV vào dịp trước tết , 5/1/2013. “Mẹ hai bé xuất viện rồi không thấy quay trở lại đón con nữa”, chị Vinh ngậm ngùi. Theo chị Vinh, dù các bé ở đây bị mẹ chối bỏ nhưng đều được BV đặt lấy theo họ mẹ và đặt tên theo tên mẹ, tên quê hương bản quán và những “cái tên đẹp để hy vọng điều tốt lành cho các cháu”. Chỉ khi khoa không biết những thông tin trên thì các bé được lấy theo họ Nguyễn của chị Vinh.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Quỳnh Như đã làm việc ở Khoa Sơ Sinh 5 năm thì cũng là chừng ấy thời gian “kiêm nhiệm” thêm việc chăm sóc, làm mẹ chung của các bé như những y bác sĩ, nhân viên khác của khoa. “Cũng là một người mẹ, con mình được yêu thương, chăm sóc bao nhiêu thì càng thương các bé bấy nhiêu.”, điều dưỡng Quỳnh Như đã nói và rơi nước mắt khi chúng tôi hỏi ban ngày chăm sóc các bé ở đây, tối về chăm sóc con mình thì có sợ tình cảm bị san sẻ hay không? Ngay cả với điều dưỡng trẻ Hồ Quỳnh Đan Nhiên, năm nay mới 20 tuổi và chưa lập gia đình nhưng đã bắt đầu làm thuần thục những công việc như của một người mẹ chăm sóc con thơ.
Cùng với nữ hộ sinh Loan, y sĩ Vinh, một trong những người gắn bó hàng chục năm với các bé sơ sinh bị bỏ lại tại BV Từ Dũ là chị Ngô Thị Vàng, hộ lý của khoa Sơ Sinh. Gần như trong nhiều năm qua, bé nào được đưa vào đây cũng được bàn tay chị chăm sóc, nuôi dưỡng. Chị cùng các “mẹ” khác, mỗi ngày đều chăm sóc các bé và rồi khi phải “chia tay” những “đứa con” của mình khi các bé được Sở Lao Động Thương binh & Xã hội tiếp nhận, đưa về những trại trẻ mồ côi thì “không sao cầm được nước mắt”. Và rồi, mỗi ngày, mỗi tháng, những “đứa con mới” lại được chuyển về khoa, hành trình làm mẹ của chị và các “mẹ” như dài mãi…
Đón nhận, chăm sóc những ngày đầu đời cho các bé sơ sinh bị bỏ rơi là việc làm rất nhân văn nhưng hiện tại, BV Từ Dũ cũng gặp nhiều khó khăn liên quan đến việc này. DS Huỳnh Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc BV Từ Dũ cho biết, về quy trình tiếp nhận, chuyển gửi các bé, nếu trước đây chỉ mất 2 tháng thì hiện nay phải mất trung bình 3 tháng hoặc hơn 3 tháng (có trẻ được chăm sóc ở BV hơn 5 tháng) mới được Sở Lao Động Thương binh & Xã hội tiếp nhận và đưa về các trung tâm. Cụ thể, thời gian giữ tại Khoa Sơ sinh BV là 1 tháng, coi như thời gian để chờ sản phụ, gia đình có suy nghĩ lại và vào BV nhận lại con hay không. Vì thực tế, vẫn có nhiều trẻ có địa chỉ hay số điện thoại của mẹ để BV liên hệ, động viên nhận lại con về nuôi. Tuy nhiên, rất ít trẻ có may mắn được trở về gia đình trong thời gian đó. Sau thời gian này, BV chụp hình bé, làm hồ sơ gửi ra công an phường để phường tiếp tục thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để trẻ có “thêm cơ hội về với mẹ”.
“Vẫn biết không thể không chăm sóc, yêu thương các cháu nhưng ở Khoa Sơ Sinh BV Từ Dũ hiện đang rất quá tải, kể cả tại phòng chăm sóc đặc biệt. Toàn khoa chỉ có 190 giường nhưng tổng số bệnh nhi sơ sinh điều trị nội trú luôn ở mức trên 250 trẻ, trong đó, số trẻ sinh non tháng, nhẹ cân cũng hơn một nửa số đó, khoảng trên 150 bé”, BS CKI Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng khoa Sơ sinh cho biết.
Theo DS Thủy và BS Từ Anh, ngoài việc các bé cần rất nhiều thời gian chăm sóc, điều lo ngại nhất là, ở môi trường BV rất dễ làm các bé bị lây nhiễm bệnh, nhất là các bệnh nhiễm trùng hô hấp, dịch bệnh truyền nhiễm. Còn về mặt tâm lý, các bé cần được trò chuyện rất nhiều, cần được đáp ứng nhu cầu và biết biểu lộ cảm xúc. Do vậy nếu nằm BV, dù nhân viên y tế có thương và chăm bẵm bao nhiêu cũng không thể giành thời gian đủ cho các bé. “Ở một số nước, những trường hợp tương tự, trẻ được gởi cho các gia đình nhà hảo tâm nhận nuôi nấng, chăm sóc trong khi chờ bé được chuyển tới trại trẻ mồ côi. Như vậy, ít ra những ngày tháng đầu đời trẻ được sống trong môi trường gia đình, trẻ sẽ được yêu thương và bớt chai lì cảm xúc. Việt Nam chưa làm được như vậy nhưng hy vọng, trong tương lai gần, điều này sẽ được “luật hóa” để có thêm cơ hội cho cuộc sống các bé tốt đẹp hơn.
Bài và ảnh: Tuân Nguyễn