“Nhịn” chữa bệnh chờ BHYT

- 3 lượt xem - Tin tức

“Ngồi trên đống lửa”

 

Ông Phùng Văn C. (54 tuổi, quê Thái Nguyên) được chỉ định thay van tim nhân tạo ngày 2-1 tại Khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực Bệnh viện (BV) Việt Đức (Hà Nội). Thế nhưng, sau khi cân nhắc hoàn cảnh và sức khỏe bệnh nhân, bác sĩ (BS) phẫu thuật quyết định dời ngày mổ vào đầu tuần sau để chờ thẻ BHYT.

 

Với những bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, nhiều người đành hoãn chữa trị để đợi thẻ BHYT
Với những bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, nhiều người đành hoãn chữa trị để đợi thẻ BHYT

 

Theo ông Nguyễn Xuân Vinh – Điều dưỡng trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực, nếu không có thẻ BHYT, bệnh nhân C. sẽ phải tự chi trả 40-50 triệu đồng nhưng khi có thẻ, số tiền này giảm hơn 50%. “Với những phẫu thuật lớn, tốn kém hàng chục triệu đồng, thiếu thẻ BHYT thì bệnh nhân nghèo sẽ không chịu nổi” – điều dưỡng Vinh  nói.

 

Do bệnh nhân Nguyễn Văn Minh (72 tuổi, ngụ Thanh Hóa, đang điều trị tại BV Việt Đức) bị tai nạn ngày 1-1-2014 (trùng ngày BHYT hết hạn) nên người nhà đã phải chạy vạy ngược xuôi để có tiền chi trả viện phí.

 

“Ông cụ bước hụt nên bị gãy xương đùi. Thẻ BHYT thuộc diện cận nghèo nên sau ngày 31-12-2013 sẽ không còn giá trị, còn thẻ mới phải 1-2 tháng nữa mới có mà bệnh thì phải mổ ngay nên cả nhà đành vay mượn để chạy chữa. Sau này, có thẻ BHYT, gia đình sẽ mang giấy xác nhận của BV về địa phương, chẳng biết có được hoàn trả tiền không?” – con trai ông Minh băn khoăn.

 

Cũng trong tình cảnh thẻ BHYT hết hạn mà bệnh còn phải điều trị kéo dài, bà Phạm Thị Hồng (quê Hòa Bình) có chồng đang điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia như “ngồi trên đống lửa” vì khoản tiền gia đình phải tự lo ngày càng tăng. Chưa đầy 10 ngày, gia đình bà đã phải vay gần 20 triệu đồng để lo viện phí.

 

Bà Hồng cho hay gia đình có thẻ BHYT thuộc diện hộ nghèo. Chồng bà chẳng mấy khi đau ốm nên được cấp thẻ cũng cất đi. Hôm rồi, chồng bà bị bỏng điện phải điều trị lâu dài, BHYT thì sắp hết hạn. Khi về địa phương xin cấp thẻ, bà mới hay danh sách thẻ BHYT cho hộ nghèo còn phải chờ phê duyệt.

 

“Mấy ngày qua cũng có nhiều trường hợp như nhà tôi, nháo nhác điện thoại về quê giục người thân đi đổi thẻ. Nhà xa, phải chờ đợi thẻ nên cứ thấp thỏm” – bà Hồng than thở.

 

Bệnh nhân lãnh đủ

 

BS Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng Khoa Ngoại đầu cổ BV K (Hà Nội), cho biết năm nào cũng vậy, đầu năm mới, nhiều bệnh nhân lại gặp rắc rối trong việc chậm cấp thẻ BHYT.

 

“Từ đầu tháng 12, trong các buổi giao ban, tôi đã đề nghị nhân viên nhắc bệnh nhân đổi thẻ BHYT. Thế nhưng, không phải ai cũng kịp nhận thẻ mới khi thẻ cũ hết hạn. Với những trường hợp này, khi người bệnh có nguyện vọng xin ra viện sớm, BS căn cứ tình hình bệnh không quá nghiêm trọng sẽ cho xuất viện. Trường hợp có chỉ định phẫu thuật với chi phí quá tốn kém nhưng việc chậm phẫu thuật thêm vài tuần không nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân, BS cũng cân nhắc cho hoãn mổ” – BS Bảo nói.

 

Theo điều dưỡng Nguyễn Văn Hồng ở Bệnh viện K, nhiều địa phương cấp thẻ muộn nên bệnh nhân rất thiệt thòi, nhất là khi giá viện phí mới đã được thực hiện. Theo nguyên tắc, BV chỉ thanh toán bảo hiểm cho bệnh nhân trong thời hạn thẻ có hiệu lực. Nếu sau đó chưa có thẻ BHYT mới hoặc giấy xác nhận đã mua thẻ, bệnh nhân phải tự thanh toán toàn bộ chi phí thuốc men, vật tư… mà lẽ ra nếu có thẻ thì họ chỉ phải trả 5%-20%.

 

Trung bình một ca phẫu thuật ung thư sàn miệng, ung thư lưỡi, ung thư tuyến giáp… phải trên dưới 10 triệu đồng. Ông Hồng tính toán với người nghèo, lại ở xa thì đây là khoản tiền lớn, vì ngoài chi phí điều trị, người bệnh còn ăn ở, đi lại rất tốn kém.

 

Đại diện BHXH Việt Nam thừa nhận các đối tượng người nghèo, cận nghèo thường bị cấp thẻ chậm hơn so với đối tượng mua thẻ tự nguyện, cán bộ công chức, hưu trí… Theo nguyên tắc, người nghèo, cận nghèo phải được sở Lao động – Thương binh và Xã hội xác nhận, sau đó UBND tỉnh duyệt. Với quy trình này, nếu làm nhanh cũng 1-2 tháng, còn chậm phải hết quý I, những đối tượng trên mới được nhận thẻ BHYT mới.
 

Cần thay đổi cách cấp thẻ

 

Đại diện cơ quan BHXH cho biết trong giai đoạn khi thẻ cũ vừa hết hạn mà chưa có thẻ BHYT mới, quỹ BHYT vẫn chấp nhận thanh toán cho bệnh nhân điều trị ngoại trú được lĩnh hết đợt thuốc trong liều trình điều trị. Còn bệnh nhân điều trị nội trú sẽ được bảo hiểm thanh toán từ thời điểm nhập viện khi thẻ còn hiệu lực cho đến lúc xuất viện.

 

Tuy vậy, theo một số BV, với đối tượng nghèo và cận nghèo, rất khó để tính toán như cơ quan bảo hiểm nói. “Cần phải thay đổi cách thức hoặc đẩy nhanh việc cấp thẻ BHYT cho người bệnh” – một BS đề nghị.

 

 

Theo Ngọc Dung

Back To Top