Tiếp cận dự phòng các thời kỳ tuổi trẻ
Việc dự phòng bệnh tật, tăng cường sức khỏe trẻ em phải thực hiện trong suốt quá trình tuổi trẻ, ngay từ khi hình thành, phát triển thai nhi tiếp đến thời kỳ sơ sinh, thời kỳ dưới 01tuổi, thời kỳ trẻ nhỏ, thời kỳ trẻ lớn cho tới tuổi vị thành niên.
Mỗi thời kỳ tuổi trẻ có một trọng tâm dự phòng cần được quan tâm. Trong vài thập kỷ gần đây, có nhiều nghiên cứu đã thừa nhận việc dự phòng sớm ngay từ thời kỳ bào thai và trẻ nhỏ là hết sức quan trọng.
Những phơi nhiễm với môi trường ở giai đoạn đầu của tuổi trẻ có thể lập trình các yếu tố nguy cơ cao với một số bệnh xảy ra ở giai đoạn muộn của đời sống, như cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh thiếu máu. Vì vậy, các can thiệp dự phòng sớm không những chỉ cải thiện sức khỏe trẻ em, mà còn có vai trò chống một số bệnh ở người cao tuổi.
Dự phòng trước khi thụ thai và trong thời kỳ mang thai
Nhiều yếu tố về phía người mẹ trước khi thụ thai có ảnh hưởng đến thai nhi sẽ thụ thai như sức khỏe người mẹ hiện tại và trước đó, tuổi người mẹ dưới 18 tuổi hoặc lớn hơn 35 tuổi, số lần có thai, khoảng cách giữa các lần mang thai ngắn, thói quen như hút thuốc lá, uống rượu, tiền sử tiêm chủng như uốn ván, rubella, nghề nghiệp, tầng lớp xã hội, cũng như các yếu tố di truyền của bố hoặc mẹ. Hiểu biết, kiểm soát và loại trừ các yếu tố bất lợi trước khi thụ thai góp phần dự phòng rất quan trọng.
Dinh dưỡng của người mẹ trong thời kỳ mang thai ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của thai nhi. Trong thời kỳ mang thai người mẹ phải được tăng cường dinh dưỡng đầy đủ, để tăng từ 11- 12 kg, bảo đảm thai phát triển bình thường. Cần được bổ sung đủ acid folic để dự phòng dị tật ống thần kinh cho thai nhi, đủ sắt để đề phòng thiếu máu. Thiếu máu trong thời kì mang thai dễ có nguy cơ phát triển thai kém, sinh non.
Tổ chức chăm sóc trước sinh tốt có tác dụng sống còn đối với sức khỏe mẹ và trẻ em. Theo khuyến cáo của ngành sản phụ ở Việt Nam, trong thời gian mang thai, người mẹ phải được khám thai tối thiểu 3 lần, để theo dõi phát triển thai, được tư vấn cho việc bảo vệ thai, phát hiện các bất thường ở thai, dự đoán ngày sinh, phát hiện thai nguy cơ để dự phòng thích hợp.
Chăm sóc trước sinh có giá trị dự phòng lớn cho sức khỏe trẻ em và người mẹ. Nội dung chăm sóc trước sinh còn bao gồm sàng lọc các bệnh lý của người mẹ ảnh hưởng tới thai nhi như thiếu máu, viêm gan B, giang mai, nhiễm HIV, nhiễm khuẩn đường tiết niệu không có triệu chứng, tiền sản giật, cũng như đánh giá phát triển thai, phát hiện các cấu trúc bất thường ở thai, hội chứng Down của chẩn đoán trước sinh. Với các bà mẹ có các yếu tố nguy cơ đặc biệt, ví dụ như tiền sử gia đình có bệnh lý di truyền, cần phải tiến hành có chẩn đoán trước sinh, làm những xét nghiệm về di truyền để tư vấn thích hợp.
Những năm gần đây, nhờ tiến bộ về kỹ thuật di truyền phân tử, về kỹ thuật chẩn đoán trước sinh qua siêu âm, chọc nước ối, lấy mẫu nhung mao màng đệm để phát hiện bệnh di truyền trước sinh, xác định gen bệnh, tư vấn ngừng thai là biện pháp dự phòng thứ phát ngày càng có giá trị thực tiễn được ứng dụng để dự phòng sinh trẻ có khuyết tật nặng nề.
Biện pháp dự phòng quái thai trong giai đoạn đầu của thời kỳ thai là hết sức quan trọng. Trong 3 tháng đầu của thời kỳ thai cần tránh phơi nhiễm với các bệnh lây nhiễm do vi rút, hạn chế dùng thuốc và tránh tia xạ. Nhiễm vi rút trong giai đoạn đầu của phôi thai dễ có nguy cơ thai có các dị tật bẩm sinh. Một số hóa chất sau đây thường thấy phối hợp với dị tật của thai nhi. Ví dụ như methimazole, paramethadione, vitamin A, methotrexate, corticosteroid, androgen, progestin, iodine, lithium, thủy ngân. Ngoài ra cần tránh Xquang vào vùng bụng. Cho đến hiện nay chưa có bằng chứng nào về tác dụng có hại với thai nhi của siêu âm.
Trong thời kỳ có thai cũng cần tư vấn để người mẹ ngừng hút thuốc và không uống rượu. Hút thuốc có thể gây chậm phát triển thai trong tử cung, gây một số dị tật bẩm sinh, thai chết lưu, sinh non. Ngoài ra hút thuốc trong và sau thời kỳ mang thai còn có nguy cơ bị hội chứng chết đột ngột ở trẻ nhỏ (SIDS).
Dùng thuốc steroid cho người mẹ mang thai để phòng bệnh màng trong, giảm suy hô hấp sơ sinh sẽ có nguy cơ sinh non.
…. (Còn tiếp)….