Sinh mổ ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ vi sinh đường ruột ở trẻ nhỏ [10].
Các bằng chứng lâm sàng cho thấy sinh mổ ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của hệ vi sinh đường ruột của trẻ nhỏ.
Gron Lund và cộng sự [11] ghi nhận khu trú của Bifidobacteria tại ruột bị chậm ở trẻ sinh mổ so với sinh thường và sự khu trú của vi khuẩn Bacteroides fragilis cũng chậm hơn. (Gron Lund MM et al. JPGN 1999).
Nghiên cứu của Huurre A và cộng sự [12] trên 165 trẻ gồm 141 trẻ sinh thường và 24 trẻ sinh mổ tại Bệnh viện Turku, Phần Lan cho thấy: số lượng vi khuẩn đường ruột và Bifido bacteria cũng thấp đáng kể ở trẻ sinh mổ so với trẻ sinh thường. (Huure A et Al. ES PGHAN Congress 2006)
Ngoài ra sinh mổ có liên quan tới các khác biệt trong thành phần vi khuẩn đường ruột. Nghiên cứu đoàn hệ tại Hà Lan của Penders J và cộng sự [13] trên 1032 mẫu phân của trẻ lúc 1 tháng tuổi để tìm hiểu số lượng của Bifido Bacteria, Es cherichia Coli , Clostridium Difficile, Bacteroides, Lactobacilli, và số lượng toàn bộ vi khuẩn. Kết quả cho thấy ở trẻ sinh mổ, số lượng C. Difficile cao hơn trong khi số lượng các loại vi khuẩn khác thấp hơn so với nhóm sinh thường.
Ngoài ra, một số các yếu tố khác cũng góp phần ảnh hưởng đến thành phần của vi khuẩn đường ruột, ví dụ thời gian nằm viện làm gia tăng 13% số lượng và khu trú của C. Difficile, sử dụng kháng sinh làm giảm Bifido Bacteria và B fragilis ở tất cả các trẻ.
Khác với sinh mổ, trẻ sinh thường có vi khuẩn đường ruột sớm phát triển do tiếp xúc với vi khuẩn của cơ thể mẹ (phân, âm đạo) và môi trường xung quanh, được bú mẹ ngay sau khi sinh, trong khi trẻ sinh mổ không được tiếp xúc với vi khuẩn người mẹ, không tiếp xúc với vi khuẩn trong những ngày đầu sau sinh và nếu có tiếp xúc sau này, thì chủ yếu là vi khuẩn tại bệnh viện và trẻ không được bú mẹ đặc biệt là sữa non ngay sau khi sinh.
Sinh mổ ảnh hưởng đến miễn dịch ở trẻ nhỏ [12]
Các bằng chứng lâm sàng qua các nghiên cứu cho thấy hoạt động của hệ miễn dịch không đặc hiệu thấp hơn so với trẻ sinh thường. Nghiên cứu của Thilaganthan B và cộng sự [14] dựa trên đếm số lượng bạch cầu và tế bào Lympho ở máu cuống rốn của trẻ sinh thường và sinh mổ đã cho thấy bạch cầu đa nhân trung tính, các đơn bào và tế bào hủy diệt tự nhiên ở tre sinh thường cao hơn hẳn so với trẻ sinh mổ.
Ngoài ra sinh mổ cũng liên quan đến các phản ứng miễn dịch dị thường. Thật vậy, nghiên cứu của Ly N và cộng sự [15] thử xem mối liên quan của cách sinh đẻ với đáp ứng miễn dịch của trẻ sơ sinh dựa trên sự tiết Cytokin là chất có liên quan đến nguy cơ gia tăng về hen và chàm dị ứng ở trẻ em. Kết quả nghiên cứu cho thấy mổ đẻ đã kèm theo gia tăng Cytokin IL13 và IFN – y mà nguyên nhân theo tác giả có thể do trẻ không được sinh bằng đường âm đạo hay do không được phơi nhiễm sớm với các vi sinh đặc hiệu. Ví dụ: vi khuẩn kỵ khí, Gram (+). Sự gia tăng IL3 và IFN – y là nguồn gốc của bệnh hen và dị ứng sau này của trẻ.
Sinh mổ ảnh hưởng đến nguy cơ các bệnh dị ứng, bệnh đường ruột và các bệnh nhiễm trùng ở trẻ nhỏ. [16,17,18]. Các nghiên cứu cho thấy sinh mổ có nguy cơ mắc các bệnh miễn dịch như hen ở trẻ nhỏ và cả ở người lớn, dị ứng thức ăn và các bệnh đường tiêu hóa.
Thật vậy, gần đây người ta không hiểu vì sao lại có sự gia tăng tần xuất mắc các bệnh miễn dịch dị ứng. Các yếu tố di truyền không thể giải thích được, các yếu tố môi trường với giả thuyết mặc dù có người thuận, có người không đồng tình, cho rằng sự giảm các kích thích nhiễm trùng trong giai đoạn đầu của cuộc sống là nguyên nhân của cái gọi là bệnh dịch dị ứng và sự thay đổi này có thể bắt đầu tại các nhà hộ sinh. Ở đây, do tỷ lệ mổ đẻ gia tăng nên đã có một sự giảm tiếp xúc với nhiễm trùng ban đầu, làm ảnh hưởng đến tế bào T helper 1 và T helper 2 và do vậy gia tăng nguy cơ dị ứng. Để trả lời giả thuyết này đã có 2 nghiên cứu đoàn hệ (cohort study) về hen của Finnish cohort trên 59.927 lần sinh sống và Turku cohort với 106 sinh thường và 113 sinh mổ [18]. Kết quả ghi nhận cả 2 nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bị hen ở trẻ sinh mổ cao hơn hẳn có ý nghĩa thống kê so với trẻ sinh thường với OR 1.21; p <0,01và OR 2.22; p < 0,01.
Mổ đẻ liên quan đến hen trẻ em.
Hakansson S và cộng sự [19] nghiên cứu tại Thụy Điển xem thử sinh mổ có ảnh hưởng đến tỷ lệ bệnh hen và bệnh viêm dạ dày ruột. Kết quả cho thấy OR của bệnh hen ở trẻ sinh mổ là 1.31; CI 95%. Kết quả của viêm dạ dày ruột cũng tương tự như vậy với OR 1.31; CI 95%. Tỷ lệ bệnh hen và viêm dạ dày ruột có OR là 1.74; CI 95%. Nghiên cứu này đã chứng minh cho thấy trẻ mổ đẻ có tỷ lệ bệnh hen và / hay viêm dạ dày ruột và nguyên nhân khác có thể do thay đổi mẫu thành phần vi sinh vật đường ruột ban đầu.
Mổ đẻ cũng liên quan đến dị ứng thức ăn.
Nghiên cứu đoàn hệ của Eggesbe MB và cộng sự [20] trên 2803 sản phụ về cách sinh đẻ, sử dụng kháng sinh của mẹ và trẻ, và các thông tin về dị ứng thức ăn như trứng, cá, các loại hạt. Kết quả cho thấy, những trẻ có mẹ dị ứng, mổ đẻ có nguy cơ hơn 7 lần về dị ứng với trứng, cá và các loại hạt (Odds ratio, 7.0; CI, 1.8 – 28; p = 0.05) và hơn 4 lần về dị ứng với trứng (Odds ratio, 4.1; CI, 0.9 – 19; p = 0.8). Đối với những trẻ có mẹ không bị dị ứng không có nguy cơ gia tăng dị ứng. Sử dụng kháng sinh của mẹ và con không có nguy cơ gia tăng dị ứng.
—————-
Phần tiếp theo:
Mổ đẻ cũng liên quan đến tình trạng hen của người lớn.