Lao phổi và cách nhận biết.

- 33 lượt xem - Tin tức

Ngày 16/07/2018 Bệnh viện đa khoa Hùng Vương tiếp nhận và điều trị bệnh nhân N. T. D, 20 tuổi, địa chỉ Bắc Quang – Hà Giang nhập viện trong tình trạng sốt từng cơn, ho khạc đờm trắng dính, đau tức ngực nhiều, đi lại khó thở, cơ thể mệt mỏi.

Bệnh nhân được chỉ định làm các cận lâm sàng cần thiết, kết quả chụp XQ và siêu âm cho thấy hình ảnh viêm tràn dịch màng phổi phải, các bác sỹ đã ngay lập tức tiến hành thủ thuật chọc hút dịch màng phổi. Sau thủ thuật hút khoảng 500ml dịch màu vàng chanh từ màng phổi bệnh nhân.

Người nhà bệnh nhân cho biết: bệnh nhân xuất hiện ho kèm theo sốt hai tuần nay, đã nhập viện huyện điều trị một tuần đỡ và ra viện. Nhưng sau khi ra viện tình trạng ho tăng lên, khó thở nhiều khi đi lại, ăn uống kém, gầy sút cân nhanh, gia đình đưa bệnh nhân đến bệnh viện đa khoa Hùng Vương khám và điều trị.

NGUYỄN TIẾN DU (1)
Hình ảnh XQ phổi của bệnh nhân



Các bác sỹ đã tiến hành hội chẩn toàn khoa, với những biểu hiện sốt theo cơn về chiều kèm theo ớn lạnh, ho nhiều có đờm trắng, ăn uống kém, gầy sút cân nhanh bên cạnh đó kết quả xét nghiệm Rivalta dương tính (thể hiện tình trạng viêm phổi). Hơn nữa tình trạng đã kéo dài hơn hai tuần, các bác sỹ thống nhất chẩn đoán bệnh nhân bị viêm tràn dịch màng phổi phải theo dõi do lao. Bệnh nhân cần được cách ly và theo dõi sát, làm các cận lâm sàng cần thiết để xác vi khuẩn lao. Bên cạnh đó bác sỹ tư vấn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chuyển tuyến đến bệnh viện Phổi trung Ương để được điều trị chuyên khoa.

Bác sỹ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết: bệnh nhân còn rất trẻ nên việc phát hiện và điều trị kịp thời là điều vô cùng quan trọng. Lao là bệnh rất nguy hiểm và gây ra nhiều biến chứng nếu không điều trị kịp thời.

Bác sỹ khuyến cáo người dân khi có các biểu hiện sau cần đến ngay bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh viện phổi để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Ho, ho ra máu

Dấu hiệu của bệnh lao phổi đầu tiên đó là ho. Có thể có nhiều nguyên nhân gây ra ho như: viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, lao, ung thư phổi,… Mọi bệnh nhân ho trên 3 tuần không phải do viêm phế quản, viêm phổi, giãn phế quản, ung thư phổi,… dùng thuốc kháng sinh không giảm ho thì nguy cơ mắc lao phổi khá cao. Ho ra máu cũng là triệu chứng của nhiều bệnh khác tuy nhiên có thể gặp ở 60% những người lao phổi thể hiện có tổn thương, chảy máu trong đường hô hấp nên những người có triệu chứng ho ra máu phải kiểm tra có lao phổi không.

Khạc đờm

Đây là biểu hiện tăng xuất tiết do phổi phế quản bị kích thích hay do có tổn thương tại phổi phế quản. Cũng tương tự như ho, khạc đờm có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra mà các nguyên nhân phổ biến nhất là do viêm nhiễm. Vì vậy nếu sau khi dùng thuốc kháng sinh triệu chứng khạc đờm vẫn không giảm thì bệnh nhân có triệu chứng ho khạc trên ba tuần phải nghĩ đến do lao phổi và cần đi thăm khám.

Gầy, sút cân

Gầy, sút cân là triệu chứng thường gặp ở người mắc lao phổi. Những bệnh nhân gầy, sút cân không có nguyên nhân rõ ràng, không phải do suy dinh dưỡng, tiêu chảy, nhiễm HIV/AIDS,… nhưng có các triệu chứng ho, khạc đờm có nguy cơ đã mắc lao phổi.

Sốt, ra mồ hôi

Sốt là triệu chứng thường gặp ở người mắc lao phổi. Sốt có thể ở nhiều dạng như: sốt cao, sốt thất thường tuy nhiên hay gặp nhất là sốt nhẹ hoặc gai gai lạnh về chiều. Trong lao phổi ra mồ hôi là do rối loạn thần kinh thực vật mà người ta thường gọi là ra mồ hôi trộm. Ngoài ra còn kèm theo nhiều triệu chứng khác như: chán ăn, mệt mỏi.

 

 

 

Back To Top