Hướng mở cho y tế chuyên sâu Hà Nội

- 13 lượt xem - Tin tức
 Hướng mở cho y tế chuyên sâu Hà Nội

Các bác sĩ tiến hành lấy thận.

Từ ca ghép thận thành công đầu tiên

Ngày 28/12, ca ghép thận đầu tiên của ngành y tế Hà Nội được thực hiện tại BVĐK Xanh-pôn và do chính các bác sĩ của BV này thực hiện. Người được ghép thận là bệnh nhân nữ Q.T.H, 29 tuổi ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Người cho thận là mẹ của bệnh nhân, 49 tuổi. Bệnh nhân H. được chẩn đoán bị suy thận mạn độ IV do viêm cầu thận mạn, hiện đang phải điều trị thận nhân tạo 2 lần/tuần. Ca mổ ghép thận được bắt đầu thực hiện lúc 9 giờ sáng (28/12). Kíp phẫu thuật thực hiện ca ghép thận đầu tiên gồm 56 thành viên, do PGS.TS. Nguyễn Công Tô, Phó Giám đốc BV Xanh-pôn làm tổng chỉ huy, cùng sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ghép thận đến từ BV 103. Sau 1 giờ đồng hồ (10 giờ sáng), các y bác sĩ đã lấy thận thành công của người cho. Đến 10 giờ 50 phút, kíp mổ thực hiện xong việc ghép, nối động mạch và tĩnh mạch, quả thận ghép hoạt động thể hiện ở việc đã có nước tiểu. Kíp mổ đã thực hiện xong việc ghép thận đối với người nhận. Cùng thời điểm này, sau 2 giờ đồng hồ, người cho thận đã ổn định và tỉnh táo hoàn toàn, được rút ống nội khí quản, chuyển về phòng hậu phẫu để chăm sóc. Còn người nhận thận thì sau 30 phút ghép, lượng nước tiểu của bệnh nhân được ghép thận đã được 200ml. Ca ghép được kíp mổ thực hiện xong toàn bộ lúc 12 giờ. Như vậy, sau 3 giờ đồng hồ, các y bác sĩ kíp mổ của BVĐK Xanh-pôn đã thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên trên người. Sau khi hoàn thành ca ghép, PGS.TS. Hoàng Mạnh An, Giám đốc BV 103 – đơn vị chuyển giao kỹ thuật ghép tạng cho BV Xanh-pôn cho biết, điều thành công nhất của ca ghép thận tại BV Xanh-pôn chính là do các bác sĩ của BV này thực hiện. Các bác sĩ BV 103 chỉ là người phụ mổ. Điều đó cho thấy, các bác sĩ BV Xanh-pôn làm chủ được kỹ thuật ghép này. So với ca ghép thận đầu tiên năm 1992 tại BV 103, các bác sĩ BV 103 đã phải thực hiện trong 8 giờ đồng hồ và có chuyên gia nước ngoài, thì đến nay BV Xanh-pôn thực hiện ca ghép này chỉ trong vòng 3 giờ và không phải mời chuyên gia nước ngoài. Trưởng kíp mổ lấy thận từ người cho, BSCKII. Phạm Huy Huyên, Trưởng khoa Tiết niệu, BVĐK Xanh-pôn chia sẻ, bài học kinh nghiệm lớn nhất của ca ghép thận này chính là sự phối kết hợp đồng bộ, thuần thục của 3 kíp, kíp lấy thận, rửa thận và ghép thận; các chuyên ngành phẫu thuật, mạch máu, gây mê, hồi sức…

 Hướng mở cho y tế chuyên sâu Hà Nội

Quả thận được đưa vào ổ bụng để ghép cho bệnh nhân. Ảnh: Vũ Tuấn

Đến sự phát triển y tế chuyên sâu

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đây là ca ghép thận đầu tiên của ngành y tế Hà Nội và đã thành công, điều này mở cơ hội cho các bệnh nhân ghép thận nói riêng và các bệnh khác. Sự thành công của ca ghép thận đầu tiên không chỉ tạo bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của BV mà trực tiếp góp phần nâng cao thương hiệu và chất lượng điều trị của BV.

Giám đốc BVĐK Xanh-pôn, TS. Nguyễn Phạm Ý Nhi cho biết, để thực hiện được ca ghép thận đầu tiên do chính các bác sĩ của BV thực hiện là cả một quá trình chuẩn bị lâu dài hết sức kỹ lưỡng từ khâu trang thiết bị cho đến đào tạo nhân lực. Theo đó, trong suốt 1 năm qua, BV đã cử 16 kíp chuyên môn với 100 người đi đào tạo tại các trung tâm uy tín như BV Bạch Mai, BV Việt Đức, BV 103 và cử 2 kíp cán bộ đi đào tạo tại Viện trường Limoges (Cộng hòa Pháp) về điều trị nội thận, thận nhân tạo và ghép thận. TS. Nhi cho biết thêm, trước mắt BV ghép thận từ người cho cùng huyết thống và mục tiêu lâu dài là phấn đấu đưa ghép thận trở thành thường quy tại BVĐK Xanh-pôn. Đã có nhiều bệnh viện thực hiện ghép thận thành công, nhưng đây là thành công của BVĐK Xanh-pôn, bởi bệnh viện đã chọn kỹ thuật chuyên sâu trong ghép thận để nâng cao tay nghề cho đội ngũ kỹ thuật viên, y bác sĩ ở tất cả các chuyên ngành như: gây mê hồi sức, điều trị, điều dưỡng… Phát triển kỹ thuật y tế chuyên sâu là một trong những định hướng chiến lược của ngành y tế Hà Nội. Do đó, năm 2012, BVĐK Xanh Pôn đã xây dựng kế hoạch ghép thận và được UBND thành phố Hà Nội cho phép thực hiện.

Nguyễn Tuệ

Tính đến thời điểm này, cả nước đã có 14 BV thực hiện thành công kỹ thuật ghép thận. Được biết, chi phí cho một ca ghép thận ở nước ngoài sẽ mất khoảng 600 triệu – 1 tỷ đồng, nhưng nếu thực hiện ở trong nước chi phí giảm xuống còn khoảng 150 – 300 triệu đồng mà hiệu quả thì không hề thua kém.

Back To Top