Hồi ký những đêm trực sản

- 21 lượt xem - Tin tức

Phiên trực ngày… tháng…

Một sản phụ sanh ở Tam Thái lần thứ 3, băng huyết sau sanh thường… Trạm xá xã chuyển đến trong tình trạng da xanh lướt, choáng mất máu… Đón bệnh nhân tại cầu thang máy, chuyển vội luôn vào phòng mổ… Sau khi hồi sức và gây mê, kiểm tra đường dưới, sao máu chảy nhiều quá, tử cung nhão nhoẹt. Mở bụng thôi… Quyết định cắt luôn tử cung…

Thời đó, ngân hàng máu bệnh viện không nhiều như bây giờ, gây mê ráng giữ “gôn” để phẫu thuật viên yên tâm cắt tử cung… cố gắng may kỹ từng nơ chỉ… “rút quân khỏi hiện trường” và chuyển đến hồi sức… Sau 15 phút, quay lại hồi sức xem lại tình trạng sản phụ. Mạch và huyết áp vẫn không lên vì không có máu…

Mệt mỏi… Sản phụ đang nguy kịch… Sau một phút chần chừ, quyết định gọi điện thoại đến từng khoa phòng trong bệnh viện, tập trung hết các học sinh trường Cao đẳng y tế đang trực, em nào cùng nhóm máu A có thể cho sản phụ.

12h đêm cả thầy trò cùng đói lả, nhưng tính mạng sản phụ quan trọng hơn nhiều. Mua cho 3 em, mỗi em một lon bò húc uống trước khi lấy máu cho khỏi bị “xỉu”. Sáng mai, thăm sản phụ… mạch, huyết áp ổn định… mừng quá.!!! Cám ơn tấm lòng của các y sinh. Các em đã biết thế nào là sự hy sinh cao cả để giành lấy sự sống cho người bệnh.

Phiên trực ngày… tháng…

Sản phụ H sinh con so, nhau bong non thể nặng, tuyến dưới chuyển. Quyết định mổ cấp cứu, tử cung có tím cả 2 bên nhưng vẫn có go hồi… Khâu bảo tồn tử cung và thắt 2 động mạch tử cung… Sau khi cho máu ngân hàng, thấy xét nghiệm chức năng đông máu rối loạn, nhóm B- cùng nhóm máu phẫu thuật viên. Vậy là yên tâm, sau khi đóng bụng, phẫu thuật viên xuống thẳng ngân hàng máu…

“Chị ơi, sản phụ cùng nhóm máu phẫu thuật viên, hãy lấy máu tươi của em để truyền cho bệnh nhân”… Ngỡ ngàng nhìn phẫu thuật viên rồi bảo cô nằm xuống giường và lấy máu… Phẫu thuật viên cầm luôn máu tươi của mình lên khoa hồi sức… Sau mấy ngày hồi sức, sản phụ khỏe mạnh ra viện.

 Niềm hạnh phúc giản dị của những y bác sĩ trực sản khoa là được thấy sản phụ vượt cạn thành công "mẹ tròn con vuông". (Ảnh minh họa: Internet)

Niềm hạnh phúc giản dị của những y bác sĩ trực sản khoa là được thấy sản phụ vượt cạn thành công "mẹ tròn con vuông". (Ảnh minh họa: Internet)

Một năm sau, đang học ở Sài Gòn, có điện thoại reng. Phẫu thuật viên cầm máy. Bên kia đầu dây, một giọng phụ nữ nhỏ nhẹ: “Bác sĩ ơi! Em là T. người Núi Thành, năm ngoái BS cho em máu để truyền, bây giờ vào lại Sài gòn làm ăn, nghe tin Bác sĩ đang học ở thành phố, em muốn biết địa chỉ đến thăm”. Phẫu thuật viên cảm thấy lòng mình lâng lâng, bay bổng… hạnh phúc ở đâu đây..sao thật là bất ngờ…

Phiên trực ngày… tháng…

Bệnh nhân H., dân tộc Cà Tu, mổ sanh thiếu máu nặng, được các bác sĩ phiên trực phẫu thuật, cấp cứu. Bệnh ổn định chuyển về điều trị phòng nặng khoa Sản. Sau một tuần, bệnh nhân xuất viện…

Sao buổi chiều đã có giấy tờ ra viện mà vẫn còn ở lại phòng nặng? Chồng bệnh nhân nhỏ nhẹ: “Bác ơi, không có tiền về xe”… Bác sĩ cười xòa và đưa 100 ngàn đồng: “Về xe đủ không?”. Người nhà mừng rỡ “Dạ đủ ạ!”. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của người nhà và bệnh nhân, bác sĩ cảm thấy lòng mình ấm áp!…

Phiên trực mồng 4 Tết Qúy Tỵ 2013

Một sản phụ người dân tộc Ko, BV Phước Sơn chuyển đến với chẩn đoán “Thai 8 tháng, bỏng xăng 30%”, toàn bụng bị bỏng, được chuyển vào khu hồi sức cùng với em bé 3 tuổi là con của sản phụ cũng bị bỏng xăng, cha của em bé nằm khoa Ngoại. Sao gia đình này đầu năm mà xui xẻo quá!

Bác sĩ Sản được khoa Hồi sức mời hội chẩn xem bệnh lúc 15h; siêu âm trước khi xịt Panthenol lên bụng bệnh nhân, tim thai vẫn tốt, khám CTC vẫn đóng kín, cho thuốc giảm go với tiên lượng vẫn có thể sanh non và bảo BS khoa Hồi sức: “Nếu sản phụ có diễn biến gì, em báo chị lên ngay, vẫn có thể đỡ đẻ tại hồi sức, tính mạng sản phụ là trên hết”.

Nhìn vào đầu giường của bé và mẹ, có 2 hộp sữa. Bác sĩ khoa Hồi sức tâm sự: “Không có người nhà, bọn em cho uống sữa đỡ”. Vậy là các cô điều dưỡng khoa hồi sức không chỉ chăm sóc vết thương mà còn chăm bón từng bịch sữa.

2h sáng, điện thoại hồi sức mời cấp cứu gấp… sản phụ sắp đẻ. Cả 2 bác sĩ tua trực, cùng với một nữ hộ sinh ôm theo bộ đỡ đẻ chạy vội vàng lên hồi sức, đầu thai nhi thập thò âm hộ. Lót tấm nilon ngay lên giường sản phụ đang nằm và đỡ đẻ, tiếng khóc bé gái 2400g, “oe oe” mừng quá! Sau đẻ, tử cung go tốt, sản phụ ổn định… Mừng ơi là mừng!

Về khoa, cô nữ hộ sinh đi xin từng cái áo, tã, khăn lông, mỗi người nhà trong phòng chờ góp một cái, nhìn em bé được bọc trong cái khăn lông của cô nữ hộ sinh vừa mới xin, lòng mình cũng thấy ấm áp. Mua cho em bé một hộp sữa bột nhờ mấy em nữ hộ sinh phòng dưỡng nhi cho bú trong những ngày không nằm với mẹ. Thấy thương chi lạ…

Vậy đó, cuộc đời làm sản khoa là những kỷ niệm buồn vui khó tả… Có những lúc thấy người phấn chấn sau những lần vượt cạn của sản phụ và niềm vui rạng rỡ của người nhà, có những lúc mệt mỏi quá, cáu gắt với người nhà… rồi đâm ra hối hận và xin lỗi… Cuộc đời hành nghề y, cứ phải học và rút kinh nghiệm, giống như ai đó đã từng nói: “có một dây rút hoài không hết… đó là dây rút kinh nghiệm”… Với những gì đã học được ở trường Y, lương tâm của người thầy thuốc và sự hỗ trợ của bạn bè và đồng nghiệp, chúng tôi cảm thấy như có sức mạnh vô hình nào đó thôi thúc chúng tôi phải tiếp tục chuẩn bị tinh thần cho những ca trực tiếp theo.

ThS. BS. Yên Bình

Back To Top