Hiểu biết để hạn chế phản ứng phụ khi tiêm vaccin

- 14 lượt xem - Tin tức

 

    Đối với tiêm phòng lao

    Việc phòng lao cho trẻ sơ sinh được thực hiện bằng cách tiêm vaccin BCG ngay trong tuần đầu sau sinh. Thuốc được tiêm trong da. Sau khi tiêm, có thể nổi mẩn đỏ, sưng tấy nhẹ, hoặc loét tại chỗ tiêm. Không nên tiêm cho trẻ bị viêm da có mủ, đang bị sốt, bị tiêu chảy, suy dinh dưỡng, bệnh tai mũi họng, viêm phổi, vàng da,… Việc tiêm BCG có hiệu quả lâu dài, nhưng không được dùng cho những người đã bị lao. Trẻ nhiễm HIV vẫn nên tiêm phòng lao, ngoại trừ bệnh đã diễn tiến sang giai đoạn AIDS.

 

    Đối với tiêm phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm phổi, viêm màng não, viêm gan B

    Theo lịch tiêm chủng, trẻ được tiêm 3 liều cách nhau khi đủ 1 tháng, đủ 2 tháng và đủ 3 tháng. Thuốc có hiệu quả bảo vệ trong nhiều năm sau khi đã tiêm đủ liều. Tại chỗ tiêm ngừa có thể bị nổi mẩn đỏ, sưng đau nhẹ, gây sốt 38 – 39oC. Trong trường hợp trẻ đang mắc bệnh nhiễm khuẩn, sốt cao, rối loạn thần kinh… không nên tiêm ngừa vaccin này.

    Đối với tiêm phòng bệnh bại liệt

    Trẻ sẽ được chủng ngừa sốt bại liệt cùng lúc với tiêm ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà bằng thuốc ngừa dạng uống (vaccin Sabin): uống 3 lần vào lúc 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi và 4 tháng tuổi. Trẻ sẽ được bảo vệ trong 10 năm. Sau khi uống thuốc ngừa, trẻ có thể bị nhức đầu, đau cơ hoặc tiêu chảy… Tuyệt đối không được cho uống Sabin ngừa sốt bại liệt trong lúc trẻ đang bị sốt, bị nôn, tiêu chảy, đang được điều trị bằng thuốc corticoid, mắc bệnh ác tính (u lympho, bạch cầu cấp…) hoặc bị nhiễm HIV. Không cho các cháu uống thuốc Sabin đồng thời với vaccin thương hàn uống. Với một số trường hợp trẻ không uống được, nên dùng vaccin dạng tiêm (vaccin Salk).

    Đối với tiêm phòng sởi

    Trẻ được chủng ngừa bệnh sởi khi đã đủ 9 tháng tuổi và nhắc lại khi đủ 18 tháng. Thuốc được tiêm dưới da và có tác dụng bảo vệ trong nhiều năm. Sau khi tiêm, có thể có phản ứng tại chỗ tiêm: sưng đỏ, nổi mụn nước. Trẻ cũng có thể bị sốt, ho, sổ mũi và nhức đầu. Khi trẻ đang sốt cao, bị suy giảm miễn dịch do có HIV, cần hoãn tiêm thuốc ngừa bệnh sởi.

    Đối với vaccin phòng bệnh viêm gan B

    Hầu hết các vaccin ngừa viêm gan B đều rất an toàn. Một số ít các trường hợp có thể bị sốt nhẹ, đau chỗ tiêm, nôn ói, chóng mặt, mệt mỏi, đau cơ sau khi tiêm. Đối với trẻ sinh ra nhẹ cân cần chờ cho đến khi trẻ được 2kg hoặc từ 2 tháng tuổi mới bắt đầu tiêm ngừa viêm gan B. Hiện nay, ngành y tế đã và đang triển khai tiêm loại vaccin 5 trong 1 được nhập khẩu từ nước ngoài (Quinvaxem) để hạn chế việc trẻ phải tiêm chủng nhiều lần. Đây là loại vaccin đã được đã được WHO  kiểm định với chỉ một mũi tiêm nhưng phòng được tất cả các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm màng não mủ (Hib), thay cho việc phải sử dụng nhiều mũi tiêm ngừa như trước đây trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Cha mẹ cần có kiến thức khi đưa con đi tiêm chủng.

 

    Lời khuyên cho các bậc cha mẹ khi đưa trẻ đi tiêm phòng

    Tiêm vaccin là biện pháp kinh tế, hiệu quả cao để phòng nhiều bệnh nguy hiểm. Việc gần đây có một số tai biến sau khi tiêm chưa hẳn là do vaccin kém chất lượng mà có thể do thời điểm tiêm vaccin đối với từng trường hợp cụ thể không thích hợp. Vaccin cũng là một loại thuốc nên cũng có thể gây ra tình trạng dị ứng từ nhẹ đến nặng. Các bậc phụ huynh khi đưa trẻ đến tiêm vaccin cần thông báo rõ tình trạng sức khỏe của con em mình và cán bộ y tế cũng cần xem xét cẩn thận trước khi tiêm cho các cháu. Nếu trẻ có tiền sử dị ứng với thuốc hoặc các chất lạ khác cần phải hết sức thận trọng và phải ghi trong sổ theo dõi tiêm chủng của trẻ.

     Phản ứng phụ khi tiêm vaccin có thể xảy ra. Tuy nhiên, phụ huynh không nên quá hoang mang vì những phản ứng nguy hiểm rất hiếm gặp. Các bậc cha mẹ nên tìm hiểu kỹ thông tin về những phản ứng phụ ngay tại điểm tiêm chủng để làm chủ được những phản ứng sau tiêm ở trẻ. Những phản ứng nguy hiểm thường chỉ xảy ra trong vòng 30 phút sau tiêm nên phụ huynh cần lưu lại thêm 30 phút tại điểm tiêm chủng để được theo dõi và xử lý kịp thời nếu trẻ xuất hiện tình trạng: nổi ban, mề đay, sưng môi, phù mắt, khó thở, mất tri giác. Sau thời gian 30 phút, phụ huynh cần theo dõi trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ. Trong thời gian này trẻ sẽ gặp những phản ứng thông thường: đau nơi tiêm, quấy khóc, biếng ăn, nổi ban, sốt nhẹ. Các phản ứng nặng rất hiếm gặp cần được can thiệp y tế gồm: sốt cao trên 390C, khóc thét kéo dài, tím tái, khó thở, co gồng và các biểu hiện bất thường khác. Trong trường hợp này, trẻ cần được nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được chăm sóc.         

 

Theo Sức khỏe&Đời sống

Back To Top