Lời thề đó đã là động lực khiến lớp lớp những người làm nghề y đều nguyện suốt đời phấn đấu nhằm hoàn thành tốt tôn chỉ và mục đích này. Bác Hồ kính yêu của chúng ta khi còn sống cũng đã từng nói với cán bộ, công nhân viên của ngành y rằng: “Lương y như từ mẫu”, nghĩa là “Thầy thuốc như mẹ hiền”. Chúng tôi tự thấy rằng đây đó vẫn còn tồn tại những vụ, việc không hay, không tốt của ngành y khiến cho người dân chưa được hài lòng. Song tựu trung đội ngũ y, bác sĩ cùng những người công tác của ngành y đã có nhiều cố gắng, thấm nhuần lời thề y đức và lời dạy của Bác Hồ, chăm lo tốt nhất cho sức khỏe của nhân dân. Đội ngũ những người làm nghề y không ngại khó khăn thiếu thốn, trong thời chiến cũng như thời bình luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao phó. Luôn cố gắng trau dồi đạo đức, kiến thức ngành nghề để ngày càng đáp ứng đầy đủ nhất, tốt nhất cho việc khám và điều trị bệnh cho nhân dân. Nhiều tấm gương hy sinh anh dũng của đội ngũ y bác sĩ trong các cuộc chiến tranh cũng như trong những ngày hòa bình khiến người dân cảm phục và ghi ơn.
Các bác sĩ ngoài khám chữa bệnh còn luôn cố gắng an ủi, động viên giúp người bệnh nhanh chóng bình phục.
Đứng trước một người bệnh, chúng tôi luôn tâm niệm “còn nước còn tát”, nỗ lực hết mình để cứu sống họ thì nay không lẽ gì chúng tôi lại vi phạm y đức, mang kiến thức ngành y để chấm dứt cuộc sống của một con người, dẫu cho họ là tử tù. Ngoài đời, những tử tù ấy đã gây ra tội ác tày trời cho xã hội, nhưng với những tội ác ấy, họ đã bị pháp luật nghiêm khắc trừng trị bằng bản án tử hình. Còn trong thời gian xét xử, lĩnh án biệt giam chờ ngày đền tội, không may họ bị ốm đau, bệnh tật, bị suy sụp sức khỏe thì khi họ đến với chúng tôi, chúng tôi luôn coi họ là bệnh nhân. Chính chúng tôi sẽ đảm trách việc khám, chữa bệnh, an ủi, động viên họ để họ mau chóng bình phục, đặng an lòng mà sống khỏe nốt những ngày còn lại. Chúng tôi tin rằng, với những bệnh nhân đặc biệt như vậy, sau khi được cứu chữa, chăm sóc tận tình, họ sẽ nhận ra, dẫu có muộn màng đều làm lay động tận sâu thẳm trái tim tội lỗi của họ. Đó là khi mà họ đã phải nhận mức án tử hình của pháp luật, khi mà trong số họ, nhiều người bị ngay chính gia đình, người thân, bạn bè chối bỏ thì những người thầy thuốc, những người áo trắng lại mang đến cho họ cảm giác ấm áp của tình người.
Trị bệnh cứu người – đó là sự phân công của xã hội đối với chúng tôi. Trách nhiệm khám, chữa bệnh làm sao để người bệnh mau bình phục, sớm trở về lao động cống hiến cho xã hội là nhiệm vụ hàng đầu của ngành y. Ngành nghề nào cũng lấy việc làm ra của cải, vật chất cho xã hội nhằm nâng cao đời sống của nhân dân làm trọng. Dân có giàu thì nước mới mạnh, mà muốn làm được tốt kinh tế thì phải có đủ sức khỏe. Vậy việc chăm sóc sức khỏe cho dân là của chúng tôi – những người làm nghề y đức chân chính. Sẽ ra sao nếu buộc chúng tôi phải thay đổi cách nghĩ, cách làm từ cứu chữa người thành kết liễu số phận một con người?
Vẫn biết khi Nhà nước cần thì một công chức phải tuân theo sự phân công, sắp xếp của cấp trên. Nhưng với đặc thù nghề nghiệp chúng tôi, nghề mà trọng tâm là chăm sóc sức khỏe cho nhân dân thì sự phân nhiệm này liệu có thực sự đúng, liệu có thực sự cần thiết và liệu có thực sự công bằng?
Thiết nghĩ, thực thi pháp luật, trừng trị những kẻ gây ra tội ác cho xã hội phải là người của ngành chức năng, phải là người được đào tạo bài bản, là người có uy tín, năng lực và uy lực đảm nhiệm. Còn chúng tôi làm nghề y, suốt một đời mang trọng trách trị bệnh cứu người thì một mũi tiêm để kết thúc cuộc sống của một con người, dẫu người ấy là tử tù, thì thật lòng rất khó để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ.
Đừng để con tim của những thầy thuốc phải đập lỗi nhịp. Mỗi ngành, mỗi nghề đều có tôn chỉ, mục đích riêng. Hãy để cho chúng tôi – những thầy thuốc của nhân dân được làm nghề chăm sóc sức khỏe cho dân. Hãy để cho chúng tôi – những thầy thuốc của nhân dân được tự hào sống và cống hiến đúng như lời dạy của Bác Hồ kính yêu là “Lương y như từ mẫu”.
Hãy để cho chúng tôi – những thầy thuốc của nhân dân được thanh thản trị bệnh cứu người!
TTƯT.BS. Nguyễn Thị Nhân