Hà Nội bùng phát dịch sởi sau 3 năm vắng bóng

- 14 lượt xem - Tin tức

Cuối tháng 12/2013 cũng có 10 trường hợp dương tính với sởi được xác định. Như vậy đã có khoảng 40 ca bệnh sởi được xác định chắc chắn. TS. Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm YTDP Hà Nội xác nhận, tại Hà Nội đang xảy ra dịch sởi ở trẻ em, sau 3 năm không có dịch.

Phòng và điều trị bệnh sởi, cách nào?

Bỏ tiêm vaccine, nhiều trẻ "dính" sởi

Trong tổng số 40 ca sởi đã được xét nghiệm khẳng định dương tính tại Hà Nội có tới 40% các trường hợp mắc bệnh trước đó chưa được tiêm vaccine sởi; 12,5% trường hợp mắc bệnh trước đó đã được tiêm 1 mũi vaccine sởi trước 1 tuổi; các trường hợp còn lại chủ yếu là người lớn không rõ tiền sử tiêm chủng.

Bệnh nhi mắc sởi điều trị tại khoa Nhi, BV Bạch Mai. Ảnh: D.Hải.

Bệnh nhi mắc sởi điều trị tại khoa Nhi, BV Bạch Mai. Ảnh: H.Hải.

 

Bệnh nhân mắc sởi chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi (78%), trong đó trẻ em dưới 1 tuổi chiếm 57,5%; trường hợp nhỏ nhất là trẻ mới được 6 tháng tuổi, lớn nhất là 31 tuổi. Số bệnh nhân tập trung đông nhất là tại tại BVĐK Xanh Bôn với 55 trường hợp, BV Nhi T.Ư 20 trường hợp, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư 7 trường hợp, BV Bạch Mai có 2 trường hợp…

Tại BV Bạch Mai, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết, khoảng 1 tháng trở lại đây, cao điểm có ngày khoa Nhi tiếp nhận 15-20 trẻ bị sởi, phát ban dạng sởi đến khám, phần lớn là bệnh nhi tại Hà Nội. Trong số đó có nhiều trẻ mắc bệnh do không được tiêm phòng sởi. Phụ huynh giải thích là do lo ngại các tai biến sau tiêm vaccine không may xảy ra với con em mình.

Ở Việt Nam, tính đến năm 2012, đã có 96% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng vaccine phòng sởi, chúng ta đang tiến tới loại trừ bệnh sởi. Năm 1984, cả nước 87.796 ca mắc đến năm 2012 chỉ còn 578 ca sởi lâm sàng.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại hai địa phương là Hà Nội và Sơn La đã có 2 ca tử vong do sởi. Ngoài ra, nhiều ổ dịch sởi đã xuất hiện tại các địa phương như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La. Người mắc chủ yếu là trẻ dưới 15 tuổi.

Cảnh báo nguy cơ dịch lan rộng

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, bệnh sởi bắt đầu với các triệu chứng ban đầu như sốt nhẹ, sau đó sốt cao 39-40 độ C, ho, mệt mỏi kèm viêm kết mạc, chảy nước mũi. Ban đỏ xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh.

Các chuyên gia nhận định, bệnh sởi nguy hiểm do virus gây bệnh làm suy giảm miễn dịch của bệnh nhân, khiến có nguy cơ xảy ra các biến chứng nặng như: viêm màng não, viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy. Vì thế, khi thấy dấu hiệu sốt cao kèm theo phát ban (đỏ toàn thân), ho, hắt hơi, chảy mũi, mắt kèm nhèm hoặc mắt đỏ… thì cần phải đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị. Với trường hợp bệnh nhẹ có thể được bác sĩ hướng dẫn điều trị tại nhà, người bệnh vẫn cần tránh gió lạnh, nghỉ làm việc, ăn thức ăn mềm, cần hạn chế tiếp xúc và thường xuyên đeo khẩu trang.

Theo TS Cảm, thời gian gần đây vẫn tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Thêm nữa, với tính chất bệnh lây lan qua đường hô hấp nên có nguy cơ dịch vẫn tiếp tục lan rộng. Vì vậy, cẩn tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, điều tra lấy mẫu triệt để phát hiện sớm ca bệnh để kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống. Hơn nữa, với 40% ca mắc phổi do chưa tiêm phòng, việc tuyên truyền, vận động người dân chủ động cho con đi tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch là rất quan trọng.

Tất cả mọi người chưa mắc bệnh hoặc được gây miễn dịch chưa đầy đủ đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh, vì thế, cách tốt nhất phòng bệnh là cần được tiêm vaccine phòng sởi.

 

Các nghiên cứu cho thấy nếu chỉ tiêm một mũi vaccine sởi vào lúc trẻ 9 tháng tuổi thì chỉ có tối đa 85% số trẻ được bảo vệ. Như vậy còn khoảng 15% số trẻ hằng năm được tiêm một mũi hoặc chưa được tiêm vaccine sởi sẽ có nguy cơ mắc sởi. Sự tích lũy của nhóm đối tượng này sau nhiều năm sẽ tạo điều kiện cho dịch sởi bùng phát.

Trước đây, tiêm vaccine sởi chỉ một mũi duy nhất từ lúc trẻ 9 tháng tuổi, cho nên những người đã tiêm cách đây 15 năm, 20 năm thì đã bị suy giảm đáng kể độ miễn dịch, góp phần đáng kể vào lỗ hổng miễn dịch với sởi trong cộng đồng. Vì thế khi mà số người thuộc lỗ hổng miễn dịch sởi tích lũy qua thời gian 4-5 năm sẽ dẫn đến xuất hiện dịch. Điều đó giải thích vì sao trong vụ dịch năm 2009 có nhiều người mắc ở lứa tuổi từ 18-26.

Phản ứng phụ sau tiêm vaccine sởi thường nhẹ. Chúng thường xảy ra từ 5-12 ngày sau khi tiêm vaccine và xảy ra ở những người nhạy cảm với nhiễm trùng. Khoảng 5%-15% số trẻ nhạy cảm đó bị mệt mỏi, sốt tới 39,5 độ C sau khi tiêm vaccine từ 7-12 ngày và các triệu chứng này kéo dài 1-2 ngày, nhưng không đáng ngại. Đôi khi xuất hiện phát ban, vào khoảng 5% số người được tiêm vaccine phối hợp sởi – quai bị – rubella. Viêm sổ mũi, ho nhẹ có thể gặp.

BS. Đại Nhân

Back To Top