BS Nguyễn Minh Trí Viên, Trưởng khoa Điều trị ngoại – Viện tim TP.HCM, người tham gia mổ tách tim chính cho cặp song sinh dính liền Long – Phụng chia sẻ.
Bối rối khi kết quả chẩn đoán không đồng nhất
Như đã thông tin, ca phẫu thuật tách dính cặp song sinh lần này diễn ra tại Bệnh viện Nhi đồng 2, do bác sĩ Trương Quang Định, Phó Giám đốc bệnh viện làm “đạo diễn”.
Trước tiên, để tiến tới ca phẫu thuật này phải kể đến công tác thăm khám, hội chẩn vô cùng vất vả của cả ê kíp mổ.
“Chúng tôi chẩn đoán rất khó khăn. Lúc các bé vừa sinh ra còn quá nhỏ, yếu nên không thể di chuyển để sử dụng các phương tiện chẩn đoán tốt nhất. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 chỉ có máy CT 8 lát cắt. Với yêu cầu siêu âm, do 2 bé dính nhau mảng lớn nên thao tác vô cùng khó”, bác sĩ Viên kể.
Cặp song sinh Long – Phụng được các chuyên gia hàng đầu về chẩn đoán hình ảnh siêu âm nhiều lần, nhưng không thể đưa ra kết quả chính xác, kết quả siêu âm của các bác sĩ không giống nhau.
Bác sĩ Phúc (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho rằng tim của 2 bé dính hoàn toàn. Bác sĩ Việt (Bệnh viện Nhi đồng 2), Tuyến (Viện tim) lại thiên về khả năng có thông nối ở nhĩ nhưng dính ít.
Ở cặp song sinh này còn có một vấn đề nan giải. Đó là bé Long mạnh khỏe nhưng lại bị chèn ép làm thành tim mỏng.
Bé Phụng bị di chứng về não nhưng thành tim lại tốt hơn, dày hơn.
Chính vì vậy không thể phẫu thuật tách dính ngay cho 2 bé. Rất may các bé đã được khoa Hồi sức – tích cực của Bệnh viện Nhi đồng 2 nuôi dưỡng tốt, vượt qua được giai đoạn khó khăn đầu đời. Thậm chí có thời gian 2 bé tự thở hoàn toàn và nuôi ăn được.
Từ đó, các bác sĩ quyết định hội chẩn và chụp CT, siêu âm lại cho 2 bé.
Lần này Long – Phụng được chuyển sang Trung tâm Medic Hòa Hảo chụp CT nhiều lát cắt hơn. Kết quả CT đã cho hình ảnh tốt hơn về các cấu trúc bên trong của bệnh nhi.
Cách đây 3 tháng, các bác sĩ lại tổ chức hội chẩn lần nữa, hình ảnh siêu âm được thực hiện bởi bác sĩ Tuyến, bác sĩ Việt.
Kết quả chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, thông số mở ra một hy vọng mới. Cặp song sinh càng ngày càng độc lập. Thời điểm mới sinh, nhịp tim của bệnh nhi gần như đồng bộ, nay có sự khác nhau.
Từ đó cấu trúc tách biệt giữa 2 quả tim dần lộ ra. Như vậy nghĩa là thành tâm thất không bị dính, chỉ bị thông nhĩ, có thể mổ tách được.
Thêm 4 – 5 lần hội chẩn nữa, nhiều tình huống được đặt ra để chuẩn bị sẵn phương án giải quyết. Nếu xấu nhất, tim 2 bé chung thành thất thì sẽ dừng phẫu thuật, đóng ngực trở lại.
Có lúc tim gần như ngừng đập
Thế rồi như dự định, ca phẫu thuật tách dính cho cặp song sinh Long – Phụng bắt đầu vào 6 h 55 phút ngày 26/11.
“Tôi là người rạch nhát dao đầu tiên để mở ngực. Chúng tôi đã tính cứ mở ngực trước, xem mức độ dính tim thế nào rồi sẽ quyết định làm nữa không. Khi ngực mở ra, tất cả chúng tôi đều ồ lên sung sướng. May quá, tim chỉ bị thông nhĩ (tình huống đơn giản nhất trong các lần tập dợt). Tôi như trút được gánh nặng, bạo tay mở rộng tiếp đường mổ tách xương ức. Chúng tôi dừng lại ở đó cho nhóm phẫu thuật gan vào làm tiếp”, BS Viên tâm sự.
Công đoạn tách gan được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 xử lý rất tốt, chuyên nghiệp. Khi tách xong mặt gan khô ráo sạch sẽ.
Lúc này nhóm phẫu thuật tim đã có một phẫu trường rộng rãi hơn.
Khi thám sát tim, nhóm bác sĩ phát hiện có 1 thông nối từ tĩnh mạch chủ trên (xoang tĩnh mạch vành) của cháu Phụng đổ vào nhĩ phải của cháu Long.
Theo bác sĩ Viên đây là thời điểm khá quyết định: “Chúng tôi lo không biết có thắt đoạn thông nối được không, chỉ sợ khi thắt lại sẽ làm tăng áp hệ thống tĩnh mạch của các bé.”
Các bác sĩ đã thử kẹp đoạn thông nối lại, không thấy ảnh hưởng gì nhiều mới tiến tới cắt thông nối. Dù vậy, sau đó tim của bé Phụng cũng bị ảnh hưởng một chút.
Trước đây máu chảy qua tim bé Phụng rồi đổ về tim bé Long. Nay tách ra rồi tim của Phụng phải tự làm hết phần việc của mình nên hơi bị dãn ra. Tuy nhiên, tình huống này không nằm ngoài dự kiến, tim của Phụng đã ổn định lại.
Tách xong tim vẫn còn khó khăn kế tiếp. Đó là cắt phần dính ở phía sau của cặp song sinh…
“Phần sau bị tim, gan nội tạng che khuất. Chúng tôi phải vén tim ra rồi mới đưa cưa và dụng cụ vào cắt. Mỗi lần cắt chỉ dám làm trong vài chục giây rồi ngưng. Khi tim bị vén ra gần như ngưng đập, phải chờ tim hồi lại rồi mới dám vén ra tiếp.”, bác sĩ Viên nói.
Ca phẫu thuật phức tạp nhưng theo bác sĩ Viên, làm được như hiện tại là thành công ngoài dự kiến: “Chúng tôi không dám tin có thể đóng da cho bé Long. Vậy mà bé đã chịu đựng được. Bé Phụng đang đặt dụng cụ căng da từ từ để tránh tạo áp lực lên các cơ quan nội tạng. Bác sĩ Định và các bác sĩ bên Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. hy vọng trong vòng 1 tuần – 10 ngày sẽ khép da được cho bé. Phải nói ca phẫu thuật mất rất ít máu (vài trăm ml) và mọi thứ diễn ra vô cùng chính xác nhờ có sự giúp sức của các phương tiện hiện đại.”
Tiên lượng về lâu dài, bác sĩ Viên cho rằng tim bé Long sẽ hồi phục bình thường. Riêng bé Phụng, việc đóng da có làm tăng áp hay ảnh hưởng gì tới tim không và nếu ảnh hưởng thì mức nào vẫn chưa nói được.
Như vậy ca phẫu thuật tách rời cặp song sinh Long – Phụng diễn ra vào ngày 26/11 với sự tham gia của các bác sĩ đến từ Viện tim, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Nhi đồng 2 TP.HCM đã có những thành công bước đầu.
70 y bác sĩ, 70 trái tim, 70 trí óc đã làm việc hết mình trong gần 10 tiếng đồng hồ, hy vọng đem lại cuộc sống mới cho 2 thiên thần bé nhỏ.