Điểm tin Y tế ngày 19/11/2013

- 14 lượt xem - Tin tức

I.THÔNG TIN THÀNH TỰU

1.Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (Đắk Lắk): Cứu sống một bệnh nhân bị vật nhọn đâm thủng tim

Ngày 18/11, Theo BS.Phan Trọng Nhơn – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (Đắk Lắk), Khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện vừa phẫu thuật cứu sống một bệnh nhân bị vật nhọn đâm thủng tim. Bệnh nhân là anh Nguyễn Ngọc Thái, 34 tuổi (trú thôn 4, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk).

Trước đó, khoảng 15 giờ ngày 16/11, bệnh nhân Thái nhập viện trong tình trạng đau ngực, khó thở nhiều, da tím tái, huyết áp thấp…Chẩn đoán ban đầu, các bác sỹ phát hiện vùng trước ngực dưới vú bên trái của bệnh nhân có vết thương khoảng 2cm, tụ nhiều máu trong phổi. Tiến hành hồi sức, các bác sỹ đã cho bệnh nhân thở ôxy, truyền dịch và máu. Kết quả siêu âm cho thấy, tâm thất trái bị thủng 1cm, tràn máu màng tim, có dấu hiệu bị chèn ép cấp. Ngay lập tức, bệnh viện đã tiến hành hội chẩn khẩn cấp, chỉ định mổ cấp cứu với chẩn đoán bệnh nhân bị tràn máu màng tim, gây chèn ép tim do vật nhọn đâm trúng. Ê kíp trực đã tiến hành mở ngực khâu vết thương tim cho bệnh nhân. Sau hơn 2 giờ tiến hành phẫu thuật, các bác sỹ đã phải truyền cho bệnh nhân hơn 6 đơn vị máu (khoảng 1,5 lít) và tiến hành khâu lại vết thương khoảng 1cm ở tâm thất trái máu đang chảy.

Bác sỹ Phạm Phú Cường – Phó Khoa ngoại, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân Thái cho biết khi đưa lên bàn mổ, mạch và huyết áp của nạn nhân đã không còn. Đây là một ca phẫu thuật khó, nếu không cấp cứu và phẫu thuật kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong.

Hiện bệnh nhân đã tỉnh, sức khỏe ổn định, tiếp xúc tốt với mọi người và có thể xuất viện trong vài ngày tới. Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó do có chuyện buồn trong việc làm ăn, Thái đã dùng kéo đâm vào ngực dẫn đến tính mạng bị nguy kịch.

2.Bệnh viện Phổi Trung ương: Khai trươngTrung tâm xạ trị ung thư phổi công nghệ cao

Ngày 18/11, Bệnh viện Phổi Trung ương đã đưa vào hoạt động Trung tâm xạ trị ung thư phổi công nghệ cao theo hình thức xã hội hóa, với các hệ thống máy hiện đại nhất trên thế giới để điều trị ung thư bằng công nghệ xạ trị gia tốc tuyến tính. Trung tâm này được trang bị hệ thống thiết bị hiện đại nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu, bao gồm hệ thống gia tốc tuyến tính xạ trị ung thư đa mức năng lượng primus và hệ thống chụp cắt lớp vi tính và mô phỏng (CT-SIM), đáp ứng toàn bộ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong lĩnh vực điều trị ung thư bằng phóng xạ của thế giới và Việt Nam.

Đây là hệ thống máy xạ trị công nghệ tiên tiến và hoàn toàn số hóa. Với hệ thống quản lý bệnh nhân cao cấp, Trung tâm xạ trị ung thư phổi công nghệ cao có thể sắp xếp lịch xạ trị một cách hợp lý nhất cho bệnh nhân, tránh tình trạng quá tải thời điểm khiến bệnh nhân phải chờ đợi trong sự căng thẳng và mệt mỏi.

PGS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: Hiện nay tình hình bệnh ung thư phổi ở Việt Nam vẫn còn khá nặng nề, số bệnh nhân đang ngày một tăng lên trong khi hệ thống thiết bị chữa bệnh của bệnh viện chưa hoàn thiện. "Chính vì vậy, việc ra đời Trung tâm trên góp phần nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh ung thư phổi, đồng thời giúp bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp hiện đại, an toàn, ít đau đơn nhất" – PGS Nguyễn Viết Nhung nói.

II.TIN Y TẾ KHÁC

1.Bộ Y tế: Lập đường dây nóng về chất lượng khám chữa bệnh

Chiều 18/11, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp trực tuyến giữa hai đầu cầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với các địa phương về việc thiết lập đường dây nóng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh với sự tham gia của các Sở Y tế, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và một số bệnh viện trên cả nước.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định thời gian qua, tại một số cơ sở y tế, tinh thần thái độ phục vụ của một số y, bác sỹ chưa tốt, ứng xử khiếm nhã đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; chưa hướng dẫn tận tình cụ thể về thủ tục đăng ký khám chữa bệnh cho người dân… Chính vì vậy, mục tiêu chính của cuộc họp này là thảo luận, đóng góp ý kiến vào Dự thảo Chỉ thị về việc "Tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh từ người dân về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh thông qua đường dây nóng."

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Lương Ngọc Khuê cho biết Chỉ thị về việc "Tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh từ người dân về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh thông qua đường dây nóng" nhằm chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, đáp ứng nhanh những tình huống khẩn cấp, nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với ngành Y tế. Các bệnh viện có trách nhiệm tái thiết lập "đường dây nóng" của bệnh viện, kèm số điện thoại của giám đốc đơn vị tại nơi người bệnh dễ thấy: Nơi đón tiếp, phòng khám, khoa khám bệnh, buồng bệnh, khoa điều trị…

Nội dung tiếp nhận ý kiến phản ánh qua đường dây nóng bao gồm tinh thần thái độ phục vụ chưa tốt, ứng xử chưa hòa nhã; chậm xử lý tình huống khẩn cấp; không hướng dẫn hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin cho người bệnh; có biểu hiện vòi vĩnh, tiêu cực; có bằng chứng về nhận phong bì, bồi dưỡng trong quá trình người bệnh đang nằm viện… Bệnh viện phải có quy định, phân công người trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý ý kiến phản ánh qua đường dây nóng. Người tiếp nhận có trách nhiệm giải thích rõ, xử lý ngay những vấn đề có thể và chuyển tới các cá nhân, bộ phận liên quan. 

Đối với người chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin và cá nhân bị phản ánh, tùy theo từng trường hợp cụ thể, bệnh viện phải có biện pháp xử lý các trường hợp vi phạm như phê bình, nhắc nhở trước giao ban bệnh viện; trừ thu nhập tăng thêm; thuyên chuyển vị trí công tác khác phù hợp; các hình thức kỷ luật khác theo quy định của pháp luật.

Mọi phản ánh của bệnh nhân và người dân về y tế được tiếp nhận qua số điện thoại 0973 306 306, trực 24/24 giờ.

 Địa chỉ email tiếp nhận các vấn đề của ngành Y tế và của xã hội quan tâm phản ánh:

Duongdaynongyte@gmail.comthoisuchinhtri@gmail.combandocskds@gmail.com,bandientuskds@gmail.com.

2.Trong 10 ngày đầu, đường dây nóng của Bộ Y tế đã tiếp nhận 281 cuộc gọi

Chánh Văn phòng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Trường cho biết, thống kê tổng số cuộc gọi trong 10 ngày đầu đường dây nóng của Bộ Y tế hoạt động (từ ngày 8/11-18/11/2013) đã tiếp nhận 281 cuộc gọi của người dân, trung bình có 28 cuộc/ngày; đây là cuộc gọi được tư vấn viên tiếp nhận và giải đáp. Nội dung phản ánh của các cuộc gọi tập trung vào những vấn đề chính như 11,7% cuộc gọi phản ánh về chuyên môn trách nhiệm y, bác sỹ ; 12,8% về nội quy, quy định của Sở Y tế ; 6,8% phản ánh về gian lận, hối lộ, khiếu nại; 21,3% nội dung câu hỏi không đúng phạm vi trả lời. Trong tổng số cuộc gọi tiếp nhận, chỉ có 31,3% cuộc gọi đúng phạm vi tiếp nhận; còn lại 68,7% cuộc gọi do người dân nhầm máy hoặc ngoài phạm vi tiếp nhận. 

Trong số các cuộc gọi đúng phạm vi tiếp nhận của đường dây nóng, nội dung phản ánh của người dân tập trung vào một số nội dung như: 41% phản ánh về việc làm sai quy định, nội vụ tại các cơ sở y tế (như thu viện phí cao, bảo hiểm y tế không được các bệnh viện áp dụng đúng…); 37% cuộc gọi phản ánh về chuyên môn và trách nhiệm của y, bác sỹ (như bác sỹ không làm đúng chuyên môn, kết quả xét nghiệm không chính xác hoặc có sai sót, thái độ không đúng mực của y, bác sỹ tại bệnh viện như quát tháo người bệnh…). Bên cạnh đó, số lượng cuộc gọi còn lại là nội dung người dân phản ánh tình trạng bác sĩ nhận hối lộ, gian dối về bằng cấp; người dân yêu cầu Bộ Y tế trực tiếp kiểm tra để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh và tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, chấn chỉnh đạo đức, thái độ các cán bộ ngành Y. Đặc biệt có 23% cuộc gọi của người dân phản ánh gay gắt hoặc yêu cầu Bộ Y tế phản hồi thông tin với nội dung chủ yếu liên quan đến viện phí và các khoản thu không đúng quy định tại các cơ sở y tế; thái độ của đội ngũ y, bác sỹ; kết quả khám và siêu âm không chính xác gây tâm lý hoang mang cho người dân…

3. Bệnh viện Đa khoa Hà Đông: Cắt lá lách sản phụ là do bệnh lý, không phải   cắt nhầm

Trước thông tin một sản phụ mổ đẻ bị bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cắt nhầm lá lách, ngày 18/11, đại diện Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã khẳng định việc cắt lá lách cho sản phụ là do bệnh lý và đúng quy trình để cứu tính mạng sản phụ chứ không phải là cắt nhầm.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông Nguyễn Gia Thức cho biết, qua diễn biến ca bệnh và rà soát lại quá trình điều trị cho thấy việc chỉ định mổ đẻ và tiến hành mổ đẻ là đúng quy trình. Khi phát hiện có chảy máu bất thường trong ổ bụng, kíp mổ đã khẩn trương mời hội chẩn trong khoa và liên khoa kịp thời, đúng quy chế hội chẩn của Bộ Y tế. Bệnh viện  cũng đã trực tiếp thông tin, giải thích rõ tình hình bệnh lý cho người nhà bệnh nhân. Kíp phẫu thuật đã phát hiện sớm các bất thường, can thiệp phẫu thuật phù hợp, cứu sống người bệnh. Hiện tại, Bệnh viện đang chỉ đạo các khoa liên quan tiếp tục thực hiện các xét nghiệm chuyên khoa, nhằm tìm thêm các bệnh lý khác liên quan. Đối với trường hợp sản phụ mắc bệnh lý này, nếu bệnh nhân không được mổ mà để đẻ tự nhiên thì những áp lực về cơn rặn, cơn co sẽ gây vỡ lá lách, khiến bệnh nhân có thể tử vong.

Trước đó, hồi 19h ngày 7/11, sản phụ Trương Thị Phương  (20 tuổi, quê ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức) vào điều trị tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông với chẩn đoán là chuyển dạ đẻ con so, vỡ ối sớm, thai 40 tuần, thai to. Bệnh nhân đã được chỉ định mổ cấp cứu lấy thai, tiên lượng bệnh nhân đẻ thường sẽ khó khăn. Quá trình mổ lấy thai là một bé gái nặng 3,9 kg diễn ra bình thường. Sau khi đóng cơ tử cung, phát hiện có hiện tượng có máu đỏ tươi, lẫn máu cục trong ổ bụng, phẫu thuật viên đã mời bác sỹ Trưởng khoa Sản và bác sỹ ngoại khoa của bệnh viện khám xét, hội chẩn ngay bên bàn mổ. 

Sau khi kiểm tra, các bác sỹ thấy lá lách bệnh nhân to hơn 2 lần lách bình thường, có rạn rách vỏ bao lách trên lách to bệnh lý. Kíp hội chẩn thống nhất chẩn đoán chảy máu do rách bao lách trên lách to bệnh lý. Kíp mổ đã giải thích cặn kẽ tình trạng bệnh lý cho gia đình người bệnh và chỉ định cắt lách, dẫn lưu ổ bụng để cứu sống bệnh nhân; đồng thời gửi bệnh phẩm đi xét nghiệm giải phẫu bệnh tại bệnh viện tuyến trên để chẩn đoán vi thể. Quá trình gửi bệnh phẩm đi xét nghiệm và nhận kết quả có sự chứng kiến của gia đình bệnh nhân. Sau mổ, sản phụ được điều trị và chăm sóc tích cực, hậu phẫu diễn biến bình thường, sức khỏe của sản phụ và cháu bé trong tình trạng ổn định.

Toàn bộ dữ liệu hồ sơ bệnh án thể hiện ê kíp mổ đã thực hiện đúng quy trình. Đặc biệt, Khoa Giải phẫu bệnh (Bệnh viện Việt Đức) đã trả kết quả xét nghiệm giải phẫu bệnh phẩm với kết luận: Hình ảnh rách bao lách, tụ máu dưới bao lách trên một lách to, xung huyết mạnh, quá sản và tăng sinh xơ ở tủy đỏ, đề nghị làm thêm huyết đồ để kiểm tra thêm các bệnh về máu để phát hiện các bệnh lý khác liên quan.

Hiện sau 9 ngày được chăm sóc và điều trị, mẹ và con sản phụ Trương Thị Phương đã hoàn toàn khỏe mạnh. Từ kết luận của Bệnh viện Việt Đức, gia đình sản phụ đã yên tâm với việc sản phụ bị cắt lá lách là do bệnh lý.

4.Vi phạm quy định sẽ bị thu hồi giấy phép tiêm chủng

Theo Dự thảo quy định về cấp, đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện sử dụng vắcxin, sinh phẩm y tế đang được Bộ Y tế lấy ý kiến người dân, từ ngày 15/12/2013, cơ sở tiêm chủng có đủ nhân sự đã qua tập huấn về tiêm chủng an toàn, giám sát xử lý tai biến sau tiêm chủng, có đủ phòng khám phân loại, tiêm chủng, theo dõi sau tiêm chủng, có theo dõi hạn dùng vắcxin, sổ theo dõi người tiêm chủng, phản ứng sau tiêm, quản lý chất thải y tế theo đúng quy định… mới được thẩm tra và cấp chứng nhận đủ điều kiện sử dụng vắcxin, sinh phẩm y tế. Bộ Y tế cũng cho biết, trong trường hợp cơ sở không đáp ứng các điều kiện kể trên, vi phạm quy định về tiêm chủng, giấy phép cơ sở tiêm chủng được cấp không đúng thẩm quyền… đều bị thu hồi giấy phép tiêm chủng.

5.Kiểm soát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung- Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (T.Ư) cho biết, phụ nữ cũng mắc bệnh này, tuy nhiên tỷ lệ ít hơn so với nam giới. Các nghiên cứu cho thấy, khói thuốc, ô nhiễm môi trường, khói bếp và… các loại khói nói chung là nguyên nhân chính dẫn đến mắc phổi tắc nghẽn mạn tính.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, để điều trị được bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh nhân phải được chẩn đoán đúng bệnh, điều trị đợt cấp và điều trị khi bệnh ở giai đoạn ổn định. Khi bị phổi tắc nghẽn mạn tính, có 2 phương pháp điều trị là dùng thuốc và không dùng thuốc.

Việc dùng thuốc (tiêm, uống, truyền…) sẽ theo chỉ định của bác sĩ, tùy vào từng bệnh nhân, giai đoạn bệnh. Còn điều trị không dùng thuốc tức là áp dụng các biện pháp tập luyện chăm sóc sức khoẻ gồm: Hít thở không khí trong lành, tập thể dục, ăn uống bồi bổ cơ thể, giữ môi trường sống trong sạch, tránh xa (hoặc hạn chế) khói bụi, kể cả khói thuốc lá lẫn khói bếp. Đặc biệt, bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mạn tính cần bỏ hẳn thuốc lá, thuốc lào (nếu đang hút thuốc).

Khi mắc phổi tắc nghẽn mạn tính, sẽ không thể chữa khỏi hẳn nhưng có thể kiểm soát được. Tức là, sau khi điều trị qua giai đoạn cấp, bệnh nhân cần được chăm sóc lâu dài, tự mình kiểm soát bệnh bằng cách đi khám định kỳ. Nói một cách cụ thể hơn, bệnh nhân chỉ cần chủ động đi khám định kỳ, không phải đến viện kiểu cấp cứu… thì tức là đã kiểm soát bệnh tốt. Bệnh này có thể phòng được bằng cách tránh xa khói thuốc, khói bếp, khói bụi. Nếu phải làm việc trong môi trường ô nhiễm, cần có bảo hộ lao động đạt tiêu chuẩn. Việc phát hiện sớm sẽ giúp người bệnh không ở vào tình thế nguy hiểm (thực tế, có bệnh nhân đột xuất gặp cơn khó thở và tử vong). Nếu một người cảm thấy mệt mỏi, khó thở khi gắng sức thì rất có thể người đó đã mắc phổi tắc nghẽn mạn tính. Lúc này điều cần làm là đi đo chức năng hô hấp để xác định có mắc bệnh không, nếu mắc thì ở mức độ nào để điều trị.

6. Mỗi năm Việt Nam có hơn 20.000 bệnh nhân ung thư mới

Tại Hội thảo về ung thư phổi do Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức chiều 18/11, bác sỹ Tạ Chi Phương- Trưởng Khoa Ung bướu Bệnh viện cho biết, trong số các bệnh ung thư, ung thư phổi là một trong những căn bệnh gây tử vong hàng đầu trên thế giới.

Cũng theo bác sỹ Phương, tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư phổi hiện đang có xu hướng tăng lên. Tại Việt Nam, mỗi năm cả nước có hơn 20.000 bệnh nhân ung thư phổi mới được phát hiện và có tới 17.000 trường hợp tử vong. "Trong các phương pháp điều trị ung thu phổi, xạ trị là phương pháp loại bỏ các triệu chứng đau đớn, chảy máu hay tắc các cơ quan nội tạng quan trọng", bác sỹ Phương cho biết thêm.

Được biết, trước đó Bệnh viện Phổi Trung ương vừa khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm Xạ trị Ung thư Công nghệ cao với các hệ thống máy hiện đại nhất trên thế giới của hãng Siemen để điều trị ung thư phổi bằng công nghệ xạ trị gia tốc tuyến tính.

7.Tỷ lệ bệnh đái tháo đường ở Việt Nam tăng 211% sau 10 năm

Hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) năm 2013, Dự án phòng chống bệnh ĐTĐ quốc gia – BV Nội tiết Trung ương (TW) đã kết hợp cùng với các bộ: Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương tổ chức 5 điểm khám tổng quát, đo đường huyết, tư vấn miễn phí cho người dân trên địa bàn TP. Hà Nội. Khoảng 2.000 lượt người đã tham gia buổi khám bệnh này. Trong dịp này, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp cùng Bệnh viện Nội tiết TW và Tập đoàn Novo Nordisk tổ chức ngày hội về Phòng chống bệnh ĐTĐ tại công viên Thống Nhất (Hà Nội). Ngày hội diễn ra từ ngày 14 – 16/11/2013, dự kiến thu hút khoảng 6.000 lượt người tham gia.

Bệnh ĐTĐ đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. ĐTĐ là một trong những thách thức chủ yếu đối với ngành Y tế và sự phát triển kinh tế trong thế kỷ 21. Nguyên nhân gây ra ĐTĐ rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và ít hoạt động thể lực.

Tại Việt Nam, tỉ lệ người mắc bệnh ĐTĐ đang gia tăng nhanh chóng. Bệnh không chỉ xuất hiện ở thành phố lớn mà ở hầu khắp mọi miền của cả nước, từ miền núi đến trung du, đồng bằng. Rất nhiều người bệnh và gia đình cũng như các cơ sở y tế trong cả nước đang phải chịu những gánh nặng về kinh tế do chi phí rất lớn để điều trị căn bệnh này.Theo  PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, theo kết quả điều tra năm 2012, tỷ lệ ĐTĐ trên toàn quốc là 5,7% dân số.

TS. Nguyễn Vinh Quang – Trưởng ban điều hành Dự án ĐTĐ quốc gia cho biết, so sánh giữa số liệu thống kê của năm 2002 và năm 2012 thì tỉ lệ mắc ĐTĐ ở Việt Nam tăng tới 211%. Mặc dù đã có rất nhiều tiến bộ trong phương pháp điều trị nhưng người bệnh ĐTĐ vẫn có nhiều biến chứng nguy hiểm làm tăng tỉ lệ tử vong và tàn phế. Đáng chú ý là trên 60% số người mắc bệnh ĐTĐ trong cộng đồng không được phát hiện, khi được phát hiện thì đã có nhiều biến chứng nguy hiểm như: biến chứng tim mạch, thần kinh, suy thận, mù lòa, biến chứng bàn chân ĐTĐ…

8.Đình chỉ hai lô thuốc Đông y sản xuất tại TP.HCM

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa đình chỉ lưu hành lô thuốc nước Thuốc ho Quảng An Cao Chỉ khái mát phổi, dạng chai 120ml, số lô: 01-03013, hạn dùng ngày 3/3/2015, số đăng ký: VND-4699-05 vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu tỷ trọng và chỉ tiêu cặn sau khi bay hơi. Lô thuốc này do cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền Phú Đức (Q.11, TP.HCM) sản xuất.

Cục Quản lý dược cũng quyết định đình chỉ lưu hành lô thuốc nước Hồng huyết tố, dạng chai 250ml, lô số: 2/9/2012, hạn sử dụng đến tháng 3/2014, số đăng ký: V1558-H12-10 đã không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu cặn sau khi bay hơi. Lô thuốc này do cơ sở y dược học cổ truyền dân tộc Nguyễn Minh Trí (huyện Hóc Môn, TP.HCM) sản xuất.

9.Sáu giải pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả Mục tiêu thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam

Sau hơn 20 năm triển khai chính sách của Đảng và Nhà nước và các giải pháp thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ, với sự nỗ lực không ngừng, ngành Y tế đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có việc thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ.

Thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs), ngành Y tế đã đạt và vượt một số chỉ tiêu quan trọng như: đã giảm một nửa tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi (thể nhẹ cân) về đích trước thời hạn từ 3 – 4 năm. Từ năm 1998, hàng năm, hệ thống giám sát dinh dưỡng đều thu thập số liệu trẻ thiếu cân, trẻ còi cọc và trẻ em bị suy dinh dưỡng trong độ tuổi từ 0 – 59 tháng tuổi. Tính đến cuối năm 2012, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân đã giảm từ 41% (năm 1990) xuống 16,2% (giảm 24,8 điểm%), tương đương mức giảm hơn 60% và vượt 10% so với mục tiêu đề ra vào năm 2015.

Đáng chú ý, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm từ 44,4%o/1990 xuống còn 15,8%o vào năm 2010, khoảng 15,5%o vào năm 2011 và ước đạt 15,0%o vào cuối năm 2012, tức chỉ còn 0,2 điểm %o để đạt mục tiêu 14,8%o vào năm 2015, như vậy, khả năng sẽ đạt mục tiêu trước thời hạn 1 – 2 năm.

Mục tiêu về giảm tử vong mẹ cũng được triển khai mạnh mẽ, theo ước tính của Liên Hợp quốc, Việt Nam có tốc độ giảm tử vong mẹ nhanh so với các nước trong khu vực (theo ước tính này, năm 2010, tỷ số tử vong mẹ của Việt Nam đứng thứ 4 trong nhóm 10 nước: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Myanmar, Indonesia, Campuchia, Đông Timo, Lào). Tỷ suất chết mẹ ở Việt Nam đã giảm hơn 3 lần từ 233/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 1990 xuống còn 68/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2010. Bên cạnh đó, tỷ lệ phụ nữ có thai được quản lý ngày càng tăng, phản ánh công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước sinh ngày một tốt hơn.

Đối với bệnh dịch HIV/AIDS, ngành y tế Việt Nam cũng đã không ngừng nỗ lực thực hiện hiệu quả mục tiêu chặn đứng và đẩy lùi tình trạng lan rộng của bệnh dịch HIV/AIDS. Có thể nói, đại dịch HIV/AIDS là thách thức to lớn nhất của thời đại, là một trong những nguyên nhân của cuộc khủng khoảng kinh tế xã hội, đe dọa sự ổn định chính trị, xã hội của nhiều quốc gia. Nhận thức được khó khăn này, ngành Y tế đã không ngừng triển khai quyết liệt công tác phòng chống HIV/AIDS, qua hơn 2/3 chặng đường, đến năm 2012, số ca nhiễm HIV đã giảm 31,5% so với năm 2001. Ước tính đến cuối năm 2012, Việt Nam đạt 68,3% người được điều trị ARV so với nhu cầu ước tính người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị thuốc kháng virut HIV, nếu so với những người đến đăng ký điều trị ước tính đạt 100%.

Trong những thập kỷ qua, bằng những nỗ lực của ngành Y tế nói chung và hệ thống phòng chống sốt rét nói riêng, với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển, Chương trình Phòng chống sốt rét đã đạt được những thành công lớn trong việc làm giảm mắc và giảm tử vong do sốt rét. Đến năm 2011, tỷ lệ bệnh nhân sốt rét đã giảm xuống còn 0,52/1.000 dân và tỷ lệ tử vong do sốt rét còn 0,016/100.000 dân. Theo các số liệu ước tính, Việt Nam đã vượt chỉ tiêu MDG của toàn cầu (giảm tới 62% cả hiện mắc và tử vong so với năm 1990).

Về công tác khống chế bệnh lao, hiện nay, Việt Nam được xếp thứ 12 trong 22 nước có số bệnh nhân lao cao nhất và xếp thứ 14 trong 27 nước có lao đa kháng cao nhất thế giới. Theo tốc độ giảm hiện nay, chúng ta có thể đạt được chỉ tiêu này của khu vực vào năm 2015 nếu có tăng đầu tư và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.

Việt Nam cũng đã đạt được Mục tiêu thiên niên kỷ về vệ sinh môi trường. Với sự nỗ lực của Việt Nam, tính đến năm 2015, mục tiêu về vệ sinh môi trường sẽ vượt 16%, đạt 85% và ước tính có thêm khoảng 12,4 triệu người được tiếp cận với các công trình vệ sinh được cải tiến. Riêng lĩnh vực vệ sinh cơ bản được hiểu là đến năm 2015 có 68% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh.

III.TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1.Trung Quốc: Một người đàn ông bình tĩnh đi bệnh viện với con dao cắm trên đầu

Hình ảnh một người đàn ông bình tĩnh một mình đi bệnh viện trong khi một con dao lớn cắm trên đầu đã lan khắp mạng internet Trung Quốc. Theo hugchina.com, con dao cắm vào đầu người đàn ông trên là dao gọt hoa quả và người đàn ông này được phát hiện khi đang tới bệnh viện địa phương ở thành phố Yanji ( tỉnh Cát Lâm, thuộc đông bắc Trung Quốc).

Các nhân chứng cho hay, người đàn ông trên đi một mình, thậm chí còn leo 5 tầng gác để tới chỗ khám do thang máy đã chật chỗ. Theo một số nguồn tin, người đàn ông can đảm trên tên là Ho Lung. Khi vào viện, Ho Lung nói với nhân viên lễ tân: "Tôi muốn gặp bác sĩ". Chụp X-quang khẩn cấp cho thấy, lưỡi dao đâm xuyên qua sọ và vào não Ho Lung nhưng may mắn là nó chưa chạm động mạch chính. Trong thời gian phẫu thuật kéo dài 3h, các bác sĩ cẩn thận lấy lưỡi dao ra mà không gây thương tổn cho bệnh nhân. Khi được hỏi tại sao dao lại cắm vào đầu, Ho Lung từ chối nêu chi tiết mà chỉ kể: "Nó như thế này, tôi đang chơi một trò ngu xuẩn với bạn và có điều không ổn xảy ra, tôi bị dao cắm vào đầu. Đó là một sơ suất ngớ ngẩn và có thể xảy ra với bất cứ ai". Sau khi được băng bó, Ho Long xin về nhà. Người đàn ông này cam kết sẽ quay lại để được kiểm tra.

2. Mỹ:  Loạn thuốc độc cho án tử hình?

Nhiều tiểu bang Mỹ vẫn thực hiện án này bằng thuốc độc nhưng việc chọn thuốc đang là một vấn đề. Theo bài báo của phóng viên Aidan Lewis trên BBC Magazine (ngày 15/11/2013), các tiểu bang của Mỹ đang lựa chọn nhiều loại thuốc khác nhau, kể cả thuốc chưa được thử, gây ra lo ngại trong dư luận.

Tháng trước, Thống đốc bang Missouri Jay Nixon  – nơi  mà ngày 20/11 này dự kiến tử hình phạm nhân Joseph Franklin bằng thuốc độc đã phải hoãn lại vì bang Missouri muốn dùng độc dược propofol có thành phần do một công ty dược của Đức sản xuất. Vì lo sợ bị Liên minh châu Âu trừng phạt, công ty này đã đòi lại thuốc propofol, và nhà cung cấp thuốc bên Mỹ cũng làm như vậy. Sau đó, bang Missouri tuyên bố rằng họ sẽ dùng thuốc pentobarbital mua từ một tiệm pha chế dược phẩm chứ không phải từ một công ty bào chế.

Theo nhà báo Aidan Lewis, giới vận động đòi bỏ án tử hình phản đối dùng thuốc độc của các tiệm dược phẩm vì năm ngoái, một vụ thuốc mua từ tiệm pha chế dược phẩm ở Massachusetts bị cho là đã gây ra dịch viêm màng não khiến trên 60 người bị chết. Ngoài ra, người ta cũng nêu rằng các tiệm này không được Cơ quan Thực phẩm và Thuốc cấp liên bang ở Mỹ quản lý và rằng các tiệm bào chế “hoạt động ngoài luồng”- bài báo cho biết.

Hiện có 32 tiểu bang của Mỹ tiêm thuốc độc cho tử tù và từ nhiều năm qua, các bang này gặp vấn đề  phải tìm đúng loại thuốc họ cần. Đa số dùng liều độc dược pha trộn từ ba phần trong đó chất chính là sodium thiopental. Nhưng các công ty làm chất ngày đã ngưng sản xuất vì tại châu Âu không còn án tử hình và châu Âu ngăn cấm việc sản xuất độc dược để thi hành án tử hình. Các bang của Mỹ vì thế đã dùng các loại thuốc khác nhau. Trong tuần giữa tháng 11 này, ba vụ hành hình được thực hiện ở ba bang của Mỹ, mỗi nơi tiêm cho tử tù một loại thuốc khác nhau: Texas dùng pentobarbital, Florida dùng thuốc pha trộn có chứa midazolam còn Ohio dùng loại gồm midazolam và hydromorphone.

Hiện ở Mỹ, các ý kiến khác nhau vẫn tiếp tục được nêu ra về án tử hình hoặc phương cách thi hành án. Bài đăng trên BBC Magazine cũng trích lời Trưởng công tố bang Arkansas (nơi bỏ án tử hình), ông Dustin McDaniel phê phán hệ thống thi hành án bằng tiêm thuốc độc ở Mỹ là “hoàn toàn rối loạn”.

Back To Top