Dịch tễ học sức khỏe trẻ em (Phần 3)

- 8 lượt xem - Tin tức

Trẻ sinh non 

       Việc xác định tỷ lệ trẻ sinh non rất khó vì có nhiều phương pháp xác định tuổi thai khác nhau. Vì vậy cho đến nay vẫn chưa có số liệu toàn cầu về tỷ lệ trẻ sinh non. Ở các nước phát triển tỷ lệ trẻ sinh non là 1 chỉ báo được ghi trong niên giám thống kê y tế. Cho đến đầu thập kỷ này, WHO mới có hướng dẫn thống kê chỉ báo này.

       Trẻ sinh non là những trẻ sinh ra có tuổi thai <37 tuần. Trẻ sinh non tuy không phải là bệnh, nhưng là nguyên nhân chính gây tử vong cho trẻ sơ sinh. Trẻ sinh non không những có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển và bệnh tật sau này.  

       Theo các số liệu của 92/179 nước từ năm 1997 – 2002, và được bổ sung thêm số liệu từ 2003 – 2007, đã ước tính rằng tỷ lệ trẻ sinh non chung của thế giới là 9,6%, tức là khoảng 12,9 triệu trẻ/ năm, trong đó chủ yếu ở châu Á và châu Phi (S.Beck và cộng sự, 2010). Tỷ lệ sinh non châu Phi là 11,9% (11,1 – 12,6%), châu Á là 9,1% (8,3 – 9,8%), châu Âu là 6,2% (5,8 – 6,7%), Bắc Mỹ là 10,6% (10,5 – 10,6%).

       Điều đáng ngạc nhiên là ở một số nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ … , tỷ lệ trẻ sinh non trong 2 thập kỷ gần đây có su hướng tăng. Tuy chưa lý giải được hoàn toàn xu thế này, nhưng có lẽ do tăng đa thai, do sử dụng các kỹ thuật hộ sinh (mổ lấy thai) sử dụng các kỹ thuật sinh sản hỗ trợ (thụ tinh trong ống nghiệm), tăng số sản phụ >34 tuổi. Gần 1/2 trẻ sinh non không rõ nguyên nhân, khoảng 30% do vỡ màng ối sớm và 15 – 20% do chỉ đinh y học hoặc do lựa chọn.

       Sinh non là 1 vấn đề sức khỏe cộng đồng có tính toàn cầu với những hậu quả muộn trong cuộc đời (P. Vanden Hazel et al, 2006 ).

Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em

       Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em. Các yếu tố này có thể tác động trên bình diện cá thể hoặc cộng đồng.

      Tình trạng kinh tế, xã  hội: là yếu tố quyết định đến kết cục sức khỏe trẻ em ở mọi xã hội. Tình trạng kinh tế và xã hội tác động ngay từ lúc trẻ còn là bào thai cho đến khi trưởng thành. Tỷ lệ sinh thiếu cân (< 2500g) ở các nước đang phát triển cao hơn nhiều so với các nước đã phát triển. Tình trạng trẻ nhẹ cân rõ ràng ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của trẻ, cũng như đối với một số bệnh mạm tính sau này.

      Tình trạng kinh tế xã hội nghèo nàn sẽ dẫn đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bị hạn chế, tình trạng suy dinh dưỡng tăng, khả năng học tập giảm sút … tạo nên 1 vòng xoắn bệnh lý.

     Yếu tố môi trường:

* Biến đổi khí hậu:  là một trong những thách thức lớn nhất trong thời đại chúng ta, tác động rất lớn đến sức khỏe con người trên phạm vi toàn cầu. Sự nòng lên toàn cầu đã dẫn đến những thiên tai (bão lụt, lốc nhiệt đới, mực nước bển dâng cao…) đe dọa đến đời sống kinh tế xã hội làm đảo ngược những tiến bộ đã đạt được. Chính vì vậy mà LHQ đã kêu gọi mọi quốc gia phải hành động kịp thời để ngăn chặn hiệu ứng nhà kính. WHO đã có nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu đối với sứ khỏe con người và kêu gọi chính phủ các nước thành viên sẽ hành động để bảo vệ sức khỏe người dân. TE là đối tượng dễ bị tổn thương nhất đối với sự biến đổi khí hậu. Các thầy thuốc Nhi khoa đều biết rõ tình hình bệnh tật của TE thay đổi theo mùa.

* Ô nhiễm môi trường: ảnh hưởng đến nguồn nước sạch và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt ở trẻ em. Ngoài ra cần nhấn mạnh thêm tác hại của phơi nhiễm khói thuốc lá đối với thai nhi và trẻ em trong những năm đầu đời.

* Môi trường sống: tình trạng đô thị hóa, chuyển dịch dân số từ nông thôn đến thành phố cũng kéo theo những hệ quả ảnh hưởng đến sức khỏe TE.

* Yếu tố di truyền: (gia đình, chủng tộc) cũng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển và bệnh tật của TE. Ở bình diện từng cá thể, các yếu tố di truyền đóng 1 vai trò quan trọng đến tình trạng sức khỏe, tuy nhiên ở bình diện dân số thì có ít bằng chứng về ảnh hưởng của các yếu tố di truyền đến sức khỏe nói chung. Rõ ràng có 1 sự khác biệt về tần suất 1 số bệnh di truyền đơn gien ở các quần thể dân tộc khác nhau, như các bệnh huyết sắc tố thường gặp nhiều hơn ở các dân tộc ít người ở nước ta.

* Dinh dưỡng: đóng 1 vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng, phát triển và bệnh tật TE. Nhiều bằng chứng cho thấy trẻ được bú mẹ hoàn toàn, đầy đủ trong 6 tháng đầu sẽ phát triển tốt hơn và ít mắc các bệnh nhiễm khuẩn hơn so với trẻ không được bú mẹ. Trẻ suy dinh dưỡng có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao hơn, cũng như ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển.

* Các yếu tố sinh học khác: tuổi, giới. Tỷ lệ mắc bệnh, mô hình bệnh tật và tử vong cũng có sự khác biệt theo tuổi và giới, như đã trình bày ở trên và trong các chương sau.

 

Back To Top