Việc xác định mô hình bệnh tật trẻ em (TE) rất khó khăn, nhất là ở các nước đang phát triển, nơi mà hệ thồng ghi chép chưa được thực hiện một cách đầy đủ và chính xác. Hơn nữa phần lớn bệnh lý ở TE có tính chất cấp tính, nên việc điều tra cắt ngang ở một thời điểm nào đó không thể phản ánh đầy đủ tình trạng bệnh tật TE.
Các số liệu trong các niên giám thống kê y tế chỉ cho biết được các bệnh thường gặp và gây tử vong nhiều nhất tại các bệnh viện công lập, mà thiếu số liệu của những người không đi khám hoặc khám ở các cơ sở ngoài công lập. Vì vậy cũng không phản ảnh đầy đủ thực trạng mô hình bệnh tật nói chung và của TE nói riêng.
Một số viện quốc gia cũng tiến hành điều tra tình hình bệnh tật đặc trưng thuộc chuyên ngành như Viện Dinh dưỡng quốc gia điều tra về tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, tình trạng thừa cân béo phì, Viện Lao và bệnh phổi điều tra về tỷ lệ mắc bệnh lao và bệnh phổi ….
Một số Trường Đại học Y cũng đã tiến hành điều tra mô hình bệnh tật của các cư dân ở các địa phương khác nhau nhưng với quy mô nhỏ, nên không thể đánh giá chung cho cả nước.
Các báo cáo về bệnh tật TE của Tổ chức Y tế thế giới thường đề cập đến các bệnh mạn tính (tiểu đường, rối loạn tâm thần, giảm khả năng (disability)), tai nạn thương tích.
Mô hình bệnh tật của trẻ em nước ta
Dựa trên kết quả nghiên cứu của các đề khoa học công nghệ cấp nhà nước và cấp bộ [1; 2] và điều tra y tế quốc gia (2001 – 2002) cho thấy mô hình bệnh tật của nhân dân nói chung và TE nước ta nói riêng trong 2 thập kỷ gần đây đã có sự thay đổi đáng kể, mặc dù về cơ bản vẫn là mô hình bệnh tật của các nước đang phát triển, nhưng đã bắt đầu có xu hướng mô hình bệnh tật của các nước phát triển. Tỷ trọng các bệnh lây truyền giảm, còn các bệnh không lây truyền (tim mạch, ung thư, chuyển hóa) tăng. Điều tra 42.343 trẻ <15 tuổi tại 20 xã, phường của 10 tỉnh và Thành phố năm 1998 – 1999 cho thấy nhóm bệnh tiêu hóa (nhóm XI) và hô hấp (nhóm X) là 2 nhóm bệnh thường gặp nhất, chiếm 2/3 số trẻ bị bệnh tại cộng đồng. Tiếp theo là các bệnh nội tiết, chuyển hóa và dinh dưỡng (nhóm IV), các bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh trùng (nhóm I), bệnh da và mô dưới da (nhóm XII), nhóm nguyên nhân bên ngoài của bệnh tật và tử vong.
Ngược lại mô hình bệnh tật TE tại các bệnh viện tỉnh và trung ương có sự thay đổi về trình tự các nhóm bệnh: bệnh gặp nhiều nhất là nhóm bệnh hô hấp (29%), nhóm bệnh nhiễm trùng (27%) và bệnh tiêu hóa (8,5%), nhóm chấn thương ngộ độc (nhóm XIX) và nhóm bệnh dị tật bẩm sinh. Các bệnh thuộc chương trình tiêm chủng quốc gia đã giảm rõ rệt về số mắc và chết. (Niên giám thống kê y tế năm 2007)
Tai nạn và thương tích
Tai nạn (accident) là 1 sự kiện không chủ tâm, dẫn đến 1 thương tích rõ ràng. Thương tích là thương tổn thực thể do sự phơi nhiễm cấp tính với 1 năng lượng (cơ học, nhiêt, điện, hóa hay từ) vượt quá ngưỡng sinh lý (WHO, 1999). Ngoài ra thương tích có thể là hậu quả của sự thiếu hụt các nhân tố duy trì sự sống, như thiếu oxy (ví dụ: đuối nước, bị thắt cổ, chết cóng).
Thương tích là 1 vấn đề sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi sự quan tâm cấp thiết. Thương tích và bạo lực gây ra tử vong cho 950.000 TE và vị thành niên < 18 tuổi (WHO – Global of disease 2004, update). Ngoài số tử vong, còn khoảng 10 triệu TE phải nằm viện vì thương tích và để lại các di chứng. Người ta ước tính cứ 1 TE chết do tai nạn, thương tích thì có 45 trẻ phải vào viện điều trị và khoảng 1300 trẻ phải đến khám cấp cứu.
(Nguồn: WHO, UNICEF, 2008. World report on child injury prevention)
Nguyên nhân chết do tai nạn thương tích ở TE < 18 tuổi là do:
(Phân bố tử vong do thương tích ở TE ở TE từ 0 – 17 tuổi trên thế giới năm 2004)
- Do tai nạn giao thông: 22%.
- Đuối nước: 17%
- Bỏng 9%
- Ngã: 4%
- Ngộ độc: 4%
- Bị giết: 6%
- Thương tích do cố ý: 4%
- Chiến tranh: 2%
- Các thương tích không chủ ý khác: 32%
(Nguồn: WHO, 2008. Global burden of disease. 2004 update)
Trẻ nhẹ cân và đẻ non.
Trẻ nhẹ cân là trẻ khi sinh ra có trọng lượng <2500g không kể tuổi thai. Nguyên nhân trẻ nhẹ cân chủ yếu là trẻ sinh non và suy dinh dưỡng bào thai. Trẻ sinh non là trẻ có tuổi thai < 37 tuần.
Tình trạng trẻ nhẹ cân và sinh non phản ảnh tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của bà mẹ trước và trong thời kỳ mang thai. Những trẻ sinh non hoặc nhẹ cân thường có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao hơn trẻ sơ sinh bình thường. Ngoài ra còn ảnh hưởng tới sự phát triển và bệnh tật của trẻ về sau này.
Tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân ở các nước đang phát triển khoảng 16%, nghĩa là có khoảng 19 triệu trẻ sơ sinh nhẹ cân / năm, chủ yếu ở Nam Á, riêng Ấn Độ là 7 triệu trẻ sơ sinh nhẹ cân/năm. Tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân trong thời gian từ 1990 – 2008 ở các nước đang phát triển tương đối hằng định. Tuy nhiên cùng chú ý rằng chỉ có 60% trẻ sơ sinh ở các nước đang phát triển được cân khi sinh, cho nên việc đánh giá cũng rất khó khăn.
Ở nước ta theo niên giám thống kê y tế, tỷ lệ sơ sinh nhẹ cân từ năm 1990 – 1992 là 14 – 12 %, năm 1995 là 10,1%, 1997 là 9,3%, 1999 là 7,97%, năm 2001 là 7,1%, 2005 – 2007 là 5,1%. Theo ước tính của WHO và UNICEF, tỷ lệ sơ sinh nhẹ cân năm 2006 của nước ta là 7% (Child info Org.2009).
Còn tiếp…..
Benhvienhungvuong.vn sẽ tiếp tục cập nhật nội dung ở những bài viết tiếp theo.