Sức khỏe trẻ em còn là một trong các yếu tố quyết định của sức khỏe người trưởng thành trong tương lai. Trẻ em và vị thành niên chiếm hơn 1/3 dân số thế giới. Trẻ em cũng là một công dân nhưng chưa đủ khả năng để tự bảo vệ mình. Vì vậy, Liên hiệp Quốc (LHQ) đã soạn thảo công ước về quyền trẻ em nhân năm Quốc tế thiếu nhi (1979) và đã được Đại hội đồng LHQ chính thức thông qua ngày 20/11/1989 và mở cho các nước ký từ ngày 26/01/1990. Nhân kỷ niệm 30 năm Tuyên ngôn trẻ em (1959 – 1989) và 10 năm Quốc tế thiếu nhi( 1979 – 1989). Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới đã phê chuẩn bản Công ước về quyền trẻ em ngày 20/03/1990 [24].
Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em không chỉ là đạo lý mà còn là vấn đề pháp lý đã được thể chế hóa trong pháp lệnh về chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em của Chính phủ từ năm 1979, sau đó tháng 8 năm 1991 Quốc hội đã thông qua luật chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Sau 15 năm thực hiện luật này, ngày 15/06/2014 Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em số 25/2004/QH-11.
Tình trạng sức khỏe trẻ em thay đổi rất lớn giữa các nước phát triển và đang phát triển, giữa nước giầu và nước nghèo. Vì vậy để có thể so sánh được tình trạng sức khỏe trẻ em giữa các nước với nhau, cần có sự thống nhất về các chỉ báo sức khỏe trẻ em.
Các chỉ báo sức khỏe trẻ em (Child health indicators)
Đánh giá sức khỏe của một cá nhân hay của một cộng đồng là một thách thức, là một việc rất khó khăn, vì sức khỏe là một khái niệm trừu tượng, không thể đo lường được.
Trong lời mở đầu của Hiến chương Tổ chức y tế thế giới (WHO) năm 1946 đã định nghĩa: "Sức khỏe là một trạng thái thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không chỉ là không có bệnh và tật" (Constitution of word health organization. 1946). Ưu điểm của định nghĩa này là đã nêu lên tính nhiều chiều (multidimensionality) của sức khỏe, nhưng vẫn là tương đối trừu tượng. Để đánh giá sức khỏe của một cá nhân có thể dựa vào sự khám xét toàn diện về thực thể và quan sát trực tiếp. Nhưng để đánh giá sức khỏe của một cộng đồng, một quốc gia hay khu vực thì phải dựa vào các chỉ báo sức khỏe, được xem là các công cụ để đo lường sức khỏe. Trong thực tế, các chỉ báo sức khỏe này cũng bao gồm cả trẻ em, nhưng đánh giá sức khỏe trẻ em còn khó khăn hơn rất nhiều vì trẻ em là các cá thể đang lớn và phát triển. Vì vậy trong Hiến chương của WHO ở Ottawar năm 1986 về tăng cường sức khỏe (Ottawar Charter for health promotion – 21/11/1986- WHO – HPR -HEP/95.1) cho rằng cần có sự thay đổi trong định nghĩa sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, trong đó cần chú ý đến sự phát triển và thay đổi theo thời gian (Stein, 2005). Các chỉ báo sức khỏe kinh điển như tỷ suất chết, tỷ suất mắc bệnh chưa thể phản ảnh đầy đủ tính sức khỏe trẻ em. Vì vậy gần đây WHO đã thành lập nhóm tham chiếu dịch tễ học sức khỏe trẻ em (WHO – Child health epidemi logy refence group – CHERG, 2001), các nước châu Âu có dự án nghiên cứu các chỉ báo sức khỏe trẻ em về đời sống và phát triển (Child health indicators for life and illness profile, 1993) và gần đây là FSS (functional status scale, 2009).
Tùy theo điều kiện kinh tế xã hội và sự phát triển khoa học kỹ thuật mà mỗi nước đưa ra các chỉ báo sức khỏe trẻ em phù hợp với nước mình. Nói chung việc lựa chọn các chỉ báo sức khỏe phải bao gồm được các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe, phải đo lường được một cách chính xác và có thể so sánh được với các số liệu của các nước khác.
Các chỉ báo sức khỏe trẻ em được Tổ chức y tế thế giới lựa chọn gồm:
- Các chỉ báo về nhân khẩu học
- Tỷ lệ và nguyên nhân tử vong
- Tỷ lệ mắc bệnh và thương tích
- Các yếu tố nguy cơ và dịch vụ sức khỏe.
Các chỉ báo nhân khẩu học (Demographic indicators) của trẻ em Việt Nam
Diễn biến nhân khẩu học của trẻ em Việt Nam từ 1979 -2009.
Từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay chính phủ đã tiến hành 4 cuộc tổng điều tra dân số vào ngày 1 tháng 4 của các năm 1979,1989,1999 và 2009. Ngoài ra còn các cuộc điều tra về biến động dân số và sức khỏe (demographic and health survey – DHS) giữa kỳ. Kết quả các cuộc điều tra về nhân khẩu học trẻ em được trình bày tóm tắt trong bảng sau:
Bảng 1: Bảng số liệu diễn biến nhân khẩu học trẻ em từ 1979 – 2009.