“Đệ tử lưu linh” mất mạng như chơi vì chén rượu

- 47 lượt xem - Tin tức

PV báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với ThS.BS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai (admin diễn đàn bacsinoitru.vn) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

ThS.BS Lương Quốc Chính nói:

Loại rượu duy nhất để uống có tên là rượu ethylic hoặc ethanol được sản xuất theo quy trình riêng và sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm. Cũng có nhiều loại rượu khác nhưng có độc tính rất cao như rượu methanol. Methanol được sản xuất trong công nghiệp, là sản phẩm cuối của nhiều quy trình sản xuất, từ sự chuyển hóa của nhiều loại quả, từ sự phân hủy rác… Methanol có nhiều ứng dụng khác nhau trong công nghiệp như dùng làm sơn, để lau chùi véc ni, dùng làm dung môi… Tuy nhiên, tuyệt đối không được sử dụng methanol làm rượu thực phẩm như ethanol.

Phần lớn các trường hợp tử vong do ngộ độc methanol là do tự tử hoặc sử dụng methanol làm đồ uống thay thế cho ethanol… Ở người lớn, ngộ độc methanol với liều 8g (1ml dung dịch 100%) đã có thể gây mù, ngộ độc với liều 10g (30 ml dung dịch 40%) có thể gây tử vong. Ở trẻ em, ngộ độc methanol với liều 0,25 ml/kg đã gây mù mắt và 0,5 ml/kg đã gây tử vong (dung dịch 100%). Trước khi gây độc, methanol được chuyển hóa thành formaldehyde và sau đó được oxy hóa thành axit formic (formate). Nồng độ axit formic trong máu cao ức chế cytochrome oxidase của ty lạp thể trong tế bào gây thiếu oxy tế bào, toan chuyển hóa nặng, tổn thương thần kinh thị giác và tổn thương võng mạc mắt. Ngoài ra, methanol gây ức chế thần kinh trung ương, giãn mạch, tụt huyết áp và giảm cung lượng tim.

Có thể nhận biết người ngộ độc Methanol qua những triệu chứng nào? Cách xử trí ngộ độc rượu ra sao để tránh rơi vào tình trạng nguy hiểm, thưa bác sĩ?

ThS.BS Lương Quốc Chính: Các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn, tuỳ thuộc vào số lượng mà bệnh nhân uống, bệnh nhân có uống cùng ethanol hay không (xuất hiện triệu chứng chậm hơn) và tình trạng folate của bệnh nhân. Thường có hai giai đoạn, giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn biểu hiện ngộ độc rõ tiếp theo sau. Vì triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ (ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm) nên thường bị bệnh nhân chủ quan và bỏ qua hoặc trẻ nhỏ không được phát hiện.

– Thần kinh: lúc đến viện thường tỉnh táo và kêu đau đầu, chóng mặt, sau đó quên, bồn chồn, hưng cảm, ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật.

– Mắt: lúc đầu chưa biểu hiện, sau đó nhìn mờ, sợ ánh sáng, ám điểm, đau mắt, song thị, ám điểm trung tâm, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị (ánh sáng chói, các chấm nhảy múa, nhìn thấy đường hầm,…). Đồng tử phản ứng kém với ánh sáng, soi đáy mắt thấy gai thị xung huyết, sau đó phù võng mạc lan rộng dọc theo các mạch máu đến trung tâm đáy mắt, các mạch máu cương tụ, phù gai thị, xuất huyết võng mạc. Đồng tử giãn cố định kà dấu hiệu của ngộ độc nặng và tiên lượng xấu. Các dấu hiệu thấy khi soi đáy mắt không tương quan với dấu hiệu nhìn của bệnh nhân nhưng thực sự tương quan với mức độ nặng của ngộ độc. Khi ngộ độc nặng có thể có xuất huyết hoặc nhồi máu nhân bèo, tụt não.

 Khám cấp cứu bệnh nhân hôn mê tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai.

Khám cấp cứu bệnh nhân hôn mê tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai.

– Dấu hiệu sinh tồn: nhịp tim nhanh, thở nhanh và sâu (kiểu thở kussmaul), huyết áp thường bình thường cho đến khi tử vong. Trước khi có các biện pháp điều trị đặc hiệu như hiện nay, bệnh nhân thường tử vong do ngừng thở.

Khi bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nhất là có rối loạn ý thức, nguyên tắc cấp cứu cơ bản ban đầu là phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho bệnh nhân nằm đầu cao và tư thế nghiêng an toàn. Cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng… nhằm tránh hạ đường huyết. Nếu bệnh nhân không tỉnh, ứ đọng hầu họng nhiều, thở nhanh và thở sâu, thậm chí có co giật… thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiên an toàn sau đó nhanh chóng gọi người đến hỗ trợ, gọi xe cấp cứu tới xử lý và đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Nếu bệnh nhân tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, ám điểm, đau mắt, song thị, ám điểm trung tâm, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị… thì cần phải đưa tới bệnh viện khám

Bác sĩ có thể chia sẻ một số trường hợp ngộ độc rượu nguy kịch trong quá trình cấp cứu? Khó khăn khi điều trị những ca bệnh này? Sau ngộ độc methanol, bệnh nhân ngộ độc rượu có để lại những di chứng gì không?

ThS.BS Lương Quốc Chính: Công việc hàng ngày tại khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bạch Mai của chúng tôi chính là khám và xử trí các tình trạng cấp cứu, trong đó không ít các trường hợp ngộ độc rượu nặng. Từ nhiều năm nay, trong khuôn khổ hợp tác với Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi đã khám, chẩn đoán và xử trí khá nhiều trường hợp ngộ độc methanol do uống rượu. Một điểm đáng lưu ý là rất nhiều trường hợp ngộ độc methanol vào bệnh viện tuyến dưới vì lý do hôn mê sâu đều được chẩn đoán nhầm sang bệnh khác. Gần nhất là bệnh nhân N.V.T (54 tuổi) ở Nam Định, sau uống rượu 1 ngày thì được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, chuyển lên khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán tai biến mạch máu não. Qua hỏi bệnh và khám cấp cứu chúng tôi phát hiện ra bệnh nhân có rối loạn thị lực và rối loạn ý thức sau uống rượu, tình trạng toan chuyển hóa nặng, quyết định xét nghệm áp lực thẩm thấu máu và độc chất tìm methanol trong máu cho kết quả chẩn đoán xác định ngộ độc methanol. Bệnh nhân được hồi sức, lọc máu tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai khoảng 2 tuần thì khỏi bệnh và ra viện.

Từ rất nhiều trường hợp có chẩn đoán lạc hướng như trên chúng tôi có khuyến cáo nghĩ tới ngộ độc methanol nếu có một trong các tình huống sau:

– Bệnh nhân sau uống rượu có tình trạng nhiễm toan nặng dần hoặc có rối loạn về nhìn và không giải thích được bằng lý do khác.

– Nhiễm toan chuyển hóa và có rối loạn về nhìn.

– Có người khác cùng uống rượu với bệnh nhân và được chẩn đoán là ngộ độc methanol.

– Bệnh nhân có khoảng trống thẩm thấu tăng và có toan chuyển hóa không giải thích được bằng lý do khác.

– Nồng độ methanol máu >20mg/dL.

Sau ngộ độc methanol, bệnh nhân có thể có một số biểu hiện khác và di chứng như:

– Có thể đau lưng, thân mình, cứng gáy (giống xuất huyết màng não), cứng cơ, da có thể lạnh, vã mồ hôi.

– Tiêu hoá: biểu hiện sớm, viêm dạ dày xuất huyết, viêm tuỵ cấp biểu hiện đau thượng vị, nôn, ỉa chảy. Ngộ độc trung bình hoặc nặng có thể thay đổi chức năng gan.

– Các di chứng thần kinh: H/C parkinson, thiết hụt nhận thức, viêm tuỷ cắt ngang và giả liệt vận nhãn.

Vậy bác sĩ đưa ra khuyến cáo gì giúp người dân đề phòng ngộ độc rượu?

ThS.BS Lương Quốc Chính: Uống rượu “quá chén” gây rất nhiều tác hại đối với sức khỏe con người. Vì vậy, người dân nên tiết chế, điều độ. Khi thấy có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, nhìn mờ bóng mây… sau vài tiếng uống rượu, người dân cần tới bệnh viện khám ngay.

Khi tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ ngộ độc methanol, nhân viên y tế phải chuyển bệnh nhân tới trung tâm y tế có khả năng hồi sức và lọc máu sớm nhất khi có thể.

Dương Hải (thực hiện)

Back To Top