Đặt nội khí quản được chỉ định trong trường hợp nào?

- 6393 lượt xem - Sức khỏe tổng quát, Y học thường thức

Đặt ống nội khí quản là phương pháp kiểm soát đường thở tốt và hiệu quả. Tuy nhiên, khi đặt ống nội khí quản có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng, vì vậy cần có quy trình kỹ thuật chuẩn và phải theo dõi chặt chẽ.

Đặt nội khí quản là gì?

Đặt nội khí quản là thủ thuật đưa một ống thông qua mũi hay qua miệng, qua thanh quản để một đầu của ống thông nằm trong khí quản của người bệnh. Mục đích của đặt nội khí quản là đảm bảo việc thông khí và kiểm soát đường thở. Đặt nội khí quản thường được chỉ định khi người bệnh tự thở không hiệu quả, cần được giúp thở hoặc trong gây mê nội khí quản. Đây là một thủ thuật đòi hỏi phải thực hiện nhanh, chính xác để đảm bảo an toàn cho người bệnh. Vì vậy người thực hiện thủ thuật phải được đào tạo và có kinh nghiệm, đặc biệt trong trường hợp cấp cứu hoặc đường thở khó, vì có thể gây nhiều tai biến nghiêm trọng.

Hiện nay, kỹ thuật đặt nội khí quản là phương pháp kiểm soát đường thở tốt và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, việc đặt và rút ống nội khí quản có thể gây ra những tai biến nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Vì vậy, cần có quy trình kỹ thuật chuẩn và phải theo dõi chặt chẽ khi thực hiện thủ thuật. Ngoài ra, đây cũng là 1 thủ thuật xâm lấn khi thực hiện trên người bệnh cần được sự đồng ý của người bệnh hoặc gia đình. Trước khi thực hiện thủ thuật bác sĩ cần giải thích lợi ích cũng như các tai biến có thể xảy ra, đồng thời cho người bệnh hoặc gia đình ký cam kết đồng ý thực hiện thủ thuật.

Chỉ định đặt nội khí quản trong trường hợp nào?

Lợi ích khi đặt nội khí quản

  • Kiểm soát, duy trì đường thở
  • Cung cấp Oxy nồng độ cao
  • Thở máy
  • Hút đàm nhớt, chất tiết và giúp ngăn ngừa hít sặc các chất tiết từ dạ dày, họng, miệng hay đường hô hấp trên trong trường hợp người bệnh giảm hay mất ý thức.
  • Dùng các thuốc cấp cứu, hồi sức khi chưa có đường truyền

Chỉ định đặt nội khí quản

Cấp cứu:

  • Tắc nghẽn đường thở cấp tính do chấn thương, dị vật, bỏng đường hô hấp trên, phù nề hay co thắt thanh quản…
  • Mất các phản xạ bảo vệ đường thở do có rối loạn tri giác nguyên nhân do chấn thương, quá liều thuốc, tai biến mạch máu não
  • Suy hô hấp giảm Oxy máu, tăng CO2
  • Ngừng tim, ngưng thở
  • Hôn mê
  • Gãy xương hàm 2 bên
  • Chảy máu nhiều vào khoang miệng do u hay chấn thương
  • Gây mê nội khí quản: trong trường hợp thực hiện phẫu thuật cần gây mê toàn thân.

Các tai biến có thể gặp khi đặt nội khí quản

Tai biến tức thời

  • Tai biến do kích thích: Mạch nhanh, huyết áp tăng
  • Mạch chậm, ngừng tim do kích thích phó giao cảm
  • Tai biến do tổn thương: rách môi, gãy răng, rách lưỡi, thủng khí quản, thực quản.
  • Sưng phù nề thanh quản gây khó thở, thiếu Oxy
  • Nôn ói, hít sặc chất nôn vào phổi gây hội chứng Mendelson (viêm phổi hít), thường xảy ra khi người bệnh có dạ dày đầy.
  • Xẹp phổi do đặt ống quá sâu vào phế quản, thường vào phế quản phải gây xẹp phổi trái
  • Nhiễm trùng phổi do không tôn trọng nguyên tắc vô trùng, đưa vi trùng từ ngoài vào phổi
  • Co thắt thanh khí quản do kích thích
  • Đặt vào thực quản: Nếu không phát hiện kịp thời có thể gây tổn thương não không hồi phục (chết não) hay tử vong do thiếu Oxy.
  • Tắc ống nội khí quản do dị vật hay xẹp ống, gập ống
  • Liệt dây thanh quản do tổn thương thần kinh quặt ngược
  • Không đặt được nội khí quản do người bệnh có đường thở khó. Đây là tai biến nghiêm trọng có thể dẫn tới tử vong do không kiểm soát được đường thở.
  • Tụt ống nội khí quản hoặc lệch ống do cố định không kĩ hay do người bệnh kích thích giãy dụa.

Tai biến lâu dài

  • Nuốt đau, nuốt khó hay khàn tiếng do tổn thương hầu, thanh quản, thường khỏi sau 5-7 ngày
  • U hạt, bướu gai ở dây thanh gây khàn tiếng kéo dài
  • Hẹp khí quản: do bơm bóng chèn của ống nội khí quản quá căng để lâu gây chèn ép làm tổn thương, hoại tử niêm mạc gây sẹo hẹp khí quản

Rút ống nội khí quản

Khi người bệnh tỉnh táo, trong trường hợp gây mê nội khí quản, có thể rút ống khi người bệnh còn mê nhưng đã có phản xạ, cảm giác vùng hầu họng, thanh quản. Mặt khác, khi hệ hô hấp người bệnh đã ổn định, thở đều, nhịp thở bình thường, thể tích thở đủ, thuốc giãn cơ hết tác dụng cũng có thể đánh giá để rút ống nội khí quản.

Ngoài ra, khi tuần hoàn ổn định, mạch, huyết áp bình thường. Độ bão hòa Oxy (SpO2) trong giới hạn bình thường có thể tiến hành rút ống nội khí quản.

Những việc cần làm khi rút nội khí quản

Để hạn chế tối đa biến chứng sau khi rút ống nội khí quản, các kỹ thuật viên, bác sĩ thực hiện cần xem xét các yếu tố sau đây:

  • Kiểm tra lại xem người bệnh có đủ điều kiện rút ống hay chưa.
  • Chuẩn bị đủ dụng cụ đặt nội khí quản lại nếu cần
  • Hút sạch đàm nhớt trong ống nội khí quản và trong miệng người bệnh
  • Cho thở Oxy 3-5 phút
  • Xả bóng
  • Rút ống nhẹ nhàng
  • Cho thở Oxy qua mask hay mũi
  • Theo dõi dấu sinh hiệu trong và sau rút ống.

Làm gì để giảm thiểu các tai biến khi đặt nội khí quản?

  • Người thực hiện thủ thuật được đào tạo và có kinh nghiệm
  • Có đầy đủ phương tiện, dụng cụ cấp cứu đường thở và xử trí đường thở khó
  • Có đầy đủ thiết bị theo dõi dấu hiệu sinh tồn của người bệnh
  • Được trang bị cáp đo ETCO2 (nồng độ CO2 cuối thì thở ra): tiêu chuẩn vàng xác định vị trí ống nội khí quản đã vào đúng khí quản hay không.

  • Thực hiện đúng kỹ thuật, đặt và rút ống nhẹ nhàng, tránh gây thương tổn.
  • Giảm phản xạ kích thích khi đặt nội khí quản bằng cách dùng các thuốc an thần, gây mê, giảm đau, giãn cơ, gây tê hoặc đặt ống ở độ mê thích hợp nếu gây mê nội khí quản
  • Nghiệm pháp Sellick (ấn sụn nhẫn) khi đặt nội khí quản người bệnh có dạ dày đầy tránh tai biến hít sặc, ngăn ngừa hội chứng Mendelson.
  • Chăm sóc nội khí quản đúng cách: đảm bảo vô trùng khi hút đờm, áp lực bóng nội khí quản 20-30cmH2O, kiểm tra áp lực bóng 2 lần/ngày, xả bóng cách quãng tránh gây thiếu máu niêm mạc khí quản gây sẹo hẹp khí quản.
  • Theo dõi sát, phát hiện dấu tắc nghẽn, tắc ống, tụt ống để xử lý kịp thời.

Đặt ống nội khí quản là một thủ thuật đơn giản, dễ thực hiện nhưng vô cùng quan trọng, nếu gặp phải những sơ xuất nhỏ cũng có thể để lại biến chứng nguy hiểm sau khi rút ống nội khí quản. Vì thế bệnh nhân nên chọn các địa chỉ uy tín, có chuyên môn tốt để thực hiện thủ thuật này.

Back To Top