Bệnh tim trên nền bệnh phổi
Vào thăm bệnh nhân (BN) Vũ Văn H. (58 tuổi, Lương Sơn, Hòa Bình) trong phòng hồi sức tim mạch, ông T. đã tỉnh táo sau ca phẫu thuật, tuy nhiên, để giao tiếp, chuyện trò vẫn còn khó khăn. Bà H. (vợ BN) kể, ông H. bị bệnh phổi từ thời thanh niên. Khi còn là sinh viên đại học, ông H. đã phải cắt đi 1/3 lá phổi trái. Ra trường làm kỹ sư chế tạo máy, khi vào Nam xây dựng công trình thủy điện Trị An, người thanh niên chỉ còn 2/3 lá phổi thường xuyên bị những cơn sốt rét hành hạ. Nhưng từ khi xây dựng gia đình, sức khỏe của ông H. khá ổn, chỉ ốm đau lặt vặt, là trụ cột kinh tế chính nuôi 3 con ăn học. Chính vì thế nên khi có biểu hiện đau ngực cách đây hơn 1 tháng, ông cố gắng chịu, không nghỉ làm đi khám và đau quá thì tự mua thuốc giảm đau uống. Tối 16/6, cơn đau dữ dội khiến gia đình phải đưa ông H. đến BV huyện Lương Sơn cấp cứu. BV huyện vội chuyển đến BV tỉnh. Ông H. nằm ở đó, đau mỗi ngày một tăng và được chuyển xuống Hà Nội tới TTTM BV E Trung ương (ngày 21/6), chẩn đoán phồng quai động mạch chủ (ĐMC) hết sức nguy hiểm.
Bệnh nhân H. ngày thứ 3 sau phẫu thuật. Ảnh: Mai Linh
Khối phồng ở vị trí giải phẫu khó đang dọa vỡ, nguy cơ tử vong rất cao
ThS.BS. Nguyễn Công Hựu – Trưởng khoa Phẫu thuật TM lồng ngực, TTTM BV E cho biết: BN H. nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau ngực dữ dội. Chẩn đoán phồng lớn hình túi tại quai ĐMC dọa vỡ, thành ĐMC có ổ loét. Toàn bộ vị trí thương tổn viêm nhiễm dính chặt vào phần phổi bên trái. Thương tổn loại này nguy cơ đột tử trong tích tắc nếu khối phồng vỡ.
“Quai ĐMC nằm trong lồng ngực, nơi xuất phát các động mạch nuôi não và 2 tay. Phẫu thuật quai ĐMC là một trong những phẫu thuật phức tạp nhất của phẫu thuật tim, đòi hỏi nhiều phương tiện hỗ trợ với thời gian mổ kéo dài, tỉ lệ rủi ro cao. Phẫu thuật kinh điển thay quai ĐMC phải sử dụng máy tim phổi để thiết lập vòng tuần hoàn nhân tạo ngoài cơ thể cho phép phẫu thuật được thực hiện trong môi trường sạch máu, áp dụng các kỹ thuật phức tạp bảo vệ não trong quá trình cắt nối các nhánh mạch”, ThS.BS. Nguyễn Công Hựu giải thích. Tuy nhiên, hậu quả của việc sử dụng máy tim phổi nhân tạo rất nặng nề, đặc biệt đối với BN trên nền thể trạng suy sụp, có tiền sử cắt thùy phổi trái do áp-xe phổi thì nguy cơ suy đa tạng đặc biệt về hô hấp là rất lớn. Hơn nữa, vị trí khối phồng nằm khuất, vị trí giải phẫu khó, ca mổ sẽ phải kéo dài nhiều giờ, việc cầm máu các đầu nối mạch máu lớn trên nền mạch bệnh lý dễ rách vỡ, đặc biệt miệng nối ở vị trí khó khăn nhất của cơ thể nên việc kiểm soát chảy máu không hề dễ dàng.
Các bác sĩ dùng mạch nhân tạo nối vào ĐMC lên phần không bị tổn thương. Ảnh: BSCC
Các bác sĩ đứng trước một thách thức: nếu không mổ, khối phồng sẽ vỡ, BN sẽ tử vong ngay. Nhưng nếu mổ, với tiền sử bệnh lý của BN H., cộng thêm phẫu thuật thay quai ĐMC lại là phẫu thuật có nguy cơ rất cao, cơ hội sống cho BN là rất ít. Để cứu sống người bệnh, giải pháp tối ưu nhất lúc này là ứng dụng kỹ thuật Hybrid: vừa phẫu thuật vừa can thiệp mạch để đặt stent graft bịt khối phồng.
Phẫu thuật thay quai ÐMC là phẫu thuật khó nhất và phức tạp nhất trong tim mạch. Tỷ lệ tử vong khi mổ thay quai ÐMC những năm trước khoảng từ 50-70%. Ðến nay, tỷ lệ này xuống còn khoảng 20-25%. Với những BN cao tuổi, tỷ lệ tử vong khi phẫu thuật thay quai ÐMC vẫn là 50%.
Sự phối hợp ưu việt giữa phẫu thuật và can thiệp tim mạch
GS.TS. Lê Ngọc Thành – Giám đốc BV E kiêm Giám đốc TTTM BV E cho biết: Phẫu thuật thay quai ĐMC là phẫu thuật có độ rủi ro rất cao do những biến loạn khó kiểm soát về mặt huyết động, đặc biệt nguy cơ tổn thương thiếu máu não vì phải kẹp ĐMC trong khi phẫu thuật. Giải pháp can thiệp tim mạch đặt stent đơn thuần để bịt khối phồng cũng không thể thực hiện vì khi đưa stent vào sẽ bịt các mạch máu nuôi não, bệnh nhân sẽ tử vong ngay lập tức. Phải kết hợp cùng lúc 2 kỹ thuật: vừa phẫu thuật vừa can thiệp mạch để đặt được stent graft bảo vệ khối phình quai ĐMC.
11giờ thứ 7 ngày 25/6/2016: 2 kíp phẫu thuật và can thiệp tim mạch đã tiến hành đồng thời để đặt stent graft cho bệnh nhân H. tại phòng mổ tim và can thiệp TTTM BV E. Kíp phẫu thuật do ThS.BS. Nguyễn Công Hựu làm trưởng kíp tiến hành mở xương ức, chuyển dòng máu nuôi não đi theo con đường khác bằng (sử dụng mạch máu nhân tạo bắc cầu từ đoạn động mạch chủ lên không bị thương tổn tới các động mạch nuôi não). Phẫu thuật không phải sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể, BN tránh được hậu quả của việc chạy máy tim phổi nhân tạo.
Sau đó, kíp can thiệp do ThS.BS. Phan Thảo Nguyên – Trưởng khoa Khám bệnh – Tim mạch can thiệp mở một lỗ nhỏ ở động mạch đùi, đưa dụng cụ mang stent graft qua mạch máu lên đến quai ĐMC. Ống stent graft đặt lồng trong lòng mạch làm giá đỡ phủ kín toàn bộ phần mạch phồng bị yếu, lòng ĐMC được tái tạo lại đúng cấu trúc của nó. BN không phải truyền máu, không xảy ra bất kỳ biến chứng gì trong suốt quá trình thực hiện kỹ thuật. Ca phẫu thuật Hybrid kết thúc lúc 15h cùng ngày.
Sau mổ 4h, BN rút được máy thở, tỉnh táo, ăn uống được trong ngày đầu hậu phẫu.
Với việc trang bị đầy đủ máy móc, cơ sở vật chất hiện đại cùng đội ngũ y bác sĩ nhuần nhuyễn chuyên môn, TTTM BV E là một địa chỉ tin cậy cho các BN mắc các bệnh lý mạch nguy hiểm; trở thành một trong những cơ sở tim mạch hàng đầu hoàn chỉnh đồng bộ cả về phẫu thuật và can thiệp tim mạch.