Chủng cúm “chết người” quay trở lại

- 6 lượt xem - Tin tức

Cúm A/H5N1 nguy hiểm đang có nguy cơ quay trở lại. Ảnh minh họa: Q.P

Cúm A/H5N1 nguy hiểm đang có nguy cơ quay trở lại. Ảnh minh họa: Q.P

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh nhân tử vong là một nam giới (52 tuổi, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, Bình Phước). Ngày 11/1 bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, khó thở và được gia đình đưa đến khám, điều trị tại BV đa khoa Bù Đăng với chẩn đoán viêm phổi do vi rút. Sau 7 ngày điều trị tại đây, bệnh nhân được chuyển đến BV đa khoa Bình Phước cũng với chẩn đoán trên, trong tình trạng rất nặng. Tổn thương phổi bệnh nhân tăng nhanh, bệnh nhân khó thở liên tục nên tiếp tục được chuyển lên BV bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh hôm 18/1 và đã tử vong vì tổn thương phổi nặng nề.

Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân đã được Trung tâm Cúm quốc gia – Viện Pasteur Hồ Chí Minh xét nghiệm, có kết quả dương tính với cúm A/H5N1.

Ông Phu cho biết, ngay sau khi xảy ra ca bệnh, cơ cán bộ y tế đã tiến hành điều tra dịch tễ, cho thấy gia đình bệnh nhân có giết mổ, ăn thịt vịt, quanh khu vực sinh sống có hiện tượng gà ốm chết không rõ nguyên nhân.

“Đây là ca nhiễm cúm A/H5N1 đầu tiên trong năm 2014, sau 9 tháng Việt Nam không ghi nhận ca bệnh trên người. Nguy cơ cúm H5N1 nguy cơ bùng phát là hoàn toàn có cơ sở nếu không kịp thời triển khai các biện pháp phòng dịch, nâng cao ý thức người dân”, ông Phu nói.

TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, cúm A/H5N1 có độc lực mạnh, diễn biến tổn thương phổi rất là nhanh, nặng nề trong vòng vài ba ngày đến một tuần sau khi nhiễm bệnh. Đặc biệt, chủng cúm A/H5N1 lại gây bệnh cho phổ rộng hơn, vì thế nếu bùng phát cũng rất nguy hiểm. Trong khi đó, hiện nay, việc vi rút cúm gia cầm lưu hành trên đàn gia cầm nhưng không có biểu hiện là một mối nguy lớn do không kịp thời phát hiện nguồn bệnh để kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm.

“Nguy hiểm ở chỗ, trước đây khi xảy ra dịch phải có dịch trên đàn gia cầm mới lây sang người. Còn hiện tại qua giám sát gia cầm ở các chợ cho thấy nhiều thấy gia cầm không có triệu chứng, trở thành gia cầm lành mang mầm bệnh, vì thế người dân càng dễ chủ quan, nguy cơ mắc bệnh cao hơn”, TS Kính cho biết.

Sau ca nhiễm cúm A/H5N1 tử vong đầu tiên trong năm 2014, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế và Trung tâm y tế dự phòng Bình Phước điều tra dịch tễ, tăng cường triển khai các biện pháp giám sát và phòng, chống cúm A/H5N1 trên địa bàn. Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cũng đã lập đoàn kiểm tra giám sát, điều tra ca bệnh, ca tiếp xúc, kiểm tra các điểm chăn nuôi gia cầm tại địa phương.

Bộ Y tế cũng đề nghị Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng cường hoạt động giám sát phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch cúm trên gia cầm, đồng thời phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm cúm gia cầ sang người.

Theo Bộ Y tế, thời tiết mùa đông xuân hiện nay, đặc biệt dịp Tết nguyên đán là thời điểm dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh nhất trong năm. Để phòng lây nhiễm các loại cúm gia cầm nói chung, người dân tuyệt đối không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm ốm chết,  thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, ăn chín uống sôi. Hạn chế tiếp xúc gần với người có biểu hiện mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp, tránh đưa tay lên mũi và miệng, làm thông thoáng nơi ở và nơi làm việc, thường xuyên lau chùi bề mặt, dụng cụ đồ vật quanh người bệnh bằng các chất tẩy rửa thông thường..

Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Khi có các biểu hiện cúm không rõ lý do, sau khi tiếp xúc với gia cầm có các triệu chứng ho, sốt, khó thở… cần đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị.

Hồng Hải

Back To Top