Tình trạng quá tải là nguyên nhân lớn dẫn đến sự bức xúc của người bệnh cũng như người thân người bệnh. PGS, TS Nguyễn Trường Sơn cũng mong muốn người dân có văn hóa xếp hàng để cải thiện hình ảnh chen lấn, xô đẩy trong các bệnh viện giờ cao điểm.
Còn theo GS, TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam lại có cái nhìn rộng hơn. Hiện nay, có bốn thách thức chính trong công tác chăm sóc sức khỏe, đó là: chưa gắn kết bệnh tật với đói nghèo; chưa có mô hình y tế tiền lệ phù hợp nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; một số vấn đề cơ bản của chăm sóc sức khỏe chưa được xác định; chưa xác định cơ chế tài chính của tài chính y tế. KCB là một bộ phận của chăm sóc sức khỏe, những thách thức chung của chăm sóc sức khỏe ảnh hưởng rất lớn đến KCB.
Tình trạng bệnh tật dẫn đến nghèo đói. Do chưa nhận thức một cách đầy đủ cho nên nhiều cấp ủy Ðảng chưa thật sự quan tâm đến chiến lược chăm sóc sức khỏe (CSSK), coi y tế là một vấn đề kỹ thuật đơn thuần nên khoán trắng cho ngành y tế. Do không gắn vấn đề CSSK với xóa đói, giảm nghèo cho nên chưa chú trọng đầu tư cho CSSK. Chính vì vậy, chăm sóc sức khỏe tốt không chỉ là khám, chữa bệnh tốt mà còn phải góp phần làm cho người dân không bị nghèo hóa. Nếu thầy thuốc kê đơn thuốc gồm những loại thuốc không cần thiết và đắt tiền hoặc thầy thuốc chỉ định một xét nghiệm không cần thiết và đắt tiền thì chính thầy thuốc đó là người gây ra nghèo đói cho người bệnh.
Việc phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN làm cho mô hình y tế cũng chưa có tiền lệ, việc chuyển từ hình thức bao cấp sang kinh tế thị trường dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Trong khi mô hình bao cấp triệt để không còn phù hợp thì kinh tế thị trường cũng bộc lộ nhiều mâu thuẫn, nhất là biểu hiện khoảng cách chênh lệch giàu – nghèo còn lớn; cơ cấu y tế bị méo mó do chạy theo lợi nhuận, thầy thuốc phải mưu sinh, lợi ích đa dạng, đa chiều và phức tạp… Vì vậy, cần đổi mới giáo dục y đức hiện nay. Phải kết hợp giáo dục y đức và nâng cao tính chuyên nghiệp trong y học.
Tình trạng thương mại hóa CSSK ngày càng rõ nét, khi nhiều nơi chỉ biết phát triển công nghệ cao mà quên mất lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở, coi nhẹ các phong trào trong CSSK. Nhiều bệnh việnvẫn không phát huy mặt mạnh của cơ chế thị trường, còn ỷ lại vào ngân sách nhà nước, không năng động trong tạo nguồn kinh phí cho y tế; luẩn quẩn với cơ chế bao cấp, trì trệ trong quản lý; chưa thấy rõ mối quan hệ giữa những đòi hỏi của nghề nghiệp y tế và lợi ích của cán bộ y tế.