“Cháy” vắc-xin chủng ngừa, bệnh thủy đậu tự do tung hoành

- 4 lượt xem - Tin tức

Thủy đậu hiểm họa tiềm ẩn

Mùa đông – xuân là giai đoạn các loại bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh thủy đậu nói riêng bước vào cao điểm. Biết trước sự nguy hiểm của bệnh, đa số phụ huynh đều có ý thức chủ động phòng ngừa cho trẻ bằng vắc-xin. Đây không phải loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên các cơ sở y tế tổ chức chích dịch vụ cho trẻ. Tuy nhiên, gần một năm qua, nguồn vắc-xin ngừa thủy đậu mỗi ngày một khan hiếm rồi “cháy” hẵn khiến người dân thành phố không khỏi lo lắng.

 

Trẻ em là đối tượng dễ bị thủy đậu tấn công
Trẻ em là đối tượng dễ bị thủy đậu tấn công

 

Chị Cao Thị Ngọc My (29 tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận) chia sẻ: Theo hướng dẫn tiêm ngừa của bác sĩ, từ 12 tháng trẻ sẽ đủ tuổi chủng ngừa bệnh thủy đậu nên tôi mang con đến Viện Pasteur, TPHCM. Khi đó, các nhân viên y tế của viện thông báo hết vắc-xin ngừa thủy đậu. Tôi tiếp tục đưa con đi hai bệnh viện Nhi và cả bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới nhưng đành về không. Hiện con tôi đã gần 2 tuổi, tháng nào tôi cũng hỏi dò loại vắc-xin trên nhưng đều vô vọng”.

Cố gắng vỗ về, trấn an con gái đang rưng rức quấy khóc vì nổi mụn nước, đe dọa nhiễm trùng toàn thân, mẹ bé Nguyễn Hoàng Gia Hân (14 tháng tuổi) đang điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: “Hàng xóm của gia đình tôi sinh xong thì mẹ bị thủy đậu, tôi sợ nhiễm bệnh cho con nên đã nhiều lần bế bé đến bệnh viện chích ngừa nhưng không có vắc-xin. Cố gắng giữ gìn nhưng cách đây 3 ngày bé lên cơn sốt rồi nổi mụn nước kèm theo viêm phổi buộc phải nhập viện điều trị”,

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho biết: Thủy đậu (còn gọi là bệnh trái rạ) do vi rút Varicella zoster gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Người bị thủy đậu thường có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, nôn ói, nổi mụn nước toàn thân. Nếu không được chăm sóc tốt hoặc can thiệp về mặt chuyên môn, bệnh có nguy cơ biến chứng nhiễm trùng, viêm phổi, viêm màng não… đe dọa đến tính mạng. Phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở tháng thứ 3 của thai kỳ có nguy cơ sảy thai.

Vắc-xin chủng ngừa đột nhiên “đứt” hàng

Cũng theo TS.BS Vĩnh Châu, bệnh thủy đậu tấn công mọi lứa tuổi, biện pháp tốt nhất để phòng ngừa là chủ động tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, nhiều tháng qua bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đã hết vắc-xin ngừa thủy đậu. Đây là loại bệnh mỗi người có nguy cơ mắc một lần trong đời nếu đã mắc bệnh cơ thể sẽ tự miễn dịch và không mắc lại lần thứ hai. Với tình thế thiếu vắc xin như hiện nay thì đành chịu thua trong việc chủ động phòng bệnh. “Chúng tôi đang thắc mắc về nguyên nhân dẫn đến khan hiếm vắc-xin.”

 

Không được chủng ngừa, bệnh thủy đậu tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Không được chủng ngừa, bệnh thủy đậu tiềm ẩn nhiều nguy cơ

 

Dân trí đã liên hệ với công ty Sanofi Pasteur, một trong hai đơn vị cung ứng vắc-xin thủy đậu tại thị trường Việt Nam thì được đại diện công ty cho biết “từ năm 2013 Sanofi Pasteur đã ngừng hợp tác phân phối vắc-xin ngừa thủy đậu trên toàn cầu.”

Theo phân tích của BS Phạm Mai Đằng, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, bệnh viện Nhi Đồng 2, ngoài nguyên nhân vắc xin ngừa thủy đậu thiếu do công ty Sanofi không tiếp tục phân phối thì đơn vị thứ hai cung ứng vắc-xin này là công ty GlaxoSmithKline (GSK) cũng đột ngột ngưng phân phối nhưng không rõ nguyên nhân.

Cũng theo BS Đằng, vắc-xin ngừa thủy đậu là vắc-xin sống đòi hỏi công nghệ hiện đại, các công ty trong nước chưa sản xuất được. Chúng tôi đang cố gắng tìm giải pháp thay thế, hiện một công ty của Hàn Quốc đã chào hàng. Tuy nhiên, vắc-xin thủy đậu của Hàn Quốc chưa từng sử dụng tại Việt Nam nên không biết tính hiệu quả ra sao.

 

Chiều 17/2, trao đổi với Dân trí, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cho biết, trong tháng 1/2014 toàn thành phố có 44 trường hợp mắc bệnh thủy đậu, bệnh đang tăng so với những tháng trước. BS Dũng khuyến cáo người dân để hạn chế sự lây lan của bệnh cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ thoáng mát; chủ động cách ly người bệnh.

 

 

 

Vân Sơn

Back To Top