Cháu bé 16 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm tại phòng khám của Trưởng khoa Nhi

- 17 lượt xem - Tin tức

Sự việc xảy ra vào chiều 20/11 tại phòng khám tư chuyên về nhi (với tên Hương Sơn) của bác sỹ Phạm Anh Sơn. Ông Sơn hiện là trưởng khoa Nhi bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín (TP Hà Nội).

Phòng khám tư của bác sỹ Phạm Anh Sơn – trưởng khoa Nhi của bệnh viện đa khoa huyện Thường Tín. Phòng khám này hoạt động không phép nhiều năm nay, đã có lần cơ quan chức năng xử lý vi phạm song vẫn tái diễn hoạt động không phép. Trước khi xảy ra vụ việc này, cách đây 6 tháng, đã có một cháu bé khác cũng đã tử vong tại phòng khám trên sau khi được bác sỹ Sơn tiêm (Ảnh: Báo Đất Việt)

Theo phản ánh của gia đình, cháu Nguyễn Đình Quân (16 tháng tuổi, trú tại xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội) bị ho, có biểu hiện viêm phổi.

Chiều ngày 19/11, gia đình đưa cháu Quân đến phòng khám tư Hương Sơn của bác sỹ Phạm Anh Sơn để khám thì được bác sỹ Sơn cho biết cháu bị viêm phổi, cần tiêm và uống thuốc.

Ngay trong chiều 19/11, cháu Quân được bác sỹ Sơn tiêm mũi đầu tiên, trước khi tiêm có thử phản ứng. Sau khi tiêm và cấp thuốc, bác sỹ Sơn hẹn bệnh nhân chiều 20/11 quay lại tiêm mũi thứ 2.

 

Bộ Y tế yêu cầu báo cáo vụ việc

 

Liên quan đến vụ việc này, chiều ngày 22/11, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Sở Y tế Hà Nội làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thông tin và đề xuất các biện pháp chấn chỉnh trước ngày 27/11.

 

Đúng hẹn, chiều 20/11 gia đình đưa cháu Quân quay lại tiêm nhưng sau khi tiêm xong, vừa bế cháu ra đến cửa phòng khám thì gia đình phát hiện cháu tím tái, sùi bọt mép.

Bác sỹ Sơn không chuyển cháu Quân đi cấp cứu ngay mà giữ lại ở phòng khám tiêm tiếp một mũi và truyền dịch (gia đình không rõ là thuốc và dịch gì).

Tuy nhiên, cháu Quân không đỡ mà cứ lịm dần, đến khi được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Nông nghiệp (cách đó 7km) thì cháu đã yếu và tử vong trên đường.

Chiều ngày 22/11, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa huyện Thường Tín xác nhận có sự việc như trên xảy ra song từ chối phát ngôn do sự việc xảy ra ở phạm vi bên ngoài bệnh viện (dù bác sỹ Phạm Anh Sơn là trưởng khoa Nhi của bệnh viện này), đồng thời đề nghị phóng viên liên hệ với ông Nguyễn Hữu Luân – trưởng phòng Y tế huyện Thường Tín – để làm việc vì cho rằng những hoạt động liên quan đến các phòng khám tư nhân, ngoài công lập do phòng y tế huyện quản lý.

Chiều cùng ngày, PV đã liên lạc với ông Nguyễn Hữu Luân nhiều lần nhưng không nhận được phản hồi.

Tuy nhiên, trước đó, trả lời một số báo, ông Luân xác nhận nội dung vụ việc và cho biết trước khi sự việc xảy ra với cháu Quân thì vào tháng 6/2013 một cháu bé khác ở xã Hà Vĩ (huyện Thường Tín) cũng tử vong sau khi được ông Phạm Anh Sơn tiêm. Nhưng sau đó phòng khám tư của ông Sơn vẫn hoạt động bình thường.

Theo ông Luân, bác sỹ Sơn đã mở phòng khám tại nhà riêng gần 20 năm nay nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa được cấp giấy hoạt động.

Nhiều lần cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra nhưng có lần thấy phòng khám của ông Sơn đóng cửa, có lần bắt được đang khám có yêu cầu ông Sơn dừng ngay việc khám chữa bệnh trái phép lại nhưng sự việc này vẫn cứ diễn ra.

Hiện Sở Y tế Hà Nội đã nắm được thông tin vụ việc, tuy nhiên Sở cho biết hiện nay công an huyện Thường Tín đã vào cuộc để điều tra, xử lý nên phía ngành y tế sẽ là cơ quan phối hợp chứ chưa đưa ra phát ngôn gì.

BBT sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc tới bạn đọc.

Từ 1/1/2014, cơ sở ngoài công lập dừng hoạt động nếu chưa có giấy phép

Trong thời gian qua, vấn đề hành nghề y ngoài công lập nóng trong dư luận, đặc biệt sau vụ việc xảy ra ở thẩm mỹ viện Cát Tường  (Hà Nội) gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo thông báo khẩn mới đây gửi các cơ sở hành nghề ngoài công lập, Sở Y tế đề nghị các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y tư nhân theo quy định tại Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân khẩn trương thực hiện việc cấp giấy phép hoạt động theo quy định tại Luật khám bệnh, chữa bệnh và liên hệ nộp hồ sơ về Sở Y tế Hà Nội trước ngày 20/11/2013.

Từ ngày 1/1/2014 tất cả các cơ sở hành nghề ngoài công lập chưa có giấy phép hoạt động theo quy định tại Luật khám bệnh, chữa bệnh sẽ không được tiếp tục hoạt động.

Sở Y tế cũng đã lập danh sách hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 561 cơ sở hành nghề y và 178 cơ sở hành nghề y học cổ truyền chưa thực hiện việc cấp giấy phép hoạt động theo Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Back To Top