Chân trời trắng – Y Hà Nội – Xu hướng cực đoan của dư luận xã hội

- 35 lượt xem - Tin tức

Trong cuộc sống của chúng ta, sẽ không ít lần bạn phải giật mình thốt lên: "hóa ra trong mắt người khác mình là như vậy ư?". Đó là khi bạn nhận được những lời chỉ trích, chê bai, dèm pha, nhận xét cay độc, hay thậm chí là những giả thuyết “tuyệt vời”.

Tôi không có tâm lý đó. Tôi thích đi nghe các câu chuyện, thích được lắng nghe tâm sự của bạn bè, điều này khác hẳn với phong cách làm việc của tôi. Trong cuộc sống tôi có thể chia sẻ, nhưng trong công việc tôi sẽ cân nhắc đúng sai. Khi nghe các câu chuyện phiếm kiểu "kể xấu", tôi đặc biệt phản đối. Vì sao ư? Quan điểm của tôi là mỗi người có một cuộc sống riêng của mình, nếu như không sống trong môi trường của người đó thì Đừng bao giờ vẽ lên ảo tưởng về cuộc sống của họ.

Tôi đã từng làm việc cho Hội chữ thập đỏ Việt Nam, là thành viên của hội chữ thập đỏ Quận Đống Đa. Nhờ cơ hội đó, tôi được tiếp xúc với những người phụ nữ nhiễm HIV của hội Hoa Sữa. Tôi đã rất bất ngờ trước nghị lực của các chị. Ở đây mọi người đều noi gương nữ anh hùng châu Á 2004 Phạm Thị Huệ (Hải Phòng). Họ dám sống thực với cuộc sống của họ. Và mỗi người dù vì lý do này hay lý do khác bị nhiễm HIV, thì họ vẫn đáng được tôn trọng.

Hôm nay, tôi muốn viết về một bộ phim của VTV3: "Chân trời trắng". Tên phim có vẻ đẹp đẽ. Và nếu như không nhờ bài báo http://suckhoedoisong.vn/20120531101110732p15c95/phim-chan-troi-trang-xuc-pham-giao-vien-va-sinh-vien-truong-y.htm thì tôi đã không biết được nhiều chi tiết trong phim như thế. Tôi đã từng hỏi nhiều người bạn xem qua bộ phim này, và toàn bộ đều nói "bộ phim quá vô lý". Hôm nay, đọc xong bài báo này tôi mới có căn cứ để viết về nó, một bộ phim được quảng cáo là ca ngợi ngành Y nhưng thực tế đã bóp méo rất nhiều sự thật.

 Một cảnh trong phim Chân trời trắng. Ảnh: Internet.

Một cảnh trong phim Chân trời trắng. Ảnh: Internet.

Tôi sẽ không đi phân tích lại bộ phim này vì bài báo đã viết khá chi tiết. Ở đây tôi muốn đề cập đến trường tôi: ĐH Y Hà Nội.

Chúng tôi bước vào đại học, mang một tâm trạng tự hào vì được học trường đại học lâu đời nhất Việt Nam. Chúng tôi học năm thứ nhất với rất nhiều quyết tâm và căng thẳng, bởi chỉ cần sơ sảy một chút thôi, chúng tôi có thể thi trượt, có thể mất sinh viên giỏi, có thể không được bằng giỏi về sau, hoặc có thể bị lưu ban. Áp lực còn đến từ bạn bè, vì chúng tôi giống như một nong tằm, gặm lá ngày đêm không mệt. 2 năm đầu tiên đầy lý thuyết và nặng nề, sáng giảng đường, chiều giảng đường, tối ăn cơm bụi rồi lại lên giảng đường học. Tham quan giảng đường Y Hà Nội, mọi người sẽ thấy một không khí mà nếu có một tiếng động nào vang lên thì tất cả giảng đường sẽ đổ dồn mắt về đó. Tôi không thuộc nhóm mọt sách giảng đường, từ năm 2 thay vì đi học giảng đường tôi xin theo chân các anh chị học ở BV vào buổi tối. Tưởng như sang đến năm thứ 3 mọi thứ sẽ đỡ hơn vì được đi BV học, thì ngược lại, chúng tôi bắt đầu bước vào guồng quay bất tận của những tua trực. Tôi nhớ giai đoạn trực dày nhất là 2-3 buổi/tuần, ít thì 1 buổi/tuần. Chúng tôi cứ thế lao đao hết Y3, Y4, Y5, rồi Y6. Khi đến năm cuối, nhìn lại đứa nào cũng già xọm, khác hẳn khi mới vào trường. Chúng tôi còn nói đùa với nhau: "đáng lẽ phải có tiền đền bù tuổi xuân cho sinh viên Y!".

Tôi biết trên đời này có rất nhiều người tốt, rất nhiều mạnh thường quân, rất nhiều nhà hảo tâm. Nhưng nếu để tìm kiếm một môi trường đại học nhiều người tốt thì tôi tin trường Y Hà Nội chính là một nơi như vậy. Chúng tôi số nhiều chọn ngành Y một cách tự nhiên, cảm giác thích thú, hoặc do định hướng của gia đình, số ít do một lý do riêng nào đó đặc biệt. Nhưng hầu hết đều rất yêu nghề. Chúng tôi đã sống, đã học, và đã chia sẻ cuộc sống với rất nhiều mảnh đời, không chỉ ở trong BV, mà còn ở khu trẻ em lang thang cầu mới, khu trẻ làng chài Long Biên, trung tâm bảo trợ trẻ em Khâm Thiên, làng trẻ Hòa Bình, làng trẻ Birla cầu giấy, làng trẻ em chất độc da cam Hữu Nghị, các trung tâm bảo trợ xã hội, các câu lạc bộ HIV,…. Chúng tôi mỗi người có một sở trường riêng, mỗi người có một cách chia sẻ riêng, và chúng tôi coi đó là những việc bình thường của một bác sĩ tương lai. Chúng tôi có những tấm gương là những người thầy hiện lên rất rõ ràng, bởi các thầy cũng đã phải trải qua những năm tháng cực nhọc mới có được những thành quả về sau. Chúng tôi sống có những lý tưởng rõ ràng, thế hệ trước truyền cho thế hệ sau. Có thể chúng tôi đã, chưa, không làm được nhiều, nhưng chúng tôi không thể chấp nhận một bộ phim, được chiếu trên đài truyền hình quốc gia, viết về ngành Y, lại có cái nhìn phiến diện đến như thế.

Có thể Đức độ của chúng tôi không đạt được tầm cao siêu, tầm của các bậc tu nhân, bởi chúng tôi vẫn đang phải xoay vần với cơm-áo-gạo-tiền, bởi nhiều người bạn tôi, sau 10 năm học về các tỉnh nhà đóng góp cho quê hương mà đồng lương vẫn chưa đến 3 triệu đồng một tháng. Nhưng hàng ngày, đồng nghiệp của tôi đang cứu được những bệnh nhân mạch vành, chấn thương, tai nạn, áp xe não,… Cái chữ ĐỨC trong ngành Y, tôi tin rằng nó gắn liền với tâm huyết và tay nghề, chứ không phải là một chữ ĐỨC cao siêu của các bậc tu nhân.

Vậy, tại sao lại có một bộ phim như vậy??? Gần đây có phong trào ghép các ảnh theo kiểu: "làm bác sĩ nghĩa là…", "gia đình nghĩ…", "bạn bè nghĩ…", "xã hội nghĩ…", "bệnh nhân nghĩ…", "tôi nghĩ…", "thực tế là…". Vâng đó là sự thật, ai cũng chỉ được nhìn một khía cạnh nào đó về một xã hội, một ngành, một nhóm, một gia đình, hay nhỏ nhất là một con người. Khi một xu hướng cực đoan xuất hiện, thì góc nhìn sẽ được điều chỉnh theo hướng đó, và đó chính là dấu hiệu "báo động" chứ không đơn giản là một bộ phim nữa. Tại sao báo chí ngày nay chỉ còn rất ít tờ báo mang tính chất "báo chí chính thống"? Tại sao hiện nay đọc báo, tin tốt thì ít, tin xấu và giật gân thì nhiều? Có phải vì bản chất xã hội xấu đi? Hay nhờ công nghệ thông tin mà ta mới được nhìn thấy những điều đó? Không phải. Thực tế đọc báo chí chính thống ta vẫn thấy những hoạt động văn hóa xã hội tốt đẹp, những hiện tượng xấu được viết chân thực, những bài phát biểu được viết chính xác. Người làm báo cũng có 2 nhóm lớn thôi, chạy theo thị hiếu và theo "Báo đức". Thực tế, truyền hình cũng là một hình thức báo chí: báo hình. Phim truyền hình không phải là một loại tin tức báo chí, nhưng nó ảnh hưởng rất rộng bởi phạm vi truyền thông và vì trong các hình thức nhận thức thì nhận thức qua sự kết hợp âm thanh và hình ảnh là hình thức dễ dàng và được ghi nhớ tốt nhất.

Mâu thuẫn ở đây có lẽ đang còn ở trong nhiều người, chúng ta luôn miệng than thở xã hội xấu xa, luôn mơ ước về một xã hội tốt đẹp, luôn nghĩ đến một ngành Y đẹp đẽ, nhưng chúng ta vẫn luôn hàng ngày đọc những tin tức lá cải, làm những bộ phim thiếu chân thực, viết những tin giật gân, ghê rợn một cách chi tiết. Đâu rồi những sự thật? Chẳng lẽ xã hội chúng ta chỉ có như vậy ư? Đâu rồi những đêm hòa nhạc? Đâu rồi những sáng tạo của sinh viên? Đâu rồi SV 2012? Đâu rồi những phong trào tình nguyện và từ thiện? Đâu rồi những câu chuyện đời đơn giản ở những vùng sâu vùng xa, như việc chế tạo ra một loại bơm hút nước từ giếng sâu của một ông già nông dân thôi?.

Tôi khẳng định, xã hội này còn nhiều điều đáng viết hơn những tin giật gân đang chạy mải miết từ trang báo này đến trang báo khác, ngành Y chúng tôi còn nhiều điều đáng viết hơn những câu chuyện tưởng tượng kiểu Chân trời trắng lắm. Tôi tin nhiều người làm báo cũng hiểu được trách nhiệm của họ với xã hội là Sự thật.

Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta sẽ rơi vào lối suy nghĩ cực đoan. Nhưng cuối cùng thì chúng ta sẽ đạt được mục đích gì? Nếu như định làm điều gì đó mang tính cực đoan như vậy, hi vọng bạn hiểu về kết quả của nó!

BS.Tuấn Anh

Back To Top