Chăm sóc và theo dõi Bệnh nhân ngộ độc cấp hóa chất và bảo vệ thực vật có suy hô hấp và co giật

- 923 lượt xem - Chưa phân loại

Mục tiêu:

  • Biết được một số hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) ở nhà hay nơi làm việc có nguy cơ gây ngộ độc và biết được mối nguy hiểm khi bị ngộ độc cấp.
  • Biết được những triệu chứng và dấu hiệu nguy hiểm tới tính mạng người bệnh do hóa chất BVTV gây ra, để chăm sóc và theo dõi người bệnh theo các mức độ của ngộ độc.
  • Nắm được lợi ích và nguy hiểm của việc dùng hóa chất BVTV  và tìm cách phòng tránh cho mọi người.  

1. Mở đầu:

  • Có rất nhiều nhóm hóa chất BVTV được sử dụng rộng rãi nhằm giết sinh vật có hại cho nông nghiệp như thuốc trừ sâu rầy, thuốc diệt chuột, thuốc trừ cỏ, diệt nấm mốc …
  • Nhóm hóa chất trừ sinh vật hại  thường dùng ở nước ta là:

+ Forkeba (phospho kẽm): diệt chuột.

+ Fluoroacetat, strychnin (mã tiền): sử dụng để diệt chuột.

+ Hóa chất phospho hữu cơ và carbamate: diệt côn trùng, rau, quả, lúa

+ Hóa chất pyrethroid: thuốc diệt côn trùng.

+ Nereistoxin: dạng gói bột, hóa chất diệt sâu hại từ Trung Quốc nhập sang.

+ Paraquat và diquat là hóa chất diệt cỏ, được bán dưới dạng lỏng pha loãng 20%.

  • Hóa chất BVTV rất độc cho con người, gây chết do co giật và suy hô hấp, điển hình là các hóa chất sau:

+ Phospho hữu cơ: hóa chất trừ sâu gây co giật và suy hô hấp.

+ Nereistoxin: hóa chất trừ sâu gây co giật và suy hô hấp, sốc.

+ Paraquat: hóa chất trừ cỏ gây xơ phổi, suy hô hấp.

+ Fluoroacetat: thuốc diệt chuột gây co giật, suy hô hấp.

2. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhân khi bị ngộ độc hóa chất BVTV gây co giật và suy hô hấp:

Tùy từng loại hóa chất, liều lượng hóa chất, và đường vào cơ thể và nhất là các biện pháp sơ cấp cứu, hồi sức, điều trị giải độc của điều dưỡng, bác sĩ mà người bệnh có thể được cứu sống hay tử vong bởi các triệu chứng sau:

  • Nôn, tiêu chảy, vã mồ hôi dẫn đến hạ đường máu và ngừng tim.
  • Co giật, nhất là co giật liên tục làm ngừng thở, sặc dịch dạ dày vào phổi, suy thận do tiêu cơ vân.
  • Thiếu oxy do liệt cơ hô hấp, suy hô hấp, phù phổi cấp hay xơ phổi (trong ngộ độc Paraquat).
  • Một số hóa chất có những dấu hiệu đặc trưng mà người điều dưỡng có thể nhận biết được ngoài những dấu hiệu nặng, chết người ở trên là:
  •  

+ Ngộ độc fluoroacetat: bệnh nhân bị co giật toàn thân từng đợt, bàn tay co cụm, ngón duỗi thẳng, gõ nhẹ vào má người bệnh gây giật cơ mạnh, phản xạ gân gối tăng mạnh, chất nôn màu hồng, nước tiểu sẫm màu hoặc đen.

+ Ngộ độc nereistoxin: bệnh nhân nôn và đau bụng từng cơn dữ dội, có thể nôn máu, tiêu chảy có máu, hạ huyết áp, sốc và suy đa tạng rất nhanh.

+ Ngộ độc paraquat: đau họng, loét họng, chất nôn màu xanh, viêm gan và xơ phổi nặng. Nhưng lại cấm dùng oxy cho bệnh nhân thở.

  • Nhất thiết phải giữ lại ngay các lọ, vỏ, gói hóa chất mà bệnh nhân đã uống, giữ lại chất nôn, hay thức ăn nước uống nghi ngờ có hóa chất, giữ nước tiểu, lấy máu để đưa tới nơi làm các xét nghiệm độc chất.
  •   Cách chăm sóc và theo dõi một bệnh nhân ngộ độc cấp hóa chất BVTV có co giật và suy hô hấp:
  • Tiến hành sơ cứu ngay lập tức (tại chỗ):

Để có thể ngăn ngừa ngộ độc nặng hơn và có thể cứu sồng bệnh nhân. Khi bệnh nhân co giật liên tục là bệnh nhân ngừng thở và thiếu oxy, ngừng thở lâu dẫn đến ngừng tim, nạn nhân có chết trong vòng 4 phút nếu không được cấp cứu ngay.

Các bước cần tiến hành khẩn trương là:

3.1.1. Kiểm tra xem bệnh nhân còn tỉnh táo hay không:

Qua cách gọi, hỏi và lay nhẹ hai vai, nếu bệnh nhân ngủ sẽ đánh thức được, nếu bệnh nhân mất ý thức (hôn mê, bất tỉnh) thì không.

3.1.2. Nếu bệnh nhân mất ý thức: lưỡi có thể bị chẹn vào họng và đường thở, vì thế phải để bệnh nhân nằm ngửa và nghiêng đầu về một bên.

3.1.3. Kiểm tra xem bệnh nhân còn thở được hay không:

Bằng cách nhìn bụng hay ngực có lên xuống hay không ? có cảm giác bệnh nhân phả hơi vào má hay làm mờ kính không ? Nếu không thấy bệnh nhân thở thì lau sạch miệng và họng bệnh nhân để lấy các dị vật trong miệng gây tắc nghẽn họng, lấy răng giả của bệnh nhân ra, quay đầu bệnh nhân thẳng, vít đầu ra sau và nâng cằm lên bằng các ngón tay kia của điều dưỡng nhằm làm thông thoáng đường thở và bắt đầu hô hấp nhân tạo miệng – miệng hay miệng – mũi, quan sát lồng ngực bệnh nhân phồng lên, môi hồng lên là tốt.

3.1.4. Kiểm tra xem tim bệnh nhân còn đập không:

Bằng cách sờ mạch cổ, mạch bẹn, hay áp tai vào ngực trái bệnh nhân nghe tim. Nếu tim ngừng đập, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực theo đúng quy cách kết hợp với thổi ngạt cho tới khi có người thứ 2 hoặc xe vận chuyển cấp cứu đến hỗ trợ, hoặc bệnh nhân thở lại và tim đập lại được.

3.1.5. Kiểm tra bệnh nhân bị co giật toàn thân không, nếu có:

– Đặt bệnh nhân nằm xuống nơi an toàn để bảo vệ bệnh nhân không thể chấn thương thêm, nằm nghiêng, đầu thấp để lưỡi và chất nôn có thể chảy ra ngoài khi co giật, đặt gối mềm giữ đầu để không bị va vào vật cứng.

– Không đưa bất cứ thứ gì vào miệng bệnh nhân, hoặc cố mở miệng ra.

– Cắt cơn giật bằng seduxen (nếu có thể): ống 5mg, tiêm 1/3 đến 1 ống tùy theo lứa tuổi, có thể tiêm nhắc lại nếu còn giật sau 5 – 10 phút.

– Sau cơn giật để bệnh nhân ở tư thế an toàn và tìm mọi cách vận chuyển(gọi 115) chuyển bệnh nhân đến bệnh viện ngay cho dù bệnh nhân đã tỉnh, thở lại, tim đập lại.

3.2. Nếu xe vận chuyển cấp cứu đến chậm:

Có thể chăm sóc bệnh nhân như sau: (hoặc trên xe vận chuyển có phương tiện)

  • Nếu bệnh nhân nuốt hóa chất: (dưới 3 giờ) tỉnh táo hoàn toàn, thở bình thường và không co giật

+ Không gây nôn vì bệnh nhân đã nôn nhiều.

+ Cho uống than hoạt với 200ml nước và cho uống nước từng ngụm liên tục (không cho uống sữa hay cà phê).

+ Tắm rửa và thay quần áo khác, nếu người bệnh nhân có dính hóa chất.

+ Rửa mắt ngay, kéo dài 15 phút nếu hóa chất bắn vào mắt.

  • Nếu bệnh nhân co giật: phải tiêm seduxen 5mg – 10mg, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch, có thể nhắc lại sau 30 phút hoặc phenobarbital 100mg tiêm bắp để cắt cơn co giật ngay để phòng suy hô hấp bằng bóp bóng thở oxy, hoặc có thể đặt ống nội khí quản thở máy khi vận chuyển.
  • Nếu có thuốc giải độc đặc hiệu như Atropin, PAM có thể dùng ngaytrong trường hợp biết chắc ngộ độc phospho hữu cơ nặng (xem bài ngộ độc phospho hữu cơ).

3.3. Tại khoa cấp cứu bệnh nhân:

– Có thể tắm, rửa, gội đầu nếu vẫn còn hóa chất trên người bệnh nhân.

– Khống chế cơn co giật bằng thuốc an thần (seduxen, phenobarbital, thiopental) theo chỉ định của bác sĩ.

– Hồi sức hô hấp: thở oxy mũi, qua mask, hay đặt ống nội khí quản, thở máy theo chỉ định của bác sĩ, chú ý hút đờm dãi và chăm sóc bệnh nhân thở máy đúng quy cách, theo dõi các dấu hiệu, triệu chứng bất thường để thông báo cho bác sĩ biết.

Cần nhớ rằng không cho thở oxy đối với bệnh nhân ngộ độc paraquat.

 

  1. Theo dõi bệnh nhân ngộ độc hóa chất BVTV có co giật và suy hô hấp:

– Theo dõi nhịp thở, mạch, huyết áp cứ 15 phút 1 lần, đo và ghi vào hồ sơ bệnh án.

– Theo dõi cơn giật của bệnh nhân có tăng, giảm, nhẹ đi không ? và ghi vào hồ sơ bệnh án, nếu tăng lên hay còn nhiều phải báo bác sĩ ngay và tiếp tục cho Diazepam (seduxen, valium) hay phenobarbital.

– Theo dõi độ bão hòa oxy máu mao mạch của bệnh nhân, nếu SpO2 ≥ 92%là tốt.

– Theo dõi nước tiểu bệnh nhân, nếu ít đi (< 1000ml/ngày)hay vô niệu (<300ml/ngày) hoặc nước tiểu sẫm màu, đỏ hoặc đen phải báo bác sĩ ngay, báo hiệu nguy cơ bệnh nhân có tiêu cơ vânvà suy thận, phải tăng truyền dịch, uống nước nhiều hơn.

4. Phòng tránh bệnh nhân ngộ độc hóa chất BVTV:

– Phải truyên truyền cho mọi người dân biết hóa chất BVTV có lợi ích gì và nguy hiểm như thế nào khi bị ngộ độc.

– Ngăn ngừa ngộ độc là biện pháp tốt nhất, an toàn và rẻ hơn rất nhiều là phải điều trị ngộ độc.

– Phần lớn các trường hợp ngộ độc có thể ngăn ngừa. Tất cả mọi người cần tạo môi trường an toàn trong gia đình, nơi làm việc và ngoài xã hội bằng nhiều cách.

Cụ thể:

+ Cất giữ hóa chất một cách an toàn: để trẻ em không nhìn thấy, xa nơi ở và nơi vui chơi của trẻ và xa nguồn nước.

Không để hóa chất vào hộp đựng thức ăn hay chai đựng nước uống vì mọi người có thể bị nhầm.

+ Sử dụng hóa chất an toàn: sử dụng đúng cách, đúng liều lượng, đọc nhãn và làm theo chỉ dẫn, có trang phục bảo vệ an toàn khi lao động.

+ Loại bỏ hóa chất và vỏ đựng một cách an toàn: tìm nơi đốt, chôn an toàn, không vứt bừa bãi, không dùng lại vỏ chai, lọ.

+ Cần có quy định và chế tài cho việc nhập sử dụng các hóa chất trừ sâu độc hại và dự phòng các thuốc giải độc đặc hiệu.

 

Back To Top