Cảnh báo nguy cơ dịch sởi quay trở lại

- 9 lượt xem - Tin tức

Mặt khác, triệu chứng của bệnh cũng có nhiều điểm không còn điển hình về ban sởi, thời gian sốt cũng như có cả những trường hợp trẻ mắc sởi dù đã tiêm phòng từ khi 9 tháng tuổi vì vậy gây khó khăn ít nhiều cho chẩn đoán ban đầu. Do sởi vẫn là 1 bệnh có nguy cơ gây tử vong cao cho trẻ và có tính lây lan thành dịch rất nhanh, việc nhận biết sớm trẻ mắc bệnh sởi là rất cần thiết.

Sởi hiện vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em trên toàn cầu mặc dù đã có một loại vaccine an toàn và hiệu quả. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, trên thế giới khoảng 158.000 người chết vì bệnh sởi vào năm 2011 – chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi. Hoạt động tiêm chủng đã có một tác động lớn đến việc giảm tử vong do bệnh sởi. Từ năm 2000, hơn 1 tỷ trẻ em ở các nước có nguy cơ cao được tiêm vaccine phòng bệnh thông qua các chiến dịch tiêm phòng hàng loạt, nhờ vậy tử vong do sởi trên toàn cầu đã giảm 71% từ năm 2000 đến 2011.

Ở Việt Nam, tính đến năm 2012, đã có 96% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng vaccine phòng sởi, chúng ta đang tiến tới loại trừ bệnh sởi. Năm 1984, cả nước 87.796 ca mắc đến năm 2012 chỉ còn 578 ca sởi lâm sàng.

Biến chứng nghiêm trọng, dễ gây sảy thai

Sởi dễ xảy ra khi nhiệt độ thay đổi đột ngột (từ nắng nóng sang lạnh hoặc ngược lại). Thể điển hình gồm giai đoạn ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và hồi phục.

Giai đoạn ủ bệnh: 10-14 ngày, sau phơi nhiễm với virus

Giai đoạn khởi phát: 2-4 ngày.

Dấu hiệu đầu tiên của trẻ thường là sốt cao (có thể kéo dài 4-7 ngày). Ngoài ra có thể có viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc. Đôi khi có viêm thanh quản cấp , đây là 1 triệu chứng rất thường thấy trong sởi, có thể thấy hạt Koplik là các hạt nhỏ 0,5-1 mm màu trắng có quầng ban đỏ ở trên niêm mạc miệng.

Cảnh báo nguy cơ dịch sởi quay trở lại
 

Giai đoạn toàn phát: Kéo dài 2-5 ngày.

Thường sau khi sốt cao 3-4 ngày bệnh nhân bắt đầu phát ban (Trung bình, phát ban xảy ra 14 ngày sau khi phơi nhiễm với virus ), xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân, ban hồng dát sẩn, khi căng da thì ban biến mất. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.

Giai đoạn hồi phục: Ban nhạt dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Có thể có ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban.

Sởi nặng có nhiều khả năng ở trẻ em được nuôi dưỡng kém, đặc biệt là những người không có đủ vitamin A, hoặc hệ thống miễn dịch của họ đã bị suy yếu bởi HIV/AIDS hoặc các bệnh khác .

Hầu hết các trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi là do biến chứng liên quan với căn bệnh này. Các biến chứng phổ biến hơn ở trẻ em dưới 5 tuổi, hoặc người lớn trên 20 tuổi. Các biến chứng nghiêm trọng nhất gồm mù mắt, viêm não, tiêu chảy nặng và mất nước liên quan, nhiễm trùng tai, hoặc nhiễm khuẩn nặng đường hô hấp như viêm phổi .

Vì vậy, khi trẻ có các dấu hiệu như trên (nhất là sốt phát ban dạng sởi), cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, phát hiện sớm các biến chứng có thể xảy ra.

Khoảng 10% các trường hợp bị sởi dẫn đến tử vong trong các quần thể với mức độ cao của suy dinh dưỡng và thiếu sự chăm sóc y tế đầy đủ. Phụ nữ bị nhiễm trong khi mang thai cũng có nguy cơ bị biến chứng nghiêm trọng và mang thai có thể kết thúc trong sẩy thai hoặc sinh non. Người phục hồi từ bệnh sởi có miễn dịch cho phần còn lại của cuộc đời họ.

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Trước đây bệnh sởi chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa đông xuân. Hiện nay bệnh có thể xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm nhắc lại. Đường lây truyền chủ yếu là đường hô hấp như: nước bọt , hắt hơi, sổ mũi hoặc do hít phải mầm bệnh từ môi trường bên ngoài của bệnh (do mầm bệnh có thể tồn tại ngoài môi trường hơn một giờ). Sởi là bệnh truyền nhiễm có tính lây truyền cao nhất và tính miễn dịch quần thể trong nhân dân cần phải đạt tới  94% mới có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng.

Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như tiêu chảy, viêm phổi, viêm giác mạc, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong.

Điều trị bệnh sởi, cách nào?

Không có thuốc điều trị kháng virus đặc hiệu hiện có cho virus sởi, mà chủ yếu là điều trị hỗ trợ bao gồm vệ sinh da, mắt, miệng họng. đảm bảo dinh dưỡng tốt, uống nước đầy đủ và điều trị mất nước với giải pháp bù nước đường uống theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có thể góp phần giảm các biến chứng. Giải pháp này thay thế các dịch và các yếu tố thiết yếu khác bị mất thông qua tiêu chảy hoặc nôn mửa. Thuốc kháng sinh nên được kê đơn để điều trị nhiễm trùng mắt, nhiễm trùng tai và viêm phổi.

Tất cả trẻ em ở các nước đang phát triển được chẩn đoán với bệnh sởi phải nhận được hai liều bổ sung vitamin A, cách nhau 24 giờ. Điều trị này nhằm khôi phục mức thấp vitamin A trong bệnh sởi xảy ra ngay cả ở trẻ em có dinh dưỡng tốt và có thể giúp ngăn ngừa tổn thương mắt và mù lòa. Bổ sung vitamin A đã được chứng minh là làm giảm số ca tử vong do bệnh sởi khoảng 50%.

Bệnh nhân sởi phải được cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị theo nguyên tắc cách ly đối với bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Thời gian cách ly trong suốt giai đoạn viêm long cho đến ít nhất 4 ngày sau khi bắt đầu phát ban.

Chủ động phòng bệnh bằng vaccine

Thực hiện tiêm chủng 2 mũi vaccine cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo quy định của Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Vaccine sởi là vaccine sống, giảm độc lực. Điều đó tức là trong vaccine có chứa virus sởi sống, đã được làm yếu đi. Khi tiêm vaccine, một lượng tương đối nhỏ virus được đưa vào cơ thể, sau đó nhân lên trong cơ thể và tăng lên tới mức đủ lớn để kích thích gây đáp ứng miễn dịch.

Các nghiên cứu cho thấy nếu chỉ tiêm một mũi vaccine sởi vào lúc trẻ 9 tháng tuổi thì chỉ có tối đa 85% số trẻ được bảo vệ. Như vậy còn khoảng 15% số trẻ hằng năm được tiêm một mũi hoặc chưa được tiêm vaccine sởi sẽ có nguy cơ mắc sởi. Sự tích lũy của nhóm đối tượng này sau nhiều năm sẽ tạo điều kiện cho dịch sởi bùng phát. Trước đây, tiêm vaccine sởi chỉ một mũi duy nhất từ lúc trẻ 9 tháng tuổi, cho nên những người đã tiêm cách đây 15 năm, 20 năm thì đã bị suy giảm đáng kể độmiễn dịch, góp phần đáng kể vào lỗ hổng miễn dịch với sởi trong cộng đồng. Vì thế khi mà số người thuộc lỗ hổng miễn dịch sởi tích lũy qua thời gian 4 – 5 năm sẽ dẫn đến xuất hiện dịch. Điều đó giải thích vì sao trong vụ dịch năm 2009 có nhiều người mắc ở lứa tuổi từ 18-26.

Chính vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến nghị nên đưa mũi 2 vaccine sởi vào trong tiêm chủng thường xuyên để tiến tới loại trừ sởi. Hướng tới chiến lược loại trừ sởi ở Việt Nam vào năm 2010, tại nước ta hiện nay, mũi 1 vaccine sởi được chỉ định tiêm cho trẻ từ 9 – 11 tháng tuổi. Tiêm mũi 2 cho trẻ 6 tuổi là độ tuổi vào lớp 1. Ngoài ra, vaccine sởi còn được tiêm trong các chiến dịch tiêm đồng loạt trong những năm trước đây và tiêm chống dịch tại vùng nguy cơ cao.

Vaccine sởi là một vaccine an toàn và có hiệu quả cao. Sau khi tiêm một mũi vaccine, miễn dịch chủ động sẽ được tạo ra cho trên 95% số người được tiêm nếu tiêm mũi 1 lúc trên 1 tháng tuổi, có thể có tác dụng bảo vệ kéo dài suốt đời. Tiêm thêm mũi vaccine sởi thứ 2 có tác dụng chủ yếu để bảo vệ những người tiêm lần một bị thất bại, nâng mức độ bảo vệ lên trên 99%. Hiện tại đã có loại vaccine phối hợp 3 bệnh: Sởi, Quai bị và Rubella (MMR hay Trimovax).

Phản ứng phụ sau tiêm vaccine sởi thường nhẹ. Chúng thường xảy ra từ 5-12 ngày sau khi tiêm vaccine và xảy ra ở những người nhạy cảm với nhiễm trùng. Khoảng 5%-15% số trẻ nhạy cảm đó bị mệt mỏi, sốt tới 39,5 độ C sau khi tiêm vaccine từ 7-12 ngày và các triệu chứng này kéo dài 1-2 ngày, nhưng không đáng ngại. Đôi khi xuất hiện phát ban, vào khoảng 5% số người được tiêm vaccine phối hợp sởi – quai bị – rubella. Viêm sổ mũi, ho nhẹ có thể gặp.

Trong vòng 6 ngày từ khi tiếp xúc nguồn lây, việc sử dụng globuline miễn dịch có thể phòng ngừa bệnh hoặc làm giảm mức độ nặng của sởi. Đây là phương thức phòng ngừa đắt tiền và cũng không phổ biến ở Việt Nam. Ngay cả tại các nước phát triển thì cũng chỉ một số đối tượng được khuyến cáo sử dụng phương pháp này. Đó là phụ nữ có thai chưa được miễn dịch với sởi, trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi sinh ra từ mẹ không có miễn dịch chống sởi… Do vậy biện pháp đơn giản và hữu hiệu nhất vẫn là tiêm chủng ngừa bệnh theo chương trình quốc gia.

Khi nào không nên tiêm vaccine sởi?

Vì vaccine sởi là loại vaccine sống giảm độc lực nên có 1 số chống chỉ định, hoãn tiêm vaccine sởi trong những trường hợp sau:

– Không tiêm vaccine sởi cho những trẻ đang bị dị ứng hoặc có tiền sử bị dị ứng với vaccine sởi hoặc có tiền sử dị ứng với neomycin, kanamycin, erythromycine, gelatin, trứng.

– Không tiêm vaccine sởi cho những trẻ đang được điều trị bằng các globumin miễn dịch (Ig) trong vòng 3 tháng trước khi tiêm.

– Không tiêm vaccine sởi cho những trẻ đang bị các bệnh thiếu hụt miễn dịch như ung thư bạch cầu, u lympho, những biểu hiện ác tính nói chung, AIDS hoặc đang được điều trị bằng corticoid, thuốc phiện, phóng xạ.

– Không tiêm vaccine sởi cho trẻ nếu thấy trẻ đang bi sốt hay bị bệnh nhiễm khuẩn đang tiến triển.

BS. Đại Nhân

Back To Top