Mới đây, dư luận xôn xao thông tin một bác sĩ tìm đến cái chết vì áp lực của công việc và cuộc sống, nguyên nhân được cho là tự tử bằng thuốc tiêm tĩnh mạch. Có phải cuộc sống của bác sĩ quá căng thẳng? Làm sao để họ có thể vượt qua những khó khăn của đời thường, của sức ép của dư luận… để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân?
Nhân tiện trên Medscape có một bài về tình hình lạm dụng thuốc của bác sĩ nội trú gây mê, đây cũng là lời cảnh báo cho các bác sĩ chuyên ngành khác. Tôi xin được tóm tắt lại để quý vị cùng đọc và suy ngẫm.
Theo kết quả một nghiên cứu hồi cứu thuần tập trên 44.000 bác sĩ nội trú gây mê được đào tạo trong khoảng thời gian từ 1975 đến 2009: có 384 (0,86%) bác sĩ khẳng định bị các rối loạn do sử dụngchất gây nghiện (substance use disorder) trong thời gian học nội trú. Trong số này, có 43% trường hợp sử dụng lại ít nhất lần sau khi được phát hiện và điều trị. Đặc biệt, có tới 28 bác sĩ gây mê tham gia nghiên cứu đã chết trong quá trình đào tạo, tất cả các trường hợp tử vong này đều liên quan trực tiếp đến tình trạng rối loạn do dùng chất gây nghiện.
GS. David O. Warner, chuyên ngành gây mê ở bệnh viện Mayo Clinic Rochester, bang Minnesota cho biết: “Với khoảng 6.000 bác sĩ gây mê được đào tạo mỗi năm, có khoảng 20 người trong số đó bị mắc vấn đề này, trong đó có 1 đến 2 bác sĩ nội trú gây mê bị chết. Con số này ngày càng gia tăng theo các giai đoạn đào tạo”.
Về các chất được lạm dụng, chất gây nghiện (opioid) tĩnh mạch được sử dụng là chính, ngoài ra có cần sa, rượu, các thuốc gây nghiện có kê đơn cũng được lưu ý. Câu hỏi được các tác giả đặt ra là: Lí do gì mà bác sĩ nội trú gây mê nghiện chất? Có phải chăng là vì đau, hoặc vì thời gian học nội trú quá căng thẳng với áp lực công việc, học hành, môi trường làm việc? Nghiện là bệnh cảnh được đặc trưng bởi chối bệnh và lảng tránh, nên việc nhận được câu trả lời trung thực đâu là lí do để họ dùngchất là khó. Tất nhiên một số họ dùng chất để giảm đau, nhưng vì căng thẳng có lẽ dễ giải thích hơn.
Theo TS.Thomas McLellan, Giám đốc viện nghiên cứu điều trị Philadelphia, Pennsylvania: “… Tỷ lệ nhỏ bác sĩ nội trú gây mê dùng chất cũng không làm tôi ngạc nhiên vì nghiên cứu chỉ tập trung vào đối tượng là nội trú, trong khi đó các bác sĩ đã tốt nghiệp và y tá gây mê mới là nhóm nguy cơ cao hơn vì họ tiếp cận dễ dàng hơn với chất gây nghiện”.
Theo GS. Warner, đây là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các chuyên ngành khác, vì chưa có dữ liệu nghiên cứu về vấn đề này ở các khu vực chuyên môn khác. Đặc biệt bác sĩ gia đình cũng là đối tượng đông đảo và không phải là ngoại lệ.
TS. McLellan chia sẻ thêm: “… Nghiện chất không phải là sự suy thoái về đạo đức, đây là một bệnh mạn tính có thể đáp ứng với điều trị. Giải pháp của chúng ta là phải cảnh giác, phát hiện sớm để can thiệp, điều trị kịp thời và tiếp tục giám sát và quản lý để tránh tái sử dụng”.
BS. Hoàng Bùi Hải