Cần tiến tới chuẩn hóa quy trình khám chữa bệnh

- 43 lượt xem - Tin tức

Tại BV Cấp cứu Trưng Vương, mặc dù đã đưa ra nhiều mô hình hoạt động để bệnh nhân có thể chọn lựa (khám điều trị theo theo yêu cầu, chọn bác sĩ (BS), bệnh nhân BHYT có thể tham gia khám điều trị theo yêu cầu, chọn BS điều trị, đặt lịch khám, lấy số thứ tự trước qua tổng đài 1080 hoặc số điện thoại BV), đồng thời cũng là BV đầu tiên trong cả nước tổ chức nghiên cứu về quy trình và áp dụng các quy trình KCB cải tiến nhưng thời gian chờ để được khám bệnh vẫn khá lâu. Theo báo cáo của BV, thời gian chờ lấy số thứ tự trung bình của một người bệnh đến khám tại BV mất từ 50 – 75 phút; thời gian xét nghiệm mất từ 80 – 95 phút và thời gian di chuyển giữa các khoa phòng mất 55 phút. Song, thời gian BS thăm khám cho bệnh nhân chỉ được từ 9 – 13 phút! Để khắc phục tình trạng này, BS. Lê Thanh Chiến, Giám đốc BV Cấp cứu Trưng Vương cho biết, BV đang nghiên cứu tiến tới áp dụng quy trình “rút gọn” với việc ứng dụng mã điện tử cho bệnh nhân, song song với đó là quản lý bệnh nhân bằng bệnh án điện tử và áp dụng toa thuốc điện tử giúp kết nối từ phòng khám đến quầy phát thuốc… Quy trình này nếu thành công sẽ giúp giảm thời gian bệnh nhân chờ lấy số thứ tự khi đến khám (chỉ mất 5 – 15 phút); thời gian xét nghiệm rút ngắn chỉ còn 20 – 60 phút và thời gian di chuyển chỉ còn 30 phút. Việc tiết kiệm được thời gian lãng phí sẽ tăng thêm thời gian khám cho người bệnh từ 9 – 13 phút lên 10 – 15 phút.

Tại BV Ung bướu TP.HCM, báo cáo với Bộ trưởng, BS. Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV cho biết, trong năm 2012, BV đã khám và điều trị cho hơn 372.333 bệnh nhân, trong đó số bệnh nhân cũ trên 103 nghìn, bệnh nhân mới trên 268 nghìn. Theo thống kê, có đến 70 – 80% bệnh nhân đến từ các tỉnh, còn lại là ở TP.HCM. Lượng bệnh nhân gia tăng 5 – 7% mỗi năm đang là gánh nặng rất lớn cho BV nếu các biện pháp giảm tải không dược đưa vào triển khai sớm. Theo BS. Minh, trong thời gian qua, BV đã nỗ lực thực hiện các giải pháp giảm tải bằng khám thông tầm, tăng số bệnh nhân ngoại trú, giảm nội trú; triển khai khám theo lịch hẹn qua tổng đài 1080 và chăm sóc giảm nhẹ tại nhà… Tuy nhiên, do lượng bệnh nhân quá đông nên từ lúc lấy số cho đến lúc được khám phải trải qua thời gian chờ đợi rất lâu. BS. Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc BV Ung bướu cho biết, riêng thời gian chờ làm thủ tục cũng mất trung bình 40 – 60 phút, tổng thời gian từ lúc lấy số thứ tự đến lúc khám xong mất 2 giờ. Trong khi đó, thời gian gặp bác sĩ khám chỉ được chưa đầy 5 phút. BS. Dũng thừa nhận, điều này sẽ khó khắc phục nếu diện tích Khoa Khám bệnh vẫn quá chật hẹp như hiện nay. Cả hai khu A và B chỉ có khoảng trên 20 phòng khám, rất khó kê thêm bàn, mở thêm phòng để “giải áp” bệnh nhân. Cũng theo BS. Dũng, BV có 1.000 giường, nhưng chỉ có khoảng 200 BS nên việc quá tải bệnh nhân là khó tránh khỏi.

Đánh giá cao mô hình đề xuất của BV Cấp cứu Trưng Vương và nỗ lực của các đơn vị, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thẳng thắn cho biết, việc bệnh nhân phải chờ lâu và BV quá tải một phần là do thủ tục khám bệnh còn rườm rà, nhiều khâu chưa hợp lý và các đơn vị chậm cải tiến quy trình KCB. Sắp tới, khi đề án giảm quá tải BV được triển khai, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng Quy trình chuẩn KCB để các BV áp dụng. “Tất nhiên, mỗi BV sẽ có đặc thù riêng, nhưng Quy trình chuẩn KCB sẽ là mô hình chung để các BV áp dụng. Trong quy trình KCB này sẽ ứng dụng rộng rãi và hiệu quả công nghệ thông tin, phần mềm quản lý BV, áp dụng toa thuốc điện tử, bệnh án điện tử và giảm tối đa chữ ký… trong các khâu KCB” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, muốn giảm thời gian khám hơn nữa thì các BV cần sắp xếp lại các khoa, phòng; mở rộng diện tích khám bệnh, kê thêm bàn khám, rút ngắn thời gian chờ xét nghiệm (sắp xếp khu xét nghiệm chung với khu khám – PV), giảm các bước thu phí trong quá trình khám và có bảng thông tin, cán bộ hướng dẫn bệnh nhân… Đây là những việc làm cụ thể nhưng hiệu quả trong khi chờ các giải pháp tổng thể, dài hơi hơn.

Theo SKĐS

Back To Top