Cần tăng cường và nâng cao chất lượng xét nghiệm

- 5 lượt xem - Tin tức
 Lấy mẫu máu để xét nghiệm tại BV Nội tiết TW. Ảnh Trần Minh

Lấy mẫu máu để xét nghiệm tại BV Nội tiết TW. Ảnh Trần Minh

Theo ThS Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế, cho biết cả nước hiện có 38 bệnh viện tuyến Trung ương (trung bình có 3 khoa xét nghiệm/bệnh viện); 409 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa (trung bình có 3 khoa xét nghiệm/bệnh viện); 645 bệnh viện tuyến huyện (trung bình có 1 khoa xét nghiệm/bệnh viện) và trên 150 bệnh viện tư (mỗi bệnh viện có ít nhất 1 khoa xét nghiệm). Ngoài ra, cả nước hiện có ba trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệm (hai trung tâm thuộc hai trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh; 1 trung tâm thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh) phụ trách 3 khu vực bao gồm các tỉnh, thành phố tạo thành mạng lưới kiểm chuẩn xét nghiệm troàn quốc…Theo PGS.TS Hoàng Văn Sơn, Hội hành nghề y tư nhân Việt Nam cho biết hệ thống y học xét nghiệm lâm sàng ở Việt Nam hiện có đội ngũ cán bộ đông đảo, trang thiết bị kỹ thuật phát triển; có nhiều kỹ thuật và công nghệ hiện đại (kỹ thuật phân tử, tin-sinh học, công nghệ nano…). Các bệnh viện Trung ương và đa số bệnh viện tỉnh, thành phố đều có 4 khoa xét nghiệm (gồm hóa sinh, huyết học và truyền máu, vi sinh và ký sinh vật, giải phẫu bệnh lý); một số bệnh viện tuyến tỉnh, hầu hết bệnh viện huyện và tất cả các bệnh viện ngoài công lập đều có một khoa xét nghiệm y học hoặc khoa hóa nghiệm. Các khoa xét nghiệm thường do các bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa phụ trách.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng hệ thống xét nghiệm lâm sàng ở nước ta còn nhiều bất cập, điển hình như người phụ trách phòng xét nghiệm y học chung ở tuyến tỉnh, huyện và các cơ sở tư nhân còn yếu về năng lực và trình độ; nhiều người chưa có chứng chỉ; quy trình kiểm tra phòng xét nghiệm còn nặng về hành chính, thủ tục, nhẹ về kỹ thuật và chưa thường xuyên… Đặc biệt trong công tác phục vụ bệnh nhân, hoạt động này còn tốn nhiều thời gian, nhiều bất tiện khi làm xét nghiệm; xét nghiệm nơi này không được nơi khác chấp nhận; lạm dụng xét nghiệm; chất lượng xét nghiệm của một số phòng xét nghiệm, nhất là ở tuyến tỉnh, huyện chưa được tin tưởng.

Do đó, các đại biểu đề xuất thời gian tới, ngành y tế cần thực hiện "xét nghiệm một cửa" tổ chức đào tạo bác sĩ xét nghiệm để quản lý các phòng xét nghiệm y học song song với việc đào tạo bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa hóa sinh, huyết học và truyền máu, vi sinh, tế bào học; không sử dụng kỹ thuật viên không có bằng cấp đồng thời, đưa ra lộ trình tiến tới bắt buộc tất cả các phòng xét nghiệm y học phải thực hiện bảo đảm chất lượng và kiểm tra chất lượng, nội kiểm và ngoại kiểm; có lộ trình tiến tới công nhận kết quả của "phòng xét nghiệm đã được kiểm chuẩn."

Thái Bình

Back To Top