Ca phẫu thuật giật lại sự sống cho sản phụ đã ngưng thở

- 9 lượt xem - Tin tức

Ban giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai vừa công bố một ca cứu chữa thành công mẹ con sản phụ bị thuyên tắc ối sản phụ Đỗ Thị Diệu Huyền (33 tuổi, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa). Sau 2 tuần theo dõi và điều trị, bệnh nhân Huyền đang hồi phục tốt sau tai biến nguy hiểm. Riêng cháu bé đã khỏe mạnh và được xuất viện về với gia đình.

Nói về ca cứu sống mẹ con sản phụ bị thuyên tắc ối đầu tiên tại bệnh viện, bác sĩ Hà Văn Dần, Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, cho biết khoảng 19h30 ngày 16/11, sản phụ Đỗ Thị Diệu Huyền mang thai 40 tuần tuổi có dấu hiệu sinh nên được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Tại đây, qua thăm khám các bác sĩ nhận thấy sức khỏe sản phụ này hoàn toàn bình thường, tiên lượng đẻ thường. Tuy nhiên, 3 giờ sau bỗng dưng sản phụ cảm thấy khó thở, tím tái, co giật, mạch khó bắt, huyết áp thì không thể đo được. Sản phụ Huyền được nhanh chóng chuyển sang phòng mổ.

Sau khi nhận được thông tin, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ – Giám đốc bệnh viện đã chỉ đạo khoảng 30 các bác sĩ, y tá của các các Khoa sản, khoa Gây mê hồi sức, khoa Hồi sức tích cực chống độc để tập trung cứu mẹ con sản phụ. “Lúc này bệnh nhân hết sức nguy kịch như toàn thân tím tái, ngưng tim, ngưng thở. Vừa phải hồi sức tích cực, các bác sĩ vừa phải mổ khẩn cấp để cứu sống thai nhi”, bác sĩ Dần kể lại.

Trong quá trình phẫu thuật, 2 lần bệnh nhân tiếp tục ngưng tim, ngưng thở, phải được hồi sức tích cực. Sau phẫu thuật, sản phụ bị rối loạn đông máu nặng và rơi vào hôn mê, phải thở máy. Các bác sĩ phải tiến hành cắt tử cung để loại bỏ diện chảy máu và chú ý đến chống phù não.

Trong quá trình cấp cứu cho sản phụ, tất cả y bác sĩ đều chịu một áp lực hết sức khó khăn. Các bác sĩ khoa Sản, Hồi sức và Phẫu thuật viên liên tục hội chẩn để cầm máu cho sản phụ, tránh rối loạn đông máu. Công việc này phải phối hợp nhịp nhàng, bởi nếu phẫu thuật viên không cầm máu tốt thì bác sĩ hồi sức không thể hồi sức được, còn nếu bác sĩ hồi sức không tốt thì phẫu thuật viên cũng không thể cầm máu được…

"Như từ cõi chết trở về"

Theo bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, thời gian mổ cấp cứu đã kéo dài đến gần 3 tiếng đồng hồ nhưng quá trình hồi sức và theo dõi sản phụ các bác sĩ đã phải thực nhiều giờ và nhiều ngày sau đó. Mặc dù sản phụ đã bị rối loạn đông máu nhưng nhờ có chẩn đoán, xử trí đúng và kịp thời, sản phụ đã được cứu sống.

Ca phẫu thuật giật lại sự sống cho sản phụ đã ngưng thở 2

Bà Ly mừng rỡ khi con gái mình như được kéo từ cõi chết trở về.

Sau hơn 2 tuần, đến nay sản phụ đã không còn phải thở máy, qua được tình trạng rối loạn đông máu, huyết áp đã trở lại bình thường; đặc biệt tri giác đã có dấu hiệu phục hồi tốt. Hiện sản phụ đang được tập vật lý trị liệu, để đẩy nhanh quá trình phục hồi não. Cháu bé sau khi được chăm sóc tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) sức khỏe ổn định và đã xuất viện.

Bác sĩ Hà Văn Dần khẳng định, thuyên tắc ối là tai biến sản khoa bất ngờ, nguy hiểm, không thể phòng tránh và hiếm gặp. Những trường hợp bị thuyên tắc ối, tỷ lệ tử vong rất cao, chiếm 80-90%. Đối với thai nhi, tỷ lệ tử vong do mẹ bị thuyên tắc ối cũng rất cao và chỉ có khoảng 5 phút để được cứu sống trước khi bị thiếu ô-xy từ nhau thai.

“Đây là ca thuyên tắc ối đầu tiên được ghi nhận tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và đã cứu sống được cả mẹ lẫn con. Ban Giám đốc cũng như các y bác sĩ của bệnh viện hết sức vui mừng…”, bác sĩ Dần nói.

Ngồi chăm sóc con gái bên giường bệnh, bà Lê Thị Ly (67 tuổi, mẹ sản phụ Huyền) cho biết với vẻ mừng rỡ: “Lúc phẫu thuật các bác sĩ cũng đã thông báo cho gia đình biết về tình trạng sức khỏe của Huyền rất nguy kịch. Lúc đó thâm tâm tôi nghĩ rằng cứu được đứa trẻ là tốt rồi. Nhưng bằng lương tâm và trách nhiệm các bác sĩ đã cứu được cả người mẹ. Tôi vô cùng biết ơn các bác sĩ đã đưa con tôi từ cõi chết trở về. Gia đình tôi thật là may mắn và hạnh phúc”.

 

 Theo Tri Thức

Back To Top