Bức thư cuối năm của một vị bác sĩ giàu tâm huyết

- 56 lượt xem - Tin tức

Các chị yêu quý!

Em viết thư này cho các chị khi những tờ lịch cuối cùng của năm cũ đang vơi dần. Mùa đông đang lặng lẽ rời xa, kéo lê qua thành phố những trận gió mùa đầy rét mướt. Tháng 12, tháng của hoa đào, mai vàng, hải đường và quất. Tháng của Nguyên Đán với cây nêu, rượu nếp, bánh chưng xanh. Không khí vui tươi rạo rực sức xuân, vậy mà em, các chị và bao nhiêu nhân viên y tế khác vẫn ngổn ngang những tâm trạng về cuộc sống, về công việc, về sự phát triển của ngành.

 

 1

Bức ảnh này được chụp năm 1987, sau 23 giờ của một phẫu thuật ghép tim, Bác sĩ Zbigniew Religa đang quan sát monitoring để đảm bảo bệnh nhân an toàn. Chú ý là phụ tá của ông đang ngủ. Bức ảnh này được tạp chí National Geographics xem là đẹp nhất. (hình ảnh tư liệu minh họa thêm cho bài viết).

 

Tại sao nhân viên y tế chúng mình lại vất vả thế? Thay vì trả lời câu hỏi này, em muốn được trải lòng với các chị, bởi em biết dù các chị đã bỏ bệnh viện công nhưng trong lòng vẫn còn nặng trĩu những suy tư về nơi mình đã từng gắn bó bao năm.

Thưa các chị!

Lịch sử nền y học hiện đại nước nhà từ lúc hình thành cho tới nay đã ngót nghét một thế kỉ. Cũng chừng ấy thời gian, chế độ đãi ngộ của xã hội dành cho ngành y đã trải qua những giai đoạn thăng trầm, có phen rực rỡ và có lúc lao đao.

Những năm 60 của thế kỉ trước, quê em có một ông y tá già tên là Thuấn, nhà giàu có và sang trọng nhất vùng. Số tiền ông Thuấn tích cóp được từ thời đi làm đủ nuôi cả gia đình sống sung túc suốt bao nhiêu năm sau đó.

 

 2

Bí thư Thành ủy Hà Nội -ông Phạm Quang Nghị thăm ca ghép thận đầu tiên thành công tại BV Xanh Pôn, ngày 6/1.

 

Quê em còn có một ông y tá nữa tên là Đáng, làm ở bệnh viện tỉnh từ những những năm 1970 – 1980. Nhà ông Đáng thuộc diện nghèo đói, có vợ và 4 con đầu tắt mặt tối làm ruộng. Ấn tượng nhất về ông Đáng là mỗi khi tết đến ông được lĩnh tiêu chuẩn cân đường hộp sữa, về ông chia một nửa cho mẹ già, nửa còn lại pha nước mời cả xóm uống trong 3 hôm tết.

Sau này lớn lên, ra học Đại học Y Hà Nội em mới được biết: đa số nhân viên y tế trước những năm 1960 đều như ông Thuấn; ngược lại, câu chuyện của ông Đáng là thời bao cấp.

Hơn 15 năm đầu của thời kì đổi mới, nhân viên y tế không cam chịu cái cảnh khó khăn của ông Đáng nữa. Ban ngày họ vẫn nghiêm trang đến bệnh viện, nhưng tối về hay ngày nghỉ thì họ tỏa đi làm đủ các việc. Người làm giò chả, người ép mũ cối giả, người gia công đủ thứ hàng mã, người buôn đồng hồ Poljot của Nga, người buôn xe đạp SK của Tiệp, người mua đi bán lại xe cúp 81 “kim vàng giọt lệ”, thậm chí có người chấp nhận cả buôn thúng bán mẹt đủ thứ.

Phong trào nhân viên y tế nhận quà bắt đầu phát triển từ những năm 90 của thế kỉ trước, lúc đầu bệnh nhân rất hiếm khi biếu tiền, chủ yếu họ biếu thuốc ba số cho bác sĩ nam, biếu khăn mặt cho bác sĩ nữ. Một bao thuốc được quay vòng không biết bao nhiêu lần, bác sĩ nhận rồi mang ra cổng bán lại, người bệnh mua tiếp rồi mang vào biếu bác sĩ. Người ở quê thì mang ra biếu cặp gà sống thiến, biếu chục trứng, biếu vài cân gạo nếp hay ít đậu xanh.

Phong bì chỉ thật sự xuất hiện khoảng 15 năm trở lại đây, đỉnh điểm là đầu năm nay dư luận bức xúc đến nỗi ngành y tế phải phát động phong trào nói không với phong bì.

 3
 

 

Đến đây chắc các chị sẽ đặt câu hỏi: vậy Nhà nước đã có quyết sách gì để cải thiện và nâng cao đời sống của nhân viên y tế? Có đấy các chị ạ! Đó là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có tên là “xã hội hóa ngành Y tế”.

Song như các chị đã thấy, 12 năm qua ngành y chúng ta dường như vẫn như đang lạc bước, “xã hội hóa ngành Y tế” không hẳn mang lại cuộc sống ổn định cho nhân viên y tế, nó chỉ giải quyết cho đứa trẻ đang bị suy kiệt thoát khỏi chết đói, nhưng ngay sau đấy chúng ta phải đứng giữa ngã ba đường để hứng chịu những cơn phong ba đầy cát bụi.

Em xin không bàn sâu về “xã hội hóa ngành Y tế”, chỉ xin đưa ra nhận xét gắn gọn rằng: xã hội hóa chỉ thúc đẩy sự phát triển cục bộ mà không có sự phát triển đồng đều, chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho nhóm nhỏ mà không cải thiện đời sống cho số đông nhân viên…

Nền y tế công lập đặt mục tiêu khám chữa bệnh lên hàng đầu, hiệu quả kinh tế là tất yếu đi kèm theo sau. Ngược lại, xã hội hóa là huy động nguồn lực trong xã hội đầu tư vào y tế, mà đã đầu tư thì phải đưa mục tiêu kinh doanh lên trên. Đây chính là mâu thuẫn làm nảy sinh bất hợp lí, dẫn đến không ít những tiêu cực, những câu chuyện dở khóc dở cười trong ngành y mà các chị đã được chứng kiến nó diễn ra dồn dập trong suốt mấy năm qua.

Thời gian đầu thực hiện xã hội hóa, người lao động từ chỗ chỉ nhận được tiền lương cơ bản, thì nay đã có một ít tiền phần trăm đút túi. Từ chỗ đang húp bát cháo loãng chuyển sang có bát cơm để ăn, chị em phấn khởi bảo nhau kiên quyết dẹp bỏ nạn phong bì, không gây phiền hà sách nhiễu với bệnh nhân, phục vụ bệnh nhân tận tụy hết mình, đó chính là thành công đáng ghi nhận nhất ở những nơi có xã hội hóa.

Nhưng ở các khoa phòng không có xã hội hóa, ở những cơ sở y tế tuyến dưới không ai thèm đầu tư, thì nhân viên y tế ở đó vẫn cứ khó khăn, vẫn phải bươn chải, mà số này chiếm đa phần. Các chị thấy đấy, ở tuyến trung ương bệnh nhân quá tải là vậy, nhưng về tuyến tỉnh đã vắng vẻ hiu hắt, về tuyến huyện càng không thể không cám cảnh với với hình ảnh người bác sĩ ngồi xơi nước xua ruồi …

Bác sĩ ở quê lấy đâu ra phong bì hả các chị? Hiếm lắm, năm thì mười thoảng mới được bệnh nhân dúi cho vài chục ngàn. Em đã chứng kiến có những bác sĩ tuyến huyện phải kiêm luôn chữa bệnh cho gia súc gia cầm, cả liều thuốc tiêu độc chữa cho đàn vịt chỉ đổi được một hai ca gạo, đã thế người nông dân lại chịu nợ đến mùa mới trả.

Một số bác sĩ xã kể với em rằng, thỉnh thoảng họ đi đỡ đẻ cho bò, họ đi tiêm cho lợn thì được gia chủ trả cho vài chục nghìn tiền thù lao. Nhưng nếu họ đỡ đẻ hay tiêm cho người ở trạm xá thì ngay cả lời cảm ơn cũng không có vì đó là trách nhiệm…

Như em từng nói, “Xã hội hóa Y tế” đã thực sự thổi luồng sinh khí mới vào ngành y, nhưng đó chỉ là khúc dạo đầu. Từ chỗ vừa đi bộ vừa mơ ước có cái xe đạp, tự dưng lên thẳng chiếc xe máy bãi thì đương nhiên là ai cũng phấn khởi. Song nhìn kĩ lại thì xã hội người ta đang ngồi trên chiếc ô tô, trong khi mình đang ngồi trên chiếc xe máy cà tàng với đủ nỗi hiểm nguy rình rập, hỏi sao chị em mình không bị khủng hoảng.

Có đồng nghiệp than với em rằng: ở xã hội nào nghề y cũng sống được, chưa bao giờ bác sĩ bị chết đói nhưng họ có thể bị bỏ đói suốt đời cho đến tận lúc chết.

Em lại nhận thấy bác sĩ có khả năng xoay trở khá tốt, họ không chịu ngồi trong bốn bức tường bệnh viện để ôm lấy cái nghèo, họ tìm mọi cách xoay trở để làm ra đồng tiền, cách sinh nhai của họ nhiều khi chẳng có gì vẻ vang nhưng do hoàn cảnh đẩy đưa họ vẫn phải nhắm mắt để làm.

 4
 

 

Mấy năm nay, anh em trong khoa động viên nhau đi làm thêm ngoài giờ, cách làm này được coi là quang minh chính đại, được nhiều người cổ xúy. Và thế là, cứ mỗi chiều Thứ 6 hàng tuần cả khoa lại xôn xao bàn tính đổi trực để sang tuần có ngày nghỉ bù trùng với ngày đi làm thêm ngoài phòng khám. Một ngày trực làm việc cấp cứu 24 giờ liên tục, thức trắng đêm, nhiều khi không kịp ăn uống, vậy mà ngày hôm sau vẫn không dám ngủ bù, buồn ngủ quá thì uống cốc trà đặc cho tỉnh táo.

Rồi các buổi chiều sau giờ làm việc, các ngày Thứ 7 và Chủ nhật, các ngày lễ tết cũng vậy, bác sĩ phải tranh thủ liên hệ các phòng khám đặt chỗ trước. Sáng đi làm lúc con chưa thức, đêm về nhà thì con đã ngủ say, cả ngày con không nhìn thấy mặt cha, chồng không nhìn rõ mặt vợ.

Có bác sĩ gửi con đến cô giáo học thêm ngoài giờ cả tuần, mục đích không phải để con có thêm kiến thức mà để rảnh thời gian yên tâm đi làm ngoài giờ.

Năm 2013 này có trào lưu hàng loạt người bỏ bệnh viện công ra làm tư nhân, viện mình bỏ đi nhiều lắm, riêng ở khoa có 9 bác thì 1 bác sĩ về hưu và 3 bác rủ nhau bỏ đi cùng lúc. Trong số 4 bác sĩ rời khoa, em chỉ thấy bác về hưu là vui nhất, cầm quyết định trên tay mà bác cười tươi hơn các chị. Ngày các chị bước chân ra khỏi bệnh viện, ai cũng buồn, các chị cũng buồn, chỉ biết động viên nhau rằng đó là sự năng động cần thiết trong hoàn cảnh khó khăn này.

Chị em mình như thế vẫn còn may, có phòng khám tư để mà làm thêm, có thể bỏ đi khỏi bệnh viện nhà nước vẫn kiếm được việc làm. Nhưng ở tuyến tỉnh và tuyến huyện thì người người ta lấy đâu ra nhiều phòng khám tư để chứa từng ấy bác sĩ, bước ra khỏi bệnh viện là chẳng biết đi về đâu nên đành phải quay lại.

Chị gái em có con gái lớn rất thích ngành y của bố, cháu thi đỗ cả Đại học Y Hà Nội lẫn Học viện Tài chính. Bố cháu cấm tiệt không cho làm bác sĩ, ốp con xuống tận Học viện Tài chính làm hết các thủ tục, đóng tiền học hẳn hoi để con không có đường thoát. Cháu phải trốn chui trốn lủi sang trường y nhập học, còn tính chuyện vay tiền của cậu để lo tự trang trải cuộc sống sinh viên lúc ban đầu. Ngay trong bệnh viện mình, đến đâu cũng gặp bác sĩ nói là nhất quyết không cho con theo nghề y. Một nghề vinh quang mà tại sao người ta lại sợ thế hả các chị?

Các chị yêu quý!

Hôm qua là ngày 28 tháng Chạp, buổi làm việc cuối năm mà em vẫn thấy bệnh nhân đông chẳng khác gì ngày thường, bệnh viện chỗ nào cũng tắc, đường trong bệnh viện còn tắc hơn đường ngoài phố. Với số lượng bệnh nhân đông như thế, giá cả khám chữa bệnh cũng không rẻ hơn khu vực tư nhân là mấy, vậy tại sao tư nhân họ đảm bảo đời sống cho nhân viên trong khi bệnh viện công lại quá khó khăn?

Chỉ còn 2 ngày nữa là bước sang năm mới, em hi vọng trong năm Giáp Ngọ này các nhà hoạch định chính sách và quản lí y tế sẽ hóa giải thành công những điều chị em mình băn khoăn trăn trở. Xin được chúc các chị và gia đình đón xuân đầm ấm, hạnh phúc!

Bác sĩ Trần Văn Phúc

Bệnh viện Xanh Pôn, chiều 28 Tết Giáp Ngọ

Back To Top