Bóng ma trầm cảm

- 211 lượt xem - Chưa phân loại

Một bệnh nhân tự bắn vào đầu mình ở bệnh viện tuần trước. Anh ta bị trầm cảm.

Chuyện xảy ra ở bệnh viện Trưng Vương, TP HCM. Ngay trước đó, anh đã tự tử bằng thuốc an thần, nhưng gia đình xin xuất viện, cho tới lần nhập viện sau đó bi kịch xảy ra.

Tháng trước, cả xóm nuôi tôm của tôi bàng hoàng hay tin anh Tám, gần 40 tuổi, đã thắt cổ tự tử. Bà Hai bán cà phê đầu xóm khăng khăng: "sáng đó thằng Tám vẫn ra ngồi uống cà phê. Tao thấy bộ nó ngồi hút thuốc trầm tư lắm, tao hỏi sao mày buồn quá vậy Tám, nó chỉ cười cười mà không trả lời. Nhưng nụ cười của nó cứ héo queo".

Ba tôi không khỏi ngỡ ngàng vì người bạn hàng xóm lại ra đi đột ngột đến thế. Tôi hỏi, vậy ba có biết tại sao chú Tám tự tử không? Ba bảo chú Tám làm ăn thất bát, cũng hay than buồn. Mọi người cũng khuyên chú Tám, giúp đỡ chú, nhưng không ngờ. "Gia đình chú Tám đau tím ruột bầm gan, nghe em trai chú Tám bảo là chú ấy bị trầm cảm mà đâu ai biết trầm cảm là làm sao", ba tôi bảo, "thấy chú vẫn đi đứng, ăn nói bình thường". Tôi hỏi chú có đi bác sĩ và uống thuốc không. "Nghe đâu bác sĩ cho thuốc mà chú Tám không uống, vì người ta khuyên không nên uống thuốc, sẽ bị lệ thuộc. Bệnh tâm lý thì chỉ cần làm sao cho tâm lý ổn thôi chứ thuốc men gì?", ba nói. Tôi chỉ biết kêu trời.

Quán bà Hai hôm ấy dư ra một cái ghế. Mới hôm qua, chú Tám còn ngồi đó, vẫn là một phần của chúng tôi. Người ta bảo: "Tánh thằng đó khép kín, ít nói, mà cũng hay nổi nóng"; "Thằng này hay bi quan, buồn rầu và cứ chậm chạp"; "Mẹ anh Tám giận lắm, bà con mình cũng chê trách anh Tám sao yếu đuối. Chết vậy là vô trách nhiệm, chết vậy thì phí đời"… Những lớp áo lại khoác lên người anh Tám, mặc nhiên các biểu hiện bất thường của anh là tính cách. Mà đã là tính cách thì ai lại đi chữa trị.

Tôi tự hỏi, cũng là bệnh, tại sao người chết vì ung thư không bị chê trách, còn với người trầm cảm thì không. Khoa học đã chứng minh, những ám ảnh vô hình khiến họ không còn làm chủ được bản thân mình. Trong rất nhiều trường hợp, cái chết cũng hiển nhiên đến nếu không được điều trị thích hợp, không phải lựa chọn của chính họ. 

Tôi phát hiện ra mình bị trầm cảm và rối loạn lo âu khi vừa tròn 27 tuổi. Đó là những ngày "sống không bằng chết", những ngày tôi không hiểu nổi chính mình.

Những cảm xúc, không gian nào đó do trầm cảm tạo ra cứ như trùm kín tôi, khiến tôi thấy mình bị rút cạn sức sống. Cuộc sống này chẳng còn gì vui, thậm chí như địa ngục. Ba mẹ rất lo lắng và hay hỏi, "con thấy khó chịu ở đâu?". Tôi thật sự không trả lời được. Tôi không biết tôi bị gì, tôi chỉ cảm thấy mình không ổn, tôi cảm nhận được những dị cảm đáng sợ và đen tối xâm chiếm đầu óc mình.Cảm giác đó không để cho tôi làm gì và tôi cũng không thấy việc gì là có nghĩa.

Trầm cảm, theo WHO, là một rối loạn tâm thần phổ biến, đặc trưng bởi sự buồn bã, mất đi hứng thú hoặc khoái cảm, cảm thấy tội lỗi hoặc tự hạ thấp giá trị bản thân, bị rối loạn giấc ngủ hoặc ăn uống và kém tập trung. Cũng theo dự báo của tổ chức này, đến năm 2020 nó sẽ trở thành căn bệnh thứ hai dẫn đến tàn tật trên thế giới.

Tôi cứ nghĩ trầm cảm chắc còn ở đâu xa với làng quê của tôi lắm. Trầm cảm vẫn được nói đến như chứng bệnh của dân thị thành, của người làm việc đầu óc căng thẳng hay của những người có công việc quan trọng. Nhưng, nó đã lấy đi của chính bản thân tôi năng lượng những ngày vui sống, những người tôi yêu quý.

May thay, tôi đã nhận ra vấn đề của mình và được điều trị thích hợp nên giờ đây, mọi thứ đã tốt hơn nhiều. Nhưng tôi biết, còn rất nhiều người đang đối mặt trầm cảm quanh chúng ta.

Thống kê của cơ quan y tế cho biết, mỗi năm có khoảng 36.000 đến 40.000 người tự tử ở Việt Nam, nhiều gấp 2 đến 4 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông. Hầu hết những người tự tử đều do rối loạn tâm thần, trong đó 75% bị mắc chứng trầm cảm.

Song nhận thức về sức khỏe tinh thần tại Việt Nam có lẽ chưa được quan tâm đúng mức nên trầm cảm thường rất khó được phát hiện. Bản thân nhiều người bệnh cũng không nhận ra vấn đề của mình vì triệu chứng của trầm cảm không quá khác biệt so với những biểu hiện cảm xúc thường ngày, nhất là khi nó thường đến sau những sang chấn tâm lý lớn. Người bệnh và người xung quanh cũng không nhận ra được sự buồn bã không có lý do, trí tuệ và tâm trạng sa sút, dễ cáu gắt, mất ngủ, bồn chồn, những cơn đau đầu, chóng mặt, hay sự thờ ơ với mọi thứ trên đời… Họ cho rằng đó là tâm lý hiển nhiên, hay chúng là một phần tính cách người có trầm cảm.

Chính sự nhận thức còn mơ hồ, đơn giản vì loại bệnh này không nhìn thấy được, không đo đếm được như huyết áp hay máu, nhiều người không phát hiện và nhận diện được trầm cảm. Họ chỉ lặng lẽ chấp nhận tình trạng hoang mang, cuộc sống và các mối quan hệ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi tính khí trở nên thất thường và cư xử kỳ quặc.

Mọi thứ dần trở thành vòng luẩn quẩn, siết chặt mỗi ngày, làm người bệnh rơi vào bế tắc. Và thậm chí khi đã gọi tên được trầm cảm, nhiều người vẫn cho rằng đó là vấn đề tâm lý, chỉ cân bằng lại cảm xúc là được, không cần phải trị liệu, uống thuốc. Chưa kể, cách nhìn nhận và đánh giá của xã hội đối với những người bị trầm cảm hay rối loạn tâm thần còn nhiều tiêu cực, kỳ thị, phân biệt, e dè, càng khiến người bệnh thấy xấu hổ, ngụy trang, làm cho bệnh càng trầm trọng hơn.

Thái độ với nhận thức về sức khỏe tinh thần của cộng đồng nói chung và trầm cảm nói riêng cần được nâng lên trong tất cả các chương trình chăm sóc sức khỏe đối với từng cá nhân cũng như từng tổ chức, địa phương và quốc gia. Điều này có lẽ không cần bàn cãi.

Nhưng tôi chưa bao giờ thấy học sinh được kiểm tra sức khỏe tinh thần trong học đường. Thầy cô giáo cũng vậy. Hay tại các công ty, tổ chức, tuy vẫn có chương trình khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho nhân viên, nhưng trong danh mục khám không hề có những loại kiểm tra liên quan đến sức khỏe tinh thần. Kể cả trong gia đình, cha mẹ cũng chỉ quan tâm đến việc con cao bao nhiêu, có tăng cân không, chứ ít ai quan tâm đến tâm trạng bất thường của con cái hay tìm hiểu nguồn gốc của tâm trạng đó.

Vấn đề về tinh thần trong nhiều trường hợp lại là nguyên nhân cốt lõi của các vấn đề về thể chất. Và trầm cảm thực sự là một căn bệnh như tất cả những bệnh khác, cần được chữa trị và chăm sóc, thuốc là một trong những biện pháp để chữa bệnh này.

Trước khi các chương trình y tế, sức khỏe quốc gia quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần, bản thân chính mỗi người chúng ta hãy hiểu, trầm cảm hay các rối loạn tâm thần cũng là các loại bệnh lý bình thường như mọi bệnh ta vẫn gặp. Nếu bị cảm, sốt, đau dạ dày, ung thư, ta vội chữa trị, thì tại sao, trầm cảm lại không?

Xin cũng đừng tùy tiện đưa ra những lời khuyên với người khác mà không tìm hiểu thật kỹ. Chỉ như thế, con người mới có thể tháo xuống cho nhau những xiềng xích chết người bằng nhận thức hồn nhiên mà méo mó.

Back To Top