Cụ thể, Cục đề nghị Sở Y tế các địa phương chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, huyện tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc, nguồn chứa; chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bệnh lây truyền trong cộng đồng. Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe có trách nhiệm truyền thông, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh do nhiễm đơn bào.
Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu Viện Pasteur TP HCM và Sở Y tế điều tra, chẩn đoán phòng thí nghiệm và báo cáo kết quả giám sát dịch tễ 2 trường hợp đã tử vong có liên quan đến amip ăn não người (Naegleria fowleri) vừa qua.
Theo các chuyên gia, bệnh viêm não – màng não do Naegleria fowleri rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong lên đến 99%. May mắn là bệnh rất hiếm gặp, nguy cơ nhiễm rất thấp. Nguy cơ cao nhiễm ký sinh trùng này là khi nhảy xuống nước, lặn đầu xuống nước hay các hoạt động làm nước xộc mạnh vào mũi.
Để phòng bệnh người dân nên hạn chế hoặc không tắm, lặn ở các ao hồ nước ấm, hạn chế tối đa nước vào mũi. Sau khi tắm, bơi nên vệ sinh mũi sạch sẽ, sử dụng dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng để xịt, rửa mũi. Khi phát hiện đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn cần đến ngay các cơ sở y tế.
Tuần trước, mẫu bệnh phẩm của một bé trai 6 tuổi đã qua đời vì ápxe não cho kết quả dương tính với amip ăn não người. Đây là bệnh nhân thứ hai tại Việt Nam chết vì ký sinh trùng này. Hiện chưa xác định được nguồn lây amip cho bé, vì bệnh nhi bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh, nằm một chỗ, không có điều kiện tiếp xúc với các nguồn lây bệnh. Do đó có ý kiến cho rằng amip này lây nhiễm qua không khí và bị các chuyên gia ký sinh trùng bác bỏ.
Bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam được ghi nhận tử vong do amip ăn não người là một thanh niên quê Phú Yên. Người này được cho là có bơi, lặn xuống nước trước khi phát bệnh. Hai ca này đều xảy ra trong tháng 8.