Bệnh viện tư nhân bị "phân biệt đối xử"

- 22 lượt xem - Tin tức

Phát biểu tại Hội nghị về xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế và văn hóa, thể thao do Chính phủ tổ chức ngày 18/12, tại Hà Nội, Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực (Thanh Hóa) đã kê ra hàng loạt vấn đề liên quan đến sự phân biệt đối xử giữa hai hệ thống y tế công tư.
 
"Nhiều bệnh viện công cấm viện trợ về chuyên môn, kỹ thuật thậm chí cả hỗ trợ về máu để cứu chữa cho người bệnh đang điều trị ở bệnh viện tư. Các bệnh viện tuyến huyện chỉ chuyển bệnh nhân lên bệnh viện đa khoa tỉnh, hoặc trung ương (thay vì bệnh viện tư)”. Ông Đệ có ý kiến.
Dù thừa nhận bản thân không được đào tạo là bác sỹ, ông Đệ phản ánh thêm: “Một số trường đại học không nhận các y, bác sĩ ở bệnh viện ngoài công lập vào học. Điều này là vô lý vì bác sĩ đào tạo ở đâu cũng là tiền của dân, làm ở đâu cũng là phục vụ nhân dân".
Trường hợp của ông Đệ không phải duy nhất. Nhiều nhà quản lý các bệnh viện tư than phiền rằng họ rất ít khi được các sở Y tế  mời tham gia các hội nghị khoa học chuyên ngành để cập nhật kiến thức mới cho bác sĩ, nhân viên bệnh viện.
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước đã có trên 30.000 cơ sở hành nghề y tư nhân, trong đó 66 bệnh viện tư, hơn 300 phòng khám đa khoa và 87 nhà hộ sinh. Số bệnh viện ngoài công lập chiếm 6% tổng số bệnh viện trên cả nước và số giường bệnh cũng chỉ chiếm khoảng 3% của hệ thống y tế. 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, chủ trương xã hội hóa là chủ trương đúng đắn bởi biết huy động sự tham gia của toàn xã hội và các chương trình y tế công cộng cùng phát triển, trong khi thu nhập và tay nghề của cán bộ y tế tăng lên, ngân sách nhà nước bớt quá tải, và người dân được thêm quyền lựa chọn khi chữa bệnh. 
Tuy nhiên, ông Hùng thừa nhận, dù đã có chính sách xã hội hóa y tế, nhưng con số này chứng tỏ việc thực hiện chính sách còn quá chậm chạp.
“Vì sao người dân Việt Nam có tiền phải ra nước ngoài chữa bệnh, vì sao người nước ngoài ở Việt Nam phải ra ngoài chữa bệnh? Đó là vì hệ thống y tế của chúng ta còn yếu kém,” ông Hùng nói.
Ông Hùng cho rằng, ngành y tế muốn đáp ứng với những đòi hỏi phát triển thì chính sách xã hội hóa y tế cần được được triển khai hiệu quả trong thời gian tới.
Theo Phó thủ tướng, Chính phủ sẽ sớm sửa đổi chính sách thuế doanh nghiệp ở mức 28% hiện nay bằng mức thuế ưu đãi hơn. Đối với cơ sở y tế mới hoạt động, Chính phủ sẽ xem xét miễn giảm hoàn toàn trong 4 năm đầu hoạt động, từ năm thứ 5 đến thứ 10 mức thuế thu từ 5-10%. 
Cũng về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu khẳng định trước Hội nghị, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt, ngành y tế không có chủ trương cổ phần hóa bệnh viện công lập nhưng khuyến khích các cơ sở y tế đẩy mạnh xã hội hóa với các hình thức đa dạng. 
Theo thống kê, đến nay Việt Nam có 1.030 bệnh viện công các cấp, trong đó 324 bệnh viện (quy mô trung bình 300 – 500 giường) ở cấp tỉnh, và hơn 600 bệnh viện huyện (quy mô 80 giường). Tính tất cả có khoảng 200.000 cán bộ y tế trên cả nước.
Ước tính 70% các bác sỹ đang hành nghề trong khu vực tư nhân đồng thời đang làm việc cho các cơ sở y tế của nhà nước.

http://www.ytunhan.vn/home/tintuc.aspx?id=5

Back To Top