Khi mang ví dày, ngồi lâu, tư thế ngồi của chúng ta sẽ bị nghiêng hẳn sang một bên không chứa ví. Lúc này, trọng lượng cơ thể chúng ta khi ngồi không theo trục thẳng tỏa đều 2 bên từ cột sống xuống mông và 2 chân, một bên sẽ bị nghiêng và chịu lực nhiều hơn. Cơ thể chúng ta có những biểu hiện như sau:
Co thắt cơ
Khi tư thế không cân bằng, một bên cơ co nhiều, một bên cơ căng nhiều, dẫn đến các cơ làm việc không đồng bộ trong thời gian kéo dài. Các cơ không đồng bộ dẫn đến cơ bị mỏi, thiếu ôxy, nên dễ bị chuột rút gây co thắt cơ. Ngoài ra khi các cơ bị mỏi sẽ dễ dẫn đến cơ làm việc không hiệu quả, có thể gây rách cơ khi ta hoạt động đột ngột hoặc sai tư thế. Hiện tượng co thắt cơ biểu hiện bằng triệu chứng đau vùng lưng, tính chất có thể âm ỉ hoặc đột ngột dữ dội. Đau cứng một bên lưng khiến ta đi phải nghiêng một bên, đau lan xuống mông và đùi. Nằm nghỉ có thể giảm đau hoặc không và đau tăng lên khi vận động gập duỗi lưng, thậm chí khi ho, hắt xì cũng đau nhiều.
Đau lưng cấp tính nhiều đến nỗi khiến bạn sẽ phải đi gặp bác sĩ để được chẩn đoán. Nếu được chẩn đoán loại trừ các nguyên nhân như thoát vị đĩa đệm hay chèn ép tủy sống, bạn có thể an tâm khi được chẩn đoán là co thắt cơ vì có thể điều trị phục hồi tốt.
Việc bạn cần làm khi chẩn đoán là co thắt cơ:
- Chườm lạnh vùng đau trong 2-3 ngày đầu tiên, chườm 5-6 lần/ ngày, mỗi lần khoảng 20-30 phút. Việc chườm lạnh sẽ giúp giảm đau và sưng. Chườm lạnh có thể là liệu pháp hữu dụng khi bạn vừa tập xong vật lý trị liệu lúc cơ mới làm việc xong.
- Chườm ấm vùng lưng thường được thực hiện 2-3 ngày sau chườm lạnh, khi mà hiện tượng sưng đã giảm. Bạn có thể dùng chai nước ấm, túi điện hay nước bồn tắm ấm.
- Chỉ định tập vật lý trị liệu khi đã giảm đau để tăng cường sức cơ vùng lưng và bụng nhằm giữ vững cột sống.
- Bạn sử dụng ngắn ngày các loại nẹp hỗ trợ khi đau hoặc khi làm việc gập duỗi lưng nhiều lần hay khiêng vác nặng. Nhớ là chỉ dùng trong thời gian ngắn.
- Uống thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp bạn mau chóng trở lại sinh hoạt hằng ngày.
Viêm khớp cùng chậu
Khớp cùng chậu là một khớp cử động với tầm vận động ít hơn các khớp khác trong cơ thể. Hầu như khớp cùng chậu chỉ trượt, xoay hay nghiêng khoảng 4 mm. Ít ai để ý hay biết khớp cùng chậu ở vị trí nào trên cơ thể. Mỗi người có 2 khớp cùng chậu nằm sau lưng liên kết vùng khung chậu với phần dưới cột sống. Nhiệm vụ của khớp cùng chậu là giúp cân bằng và giữ vững hình dáng khung chậu để nâng cơ thể, là vùng chuyển tiếp trọng lượng cơ thể qua 2 chân và đóng vai trò như bộ phậm giảm sốc khi ta đi và chạy.
Khi ta mang ví tiền để ở túi sau, lúc ngồi, khung chậu sẽ bị nghiêng và trọng lượng cơ thể không chuyển đều qua 2 khớp cùng chậu. Ngày này qua ngày khác lặp lại, ta sẽ bị quá tải một bên khớp cùng chậu và lúc này khớp cùng chậu bị viêm dẫn đến dần thoái hóa. Triệu chứng đau của khớp cùng chậu thường là 1 bên lưng, ít khi 2 bên, đau có thể lan xuống đùi và thường không quá gối. Đau có thể biểu hiện khi nằm lúc chuyển tư thế.
Đau khớp cùng chậu có thể được chẩn đoán nhầm với bệnh lý thoát vị đĩa đệm hoặc có thể đi kèm với co thắt cơ. Nếu tình trạng viêm khớp cùng chậu kéo dài, có thể làm thoái hóa khớp và gây thành đau mạn tính khó điều trị.
Việc điều trị khớp cùng chậu phải đồng thời với thay đổi thói quen sinh hoạt, làm việc. Tập các bài tập căng dãn khớp cùng chậu và dùng thuốc giảm đau theo chỉ định bác sĩ. Các biện pháp hỗ trợ như laser năng lượng cao, chiếu đèn hồng ngoại có thể giúp hạn chế việc dùng thuốc giảm đau và nhanh chóng phục hồi.
Viêm ụ ngồi
Ụ ngồi là 2 ụ 2 bên phần sau khung chậu có nhiệm vụ chịu tải toàn bộ trọng lượng cơ thể khi ngồi. Khi đứng, ụ ngồi được bao phủ bởi cơ (cơ mông lớn) và khi ngồi, ụ ngồi không được che phủ. Ụ ngồi là nơi bám của nhiều cơ ở chi dưới.
Khi ta ngồi nghiêng, các cơ và dây chằng bám quanh ụ ngồi hoạt động không đồng đều, sẽ gây quá tải một bên gây mỏi, viêm, thậm chí đứt vi thể nơi chỗ bám gây đau phần ụ ngồi. Việc để ví ở phần ụ ngồi có thể chèn ép và cấn phần ụ ngồi, làm tổn thương gân cơ bám vào, gây viêm, đau.
Biểu hiện của viêm ụ ngồi sẽ đau 1 bên phần xương cứng khi ngồi, nhất là ngồi trên mặt phẳng cứng.
Điều trị viêm ụ ngồi có thể dùng thuốc giảm đau kháng viêm, tập các bài tập hỗ trợ, dùng laser năng lượng cao hay chiếu đèn.
Khi đau kéo dài, thất bại với các phương pháp trên, có thể dùng tiêm kháng viêm tại chỗ hay tiêm tế bào gốc hay huyết tương giàu tiểu cầu.
Hội chứng chèn ép dưới cơ hình lê
Cơ hình lê là cơ dẹt nằm ở mặt sau đùi, có chức năng quan trọng như: Cân bằng khớp háng, nâng và xoay đùi ra ngoài. Với chức năng này giúp chúng ta đi lại, chuyển trọng tâm cơ thể từ chân này qua chân khác, giúp thăng bằng cơ thể.
Thần kinh tọa đi phía trước và đi qua có hình lê xuống 2 chân. Thần kinh tọa điều khiển hoạt động cảm giác của chi dưới.
Chèn ép dưới cơ hình lê là do cơ lê co thắt nén vào thần kinh tọa.
Do chèn ép thần kinh nên triệu chứng sẽ là đau vùng mông, tê có thể lan đến bàn chân, teo cơ, rối loạn cảm giác. Đau có thể xuất hiện khi ngồi, khi chạy, leo cầu thang. Chẩn đoán chèn ép cơ hình lê cần phải loại trừ do thoát vị đĩa đệm.
Khi ta mang ví phía sau vùng mông, có thể là vùng của cơ hình lê và thần kinh tọa. Việc mang ví ngồi kéo dài khiến có thể chèn ép thần kinh tọa vùng này gây các triệu chứng. Việc điều trị cần thay đổi tư thế, chườm lạnh, tập các bài tập hỗ hợ, chiếu đèn chườm ấm, có thể tiêm thuốc kháng viêm tại chỗ. Khi triệu chứng nặng nề, điều trị không giảm gây teo cơ hay đi lại khó. Bạn có thể phải phẫu thuật để giải chèn ép.