Bệnh tiêu chảy “tấn công” trẻ em Hải Dương

- lượt xem - Tin tức
Bệnh tiêu chảy “tấn công” trẻ em Hải Dương

Khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Hải Dương. Ảnh: Hải Hà

Dồn dập nhập viện

Vào ngày đầu tuần tại Bệnh viện Nhi Hải Dương, trong số gần 300 ca vào khám thì có đến hơn 120 ca mắc bệnh tiêu chảy mùa đông và khoảng 20 ca phải nhập viện điều trị, còn lại bệnh nhi điều trị ngoại trú. Con số này đã duy trì từ hơn 2 tuần nay khiến cho nhiều khoa, phòng của bệnh viện thường xuyên quá tải, nhất là ở Khoa Tiêu hóa – Dinh dưỡng. Khoa Tiêu hóa – Dinh dưỡng hiện có 34 giường bệnh nhưng 2 tuần qua, mỗi ngày có tới 50 – 60 bệnh nhi điều trị. Con số này cũng tăng gấp đôi so với đầu mùa đông. Hầu hết các giường bệnh phải ghép đôi, thậm chí ghép ba bệnh nhân.

Vào viện và điều trị tại Khoa Tiêu hóa – Dinh dưỡng gần 1 tuần nay, sức khỏe cháu Đoàn Quang Việt Anh (5,5 tháng tuổi) ở xã Bình Xuyên, Bình Giang đã tốt. Trước đó, cháu Việt Anh có biểu hiện sốt, nôn, đi ngoài nhiều lần trong ngày, chị Phạm Thị Lan – mẹ cháu Việt Anh cho biết: "Tôi đã mua thuốc hạ sốt và một số loại thuốc khác cho cháu uống ở nhà 3 ngày nhưng không khỏi, người lả. Thấy cháu vẫn đi ngoài nhiều, ngày càng yếu đi nên tôi chuyển thẳng cháu lên Bệnh viện Nhi để khám, các bác sĩ cho biết cháu bị tiêu chảy mất nước và phải nhập viện điều trị". Chị Lan cũng cho biết, chị được khuyến cáo là nếu trẻ sốt cao, tiêu chảy thì cho uống oresol để bù nước. Tuy nhiên, chị lại pha không đúng liều lượng, gói 4,2gr nhưng lại chỉ pha với 150ml nước, thiếu 50ml nước theo khuyến cáo của bác sĩ.

Trường hợp của cháu Phạm Đức Huy (10 tháng tuổi) ở xã Cẩm Văn, Cẩm Giàng cũng có những triệu chứng điển hình của bệnh tiêu chảy mùa đông. Cháu Huy bị sốt 38,70C, nôn, đi ngoài nhiều lần và được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi Hải Dương điều trị. 3 ngày nay, do biếng ăn nên cháu Huy được truyền dịch để bù nước.

Môi trường là tác nhân?

BS. Trần Thị Ngọc Yến – Phó Trưởng khoa Tiêu hóa – Dinh dưỡng, BV Nhi Hải Dương cho biết: "Hầu hết bệnh nhi nhập viện ở trong độ tuổi từ 6 – 12 tháng tuổi. Khi vào viện, trẻ đã ở trong tình trạng mất nước, nếu không điều trị, bù nước kịp thời, trẻ sẽ có nguy cơ bị sốc gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, khoa cũng tiếp nhận nhiều trường hợp phụ huynh pha oresol không đúng liều lượng khiến cho trẻ bị rối loạn điện giải, gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ". Do điều trị kịp thời và có sự phối hợp tốt giữa các khoa nên đến nay, Bệnh viện Nhi Hải Dương chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào do bệnh tiêu chảy mùa đông. Số ca phải chuyển lên tuyến trung ương cũng rất ít.

Bệnh tiêu chảy “tấn công” trẻ em Hải Dương

Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhi Hải Dương tăng đột biến.

BS. Trần Thị Ngọc Yến cho biết, bệnh tiêu chảy do trẻ mắc phải là do virut Rota gây nên, là nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng ở trẻ em, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ, nguy hiểm hơn, bệnh còn chiếm tỷ lệ tử vong cao. Vì vậy, BS. Yến khuyến cáo, người dân cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ nơi ở bằng dung dịch sát khuẩn, người trông trẻ phải rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi cho trẻ ăn, vệ sinh cho trẻ. Đối với trẻ em dưới 1 tuổi, cần tăng cường cho trẻ bú sữa mẹ, bảo đảm chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Tuy thời tiết lạnh nhưng các phụ huynh cần lau người cho trẻ thường xuyên, giữ gìn vệ sinh cho trẻ. Cách phòng ngừa hiệu quả khác là cho trẻ uống vaccin phòng ngừa Rotavirus. Khi trẻ mắc bệnh, cần bổ sung nước bằng dung dịch oresol pha đúng liều lượng và đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Theo ông Bùi Huy Nhanh – Giám đốc TTYT Dự phòng tỉnh Hải Dương, để tăng cường phòng chống dịch bệnh, Trung tâm YTDP đã chủ động cung cấp thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, ở trường học, chợ và đặc biệt là các khu dân cư nhằm nâng cao hiểu biết của người dân cũng như các biện pháp phòng, chống dịch.

Bài, ảnh: Hải Hà

Back To Top