Bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn tăng ca ở phía Bắc

- 19 lượt xem - Tin tức

 

Theo các bác sĩ, bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn rất nặng. Người bệnh nghiện rượu, mới điều trị được 2 ngày đã tử vong. Năm ngoái, bệnh viện không ghi nhận ca tử vong nào do liên cầu lợn.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn ghi nhận rải rác tất cả các tháng trong năm. Cách vài tháng lại ghi nhận 1-2 trường hợp. Trong 2 tháng gần đây thì bệnh có tăng nhẹ, mỗi tháng 5-6 ca. Trong đó chủ yếu là nam giới ở độ tuổi trung niên.

"Nguyên nhân có thể do ăn thịt lợn bệnh chưa được nấu chín, ăn tiết canh hoặc tiếp xúc với máu, dịch tiết của lợn qua các vết thương ở da, đường hô hấp… Có bệnh nhân lại không rõ nguồn lây như trường hợp một cụ ông 90 tuổi. Bệnh nhân nhiễm trùng huyết nhưng rất may là không bị sốc", bác sĩ Cấp nói.

Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 44 ca mắc. Hiện còn 2 bệnh nhân được điều trị tại khoa Điều trị tích cực dù đã qua khỏi giai đoạn bị sốc nhưng còn tình trạng suy thận nặng.

Theo bác sĩ Cấp, bệnh liên cầu khuẩn lây từ lợn bệnh sang người gồm 3 thể: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp mắc ngay từ đầu đã nặng. Bệnh không thành dịch, chỉ rải rác quanh năm, có tháng không có trường hợp nào. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan vì bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong khoảng 7%

 

Ngoài ra, có những người tử vong là do nhiễm độc tố vi khuẩn, gây hiện tượng sốc. Có bệnh nhân chỉ qua 3 ngày đã bị sốc nhiễm khuẩn, có người phải 10 ngày mới diễn biến nặng như vậy, tùy vào cơ địa của từng người. Bệnh ban đầu không có dấu hiệu điển hình ngoài việc sốt cao, vì thế dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác. Người từng nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại.

Thông thường, một bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần. Còn những người bị nhiễm trùng huyết phải điều trị đến 2 tháng, chi phí hàng trăm triệu, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không trầm trọng.

Theo các chuyên gia, hiện nay rất nhiều người vẫn nhầm lẫn cho rằng bệnh tai xanh ở lợn gây bệnh cho người. Bệnh tai xanh ở lợn là do virus và không lây sang người. Còn bệnh liên cầu khuẩn là do vi khuẩn, có thể lây qua người qua việc tiếp xúc với thịt lợn bệnh. Bệnh tai xanh làm suy giảm miễn dịch, khiến các bệnh khác ở lợn phát triển nhanh, trong đó có liên cầu khuẩn.

Theo Cục Thú Y, hiện nay, cả nước có 5 tỉnh gồm Đăk Lăk, Nghệ An, Cao Bằng, Bắc Cạn và Cần Thơ có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày.

Vi khuẩn gây bệnh liên cầu cư trú trong đường hô hấp, đường tiêu hóa… của lợn. Vì thế, để phòng bệnh, người dân cần nâng cao ý thức tự phòng bệnh bằng cách: không nên giết mổ lợn ốm, chết, không xử lý sản phẩm sống từ lợn với tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Rửa tay sạch sau khi chế biến. Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy thì nên có các phương tiện phòng hộ.

Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Khi có biểu hiện sốt cao (40-41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ…, có thể khó thở, người dân nên đến bệnh viện sớm, tránh nguy cơ tử vong.

Back To Top