Bệnh nhân vẫn phải chi tiền “bồi dưỡng” để được khám nhanh

- 7 lượt xem - Tin tức
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 
Vẫn có phong bì “bôi trơn”!

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 2 tháng hoạt động của đường dây nóng diễn ra ngày 20/1 tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết, chỉ trong hai tháng, đã có 2.626 cuộc gọi của người dân đến đường dây nóng. Tính trung bình mỗi ngày tổng đài Viettel tiếp nhận 49 cuộc gọi.

Tuy nhiên, trong số đó có đến 1.732 cuộc gọi (66%) ngoài phạm vi tiếp nhận, nhầm số hoặc không có nhu cầu. Ngoài ra, các cuộc gọi không có mục đích, nháy máy và quấy rối chiếm tỷ lệ khá cao với 771/ 2.626 cuộc gọi (chiếm 29,36%), chỉ có 34% cuộc gọi đúng phạm vi tiếp nhận (894 cuộc gọi).

Cũng theo ông Trường, trong số 894 cuộc gọi đúng phạm vi tiếp nhận có gần 40% cuộc gọi phàn nàn về chuyên môn, thái độ và trách nhiệm của bác sĩ, 16,2% phản ánh gian lận/hối lộ/viện phí; 23,7% phản ánh làm sai quy định của cơ sở y tế; 20,2% phản ánh cơ sở vật chất/nội quy của cơ sở y tế.

Ngoài ra, nội dung cũng được nhiều ý kiến phản ánh từ người dân đó là tình trạng gian lận, hối lộ trong các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc. Đặc biệt là tình trạng bệnh nhân vào khám bệnh vẫn phải chi tiền bồi dưỡng để được khám nhanh hơn, chi tiền bồi dưỡng trong quá trình thay băng, tiêm. Chỉ trong 2 tháng đã có 142 cuộc gọi phản ánh tình trạng bác sĩ nhận tiền thù lao thêm, tiên bồi dưỡng (tập trung nhiều nhất tại các khoa sản), yêu cầu thu phí phẫu thuật cao hơn thực tế, một số bệnh viện vẫn tồn tại tình trạng “cò mồi” thu phí ăn chia với bệnh viện làm ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh.

Trừ thi đua khi bị dân “phàn nàn” nhiều

Trong hai tháng qua, trên ý kiến phản ánh đường dây nóng, Bộ Y tế đã dự thảo và gửi 128 công văn chỉ đạo gửi các bệnh viện tuyến Trung ương và Sở Y tế các tỉnh, thành xử lý khẩn trương, kịp thời các vụ việc.

Theo BS Trần Văn Khám, Giám đốc BVĐK Bạc Liêu, tại BV việc trực đường dây nóng rất quy củ. Người trực đường dây nóng phải ghi chép lại phản ánh của người dân và báo cáo đầy đủ với lãnh đạo bệnh viện. Thực sự đường dây nóng đã mang lại hiệu quả, vì như vừa qua, từ thông tin đường dây nóng chúng tôi đã kịp thời xử lý nghiêm hộ lý nhận tiền từ người nhà bệnh nhân.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tại một số cơ sở KCB vẫn còn tình trạng lãnh đạo BV chậm giải quyết thông tin phản ánh của người dân qua đường dây nóng. Do đó, tới đây ngành y tế sẽ có nhiều hoạt động để nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân, nhằm xây dựng lại hình ảnh của người thầy thuốc “lương y như từ mẫu” đối với nhân dân.

Bộ trưởng cũng yêu cầu, văn phòng Bộ Y tế cần liệt kê theo danh sách các BV có các cuộc gọi phản ánh của người dân đến đường dây nóng để cuối năm thống kê xem BV nào có nhiều cuộc gọi phản ánh thì sẽ bị trừ điểm thi đua. Có như vậy Đường dây nóng mới thực sự phát huy hiệu quả. “Ngành y tế đòi hỏi y lý, y thuật, y đức. Đường dây nóng là giải pháp tức thì và “hạ hỏa” nhằm cải thiện thái độ ứng xử, quy trình khám chữa bệnh, đạo đức nghề nghiệp. Vấn đề mấu chốt để tăng cường sự hài lòng của người bệnh về ngành y tế là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng KCB tuyến dưới, giảm tải cho tuyến trên, đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở khám chữa bệnh. Đây cũng là một trong những kênh thông tin quan trọng để ngành y tế “làm mới mình”, xây dựng lại hình ảnh người thầy thuốc trong lòng nhân dân không chỉ giỏi về y thuật, sáng y đạo mà còn có thái độ ứng xử thân thiện, niềm nở khi tiếp đón bệnh nhân đến khám chữa bệnh.…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các bệnh viện khi nhận thông tin phản ánh về thái độ nhân viên y tế bệnh viện mình phải xử lý nghiêm, không bao che. Bộ trưởng dẫn chứng về vụ việc tại BV Từ Dũ, nhân viên y tế có thái độ không đúng mực với sản phụ cũng đã phải điều chuyển công tác. Vì thế, các bệnh viện nghiêm túc thực hiện việc giám sát, kỷ luật này, cần điều chuyển những nhân viên y tế có thái độ phục vụ không tốt, hay gắt gỏng người bệnh sang những bộ phận ít được tiếp xúc dân.

Hồng Hải

Back To Top