Bệnh nhân bị cắt chân nhiều lúc hồi tỉnh

- 27 lượt xem - Tin tức

Trao đổi với báo chí sáng 6/1, bác sĩ Nguyễn Đình Hưng, Phó giám đốc Bệnh viện Saint Paul (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân Dung đang được điều trị tích cực, liên tục được theo dõi, thăm dò chức năng để đảm bảo tinh thần ổn định; thay băng hằng ngày phần chân bị tổn thương.

Bệnh nhân trở về tình trạng như trước khi xảy ra sự việc vào rạng sáng 2/1, nhiều lúc tỉnh táo biết gọi tên mình, song có lúc nhầm lẫn do não chưa kiểm soát được cơ thể. Nguy hiểm nhất là tổn thương ở não do di căn, thường trực đe dọa tính mạng người bệnh.

bshung1.jpg

Bác sĩ Nguyễn Đình Hưng, Phó giám đốc Bệnh viện Saint Paul. Ảnh: N.P.

“Khối u khá lớn, khó mổ; bệnh nhân từng mổ ở bệnh viện khác nhưng không giải quyết được. Vì thế, chúng tôi không có chủ trương mổ lấy u. Trong quá trình điều trị bà Dung từng có 2 cơn đe dọa ngừng thở”, bác sĩ Hưng nói.

Liên quan đến việc bà Dung bị em trai cắt chân đêm 2/1 khi đang điều trị tại Khoa phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Saint Paul đã có báo cáo gửi Sở. Theo đó, khoảng từ 1h30 đến 2h45 ngày 02/01, điều dưỡng trực tại khoa theo dõi thấy người nhà đang xoa bóp cho bệnh nhân Dung. Bệnh nhân không kêu đau và không phát hiện bất thường.

Khoảng 3h30, kíp trực gồm một bác sĩ chuyên phẫu thuật thần kinh, hai điều dưỡng, cộng thêm sinh viên đi trực kèm phát hiện người em trai cắt chân bệnh nhân đã báo bảo vệ, trực lãnh đạo bệnh viện và công an phường. Đồng thời mọi người tìm cách tiếp cận giải cứu bệnh nhân, song người em trai tỏ ra hung hãn, vung dao dọa nạt không cho y, bác sỹ vào cứu.

Khoảng 20 phút sau, người thanh niên gây án vứt dao, nằm vật ra đất. Cán bộ y tế đã cấp cứu và đưa bệnh nhân lên phòng mổ. Sau mổ cấp cứu cắt cụt 1/3 dưới đùi phải, bệnh nhân được đưa về hậu phẫu sau mổ tại phòng riêng của khoa Tăng cường Ngoại.

Công an phường Điện Biên đã bắt giữ kẻ gây án. Theo đề nghị của Công an quận Ba Đình, Bệnh viện Saint Paul đã làm xét nghiệm nhanh với hung thủ, kết quả dương tính với ma túy (amphetamin).

Theo bác sĩ Hưng, bệnh nhân bị u não thường không kiểm soát được cơ thể nên hay rơi vào trạng thái lơ mơ, cảm giác đau giảm đi rất nhiều, lúc tỉnh thì có nhận biết. Điều này cũng có thể lý giải khi bệnh nhân gặp tổn thương. Ví dụ, người bình thường ai động vào là có phản xạ đạp, giằng giãy. Bệnh nhân bị ung thư, thể trạng không khỏe như người bình thường nên phản ứng chậm và yếu.

Liên quan đến quy trình thăm và chăm sóc bệnh nhân, theo bác sĩ Hưng, người lạ vào bệnh viện rất khó nếu như không phải giờ thăm bệnh. Thân nhân, người chăm sóc muốn vào được phát thẻ ra vào.

"Tổn thương của chị Dung là do  người thân gây ra. Không ai tưởng tượng được, và rất khó đề phòng vì không thể cấm người nhà vào chăm sóc bệnh nhân. Sự việc này là cực kỳ hãn hữu. Nhân viên y tế cũng không đủ để chăm sóc 24/24, trừ trường hợp đặc biệt", bác sĩ Hưng nói.

Cũng liên quan đến vấn đề an ninh tại bệnh viện, ông Phạm Mạnh Thân, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện Saint Paul cho rằng đây là trường hợp hy hữu. "Có rút kinh nghiệm thì cũng chỉ là chấn chỉnh. Có người đề nghị nên đặt camera để theo dõi nhưng về luật là không được phép", ông trưởng phòng nói.

Ông Thân lý giải thêm, về nguyên tắc, người nhà muốn ở lại chăm sóc bệnh nhân phải được phát thẻ ra vào. Trường hợp bệnh nhân nặng thì được 2 người nhà thay nhau chăm sóc. Giờ giấc cho người nhà vào thăm cũng được niêm yết rõ ràng tại các khoa điều trị. Riêng buổi tối mỗi bệnh nhân chỉ được một người nhà ở lại chăm sóc. Tuy nhiên, nhiều trường hợp 2-3 người nhà cùng ở lại bệnh viện để thay nhau vào chăm sóc bệnh nhân.

Trường hợp của chị Dung, theo lãnh đạo Bệnh viện Saint Paul, từ khi nhập viện, bệnh nhân này có rất nhiều người nhà vào chăm sóc chứ không chỉ riêng con gái và em trai như đêm xảy ra vụ việc. Mặt khác, 2 người này cũng đã ở trong bệnh viện chăm sóc bệnh nhân từ trước. Bệnh viện không phát hiện họ có biểu hiện gì bất thường nên không lường hết đến vụ việc.

 Nam Phương – Đoàn Loan

Back To Top