Bệnh hẹp phì đại môn vị ở trẻ sơ sinh

- 11 lượt xem - Chưa phân loại
Ở trẻ sơ sinh, hẹp phì đại môn vị là bệnh lý hay gặp nhất gây hẹp đường ra dạ dày và là nguyên nhân ngoại khoa hay gặp nhất của triệu chứng nôn. Nguyên nhân gây bệnh hẹp phì đại môn vị đến nay vẫn chưa được biết rõ.

Dấu hiệu và triệu chứng
  • Nôn sau ăn: Nôn nhiều thường từ tuần thứ 4 – 8 sau sinh, tần suất nôn xuất hiện ngày càng nhiều, nôn thường xuất hiện sau bữa ăn, nôn ra sữa, sau nôn trẻ thường đói và đòi ăn ngay. Thỉnh thoảng có thể nôn ra dịch lẫn máu hoặc dịch xanh vàng
  • Nếu triệu chứng diễn biến lâu không được điều trị có thể dẫn đến tình trạng mất nước, giảm cân, suy dinh dưỡng, rối loạn chuyển hóa, hôn mê.
  • Thay đổi nhu động đường ruột gây táo bón.
Các mẹ cần lưu ý cho con đi khám ngay khi có các dấu hiệu và triệu chứng: nôn vọt sau khi ăn, trông có vẻ ít hoạt động hoặc dễ cáu kỉnh khác thường, tiểu ít, không tăng cân hoặc bị giảm cân.

Yếu tố nguy cơ

  • Giới: Hẹp phì đại môn vị thường xảy ra ở trẻ nam nhiều hơn trẻ nữ
  • Chủng tộc: Hẹp phì đại môn vị thường xảy ra ở chủng tộc người da trắng ở bắc âu, ít xuất hiện hơn ở người mỹ gốc phi và người châu á.
  • Sinh non: hẹp phì đại môn vị thường gặp hơn ở trẻ sinh non hơn trẻ đẻ đủ tháng
  • Hút thuốc trong quá trình mang thai: gây tăng gần gấp đôi nguy cơ bị hẹp phì đại môn vị
  • Sử dụng kháng sinh sớm: trẻ sơ sinh bị điều trị kháng sinh sớm trong tuần đầu của cuộc sống, như erythromycin điều trị ho gà, tăng nguy cơ hẹp phì đại môn vị. Thêm vào đó, những trẻ sinh ra từ những bà mẹ sử dụng kháng sinh trong quá trình mang thai cũng tăng nguy cơ bị hẹp phì đại môn vị
  • 1 số nghiên cứu chỉ ra sử dụng sữa công thức cũng làm tăng nguy cơ bị hẹp phì đại môn vị hơn so với dùng sữa mẹ
Biến chứng

Hẹp phì đại môn vị có thể dẫn đến 1 số biến chứng
  • Chậm phát triển thể chất
  • Mất nước: Nôn nhiều lần có thể gây mất nước và điện giải
  • Viêm dạ dày: nôn nhiều lần có thể gây ra tình trạng sung huyết dạ dày, có thể gây ra tình trạng chảy máu mức độ trung bình
  • Vàng da: hiếm khi, chức năng gan có thể bị ảnh hưởng dẫn đến tăng nồng độ bilirubin  trong máu, gây nên vàng da, vàng mắt.
Chẩn đoán
  • Xét nghiệm máu kiểm tra tình trạng mất nước và điện giải
  • Siêu âm đánh giá tình trạng môn vị và xác nhận chẩn đoán hẹp môn vị
  • Xquang hệ tiêu hóa, nếu siêu âm cho kết quả không rõ ràng
Điều trị

Hẹp phì đại môn vị điều trị chủ yếu là phẫu thuật. Trước khi phẫu thuật bệnh nhân có thể được điều trị bù nước, điện giải.
Back To Top