Bệnh đau mắt đỏ không ngừng tăng

- 33 lượt xem - Tin tức

 

Theo BS Phạm Ngọc Đông – Trưởng khoa Kết – Giác mạc, BV Mắt Trung ương, từ trung tuần tháng 8 đến nay, mỗi ngày BV tiếp nhận 150 – 200 ca đau mắt đỏ. Nhiều người phải nghỉ việc vào viện điều trị vì đau mắt. Địa phương có người bị đau mắt vào điều trị nhiều nhất là Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên.
 
Tại Hà Nội, đau mắt đỏ đang vào "đỉnh” dịch. So với mọi năm, dịch đau mắt đỏ năm nay xuất hiện muộn hơn. Đặc biệt khi Hà Nội bắt đầu vào mùa mưa thì số lượng ca đau mắt đỏ bắt đầu tăng, nhất là ở nhóm trẻ nhỏ đi học mẫu giáo. BS Hoàng Cương – Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học đào tạo, BV Mắt Trung ương cho biết: đau mắt đỏ là bệnh do virus adeno gây nên. Triệu chứng ban đầu của bệnh là sốt nhẹ, người bệnh thấy mệt, đau họng, sưng hạch trước tai. 5 – 7 ngày sau thì một bên mắt bị đỏ, ra gỉ, chảy nước mắt, 3 – 5 ngày sau sẽ lây sang mắt còn lại. Trẻ em dễ lây và mắc hơn vì không phòng ngừa vệ sinh tốt, hay lê la, chơi với bạn bè. Việc dùng thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng dự phòng các bội nhiễm khác chứ không chấm dứt đau mắt đỏ. Thậm chí, nhiều trường hợp không điều trị cũng có thể khỏi nếu biết cách vệ sinh tốt. Mặc dù là bệnh lành tính, nhưng phần lớn người bệnh vào viện đều trong tình trạng mắt đã có biến chứng sưng, đỏ, thị lực giảm, hạch nổi cộm ở cổ và góc hàm. Nguyên nhân do BN không đi khám và dùng lại đơn thuốc cũ của người khác. Nhỏ thuốc được 1 – 2 ngày, mắt của người bệnh càng sưng mọng và đau nặng. Nhiều trường hợp, đặc biệt là trẻ nhỏ vào viện khi mắt đã bị xuất huyết, điều trị rất khó. Những thuốc mà người bệnh thường tự mua về dùng là Dexacol, Neodex, Maxitrol, Cebedexacol, Clodexa, Nemydexa, Dexaclor, Polydexa… Đây là những thuốc có chứa nhiều chất kháng viêm gây miễn dịch cho mắt, tuyệt đối không được dùng khi bị đau mắt đỏ. Nếu dùng kéo dài sẽ làm đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp dẫn đến mù lòa. Cùng với việc dùng thuốc tùy tiện, nhiều người khác còn lạm dụng xông mắt bằng lá trầu không, bạc hà và các loại tinh dầu đã khiến giác mạc bị phỏng nặng, điều trị khó và kéo dài. Có những BN bị biến chứng giác mạc nặng phải điều trị hàng tháng, thị lực hồi phục khó, thậm chí không hồi phục.
 
Theo các bác sĩ BV Mắt Trung ương, hiện chưa có loại thuốc, vắcxin phòng được bệnh đau mắt đỏ vì chủng kháng nguyên của loại virus gây bệnh này biến đổi liên tục. Tuy nhiên, bệnh đau mắt đỏ nếu được phát hiện và điều trị đúng sẽ khỏi sau 4 – 5 ngày. Việc điều bệnh chủ yếu bằng các loại thuốc nhỏ mắt thông thường như Chloramfenicol 0,4% (mỗi ngày 4 lần), Cloraxyl, thuốc mỡ Tetracyclin 1% (tra mỗi tối 1 – 2 lần trước khi ngủ). Ngoài ra dùng thêm thuốc kháng sinh Ampicillin, Penicilin (có chỉ dẫn của BS) để chống bội nhiễm và Vitamin B1, C, dầu cá nâng cao sức đề kháng cơ thể. Để phòng bệnh đau mắt đỏ, mọi người nên rửa tay xà phòng sau khi tiếp xúc người bệnh và sau khi nhỏ thuốc cho mắt mình. Hoặc có thể sử dụng dung dịch nước muối sinh lý Nacl 9% hằng ngày, đeo kính râm, khẩu trang tránh bụi.
Back To Top