Báo Pháp: Phẫu thuật thẩm mỹ ở Việt Nam nguy hiểm

- 35 lượt xem - Tin tức

Đến hôm nay, sau một thời gian phát triển, với không ít sự cố, tai nạn đáng tiếc, phẫu thuật thẩm mỹ ở Việt Nam có vẻ cũng chưa khác nhiều so với thời kỳ mới hình thành năm 2007.


Nhiều phụ nữ đã tìm tới những bác sĩ không đủ trình độ.

 

Chưa dừng lại ở 5 lần phẫu thuật mặt

 

Đối với việc làm đẹp, chị Trâm, chủ một nhà hàng ở TPHCM, không hề tiếc tiền. Chị vừa mới đi làm lông mày, mắt, cổ và mũi. Sau đó chị sẽ đi căng da.

 

Người phụ nữ khoảng 50 tuổi, mặt đang sưng phồng và bị băng bó khá nhiều, tâm sự: “Sau 5 lần phẫu thuật mặt, ngay khi hồi phục, tôi sẽ đi hút mỡ bụng”.

 

Chị Trâm giải thích: “Vợ chồng tôi đã có công việc kinh doanh thành công và chúng tôi rất tự hào… Thật không may là, tôi lại sinh ra không được xinh đẹp và tôi đã 50 tuổi. Trong công việc kinh doanh nhà hàng, bạn thực sự cần phải cảm thấy tự tin và phải gặp gỡ mọi người, vì thế tôi quyết định đi phẫu thuật thẩm mỹ. Chồng tôi cũng ủng hộ quyết định này”.

 

Sau khi tháo băng, rất có thể gương mặt chị Trâm sẽ cứng đờ như những bức tượng sáp trong bảo tàng Madame Tussaud (bảo tàng ở Anh, trưng bày tượng sáp giống người nổi tiếng), nhưng ít nhất, chị còn khỏe mạnh. Còn có nhiều người khác cũng đi phẫu thuật thẩm mỹ nhưng không có được sự may mắn này.

 

Viêm gan vì phẫu thuật thẩm mỹ

 

Khi đi phẫu thuật thẩm mỹ, phụ nữ Việt Nam thường không muốn bắt chước phụ nữ phương Tây, không muốn có mũi cao như minh tinh Hollywood Nicole Kidman hoặc khuôn ngực của Scarlett Johansson. Hình mẫu lý tưởng của họ là các diễn viên Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc những người đẹp có tên tuổi ở Việt Nam.

 

Khuôn ngực đầy đặn hơn hay mũi thon thả hơn là giấc mơ của rất nhiều phụ nữ Việt Nam. Làn sóng phẫu thuật thẩm mỹ đã nổi lên trong giới trung lưu, chủ yếu là ở nội thành và các khu vực lân cận trung tâm kinh tế tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

 

Với phụ nữ Việt Nam, trang điểm và phẫu thuật là những cách thức khả thi như nhau để có được một diện mạo ưa nhìn, và hầu hết trong số họ đều không biết tới những rủi ro của việc này.

 

Cung lớn hơn cầu, nhiều phụ nữ đã tìm tới những bác sĩ phẫu thuật không đủ trình độ, làm việc trong các điều kiện y tế không an toàn.

 

Tom Cuong Nguyen, một bác sĩ Việt Nam, sinh ra tại Úc, hiện đang vận hành một phòng phẫu thuật căng da tại Columbia Saigon Clinic, cho biết, nhiều phụ nữ “bị biến chứng do bị tiêm các dung dịch không rõ nguồn gốc xuất xứ vào ngực, môi hay má”.

 

Theo ông Nguyễn Thắng, trưởng khoa phẫu thuật thẩm mỹ Bệnh viện Việt – Pháp, có người đã bị nhiễm trùng do cấy ghép chỉ vì muốn có lông mi dài hơn. Thậm chí, “việc không sử dụng các dụng cụ vô trùng có thể gây viêm gan”.

 

Phụ nữ Việt Nam cũng muốn mọi thứ được thực hiện nhanh nhất có thể. Họ không ngại chi 300USD để sửa mũi, 500USD để cắt mí, ít nhất 2.000USD để nâng ngực – vốn chỉ bằng một phần nhỏ chi phí cho một ca phẫu thuật tương tự nếu thực hiện ở phương Tây.

 

Theo ông Thắng, “một số người tới trung tâm để được tư vấn vào buổi sáng và muốn được phẫu thuật vào buổi trưa. Một vài người thậm chí còn không muốn được gây mê toàn thân, bởi họ không muốn phí thời giờ nằm trong phòng hồi sức”.

 

“Việt Nam giống Pháp cách đây 20 năm”

 

Sự nôn nóng cùng với việc chưa hiểu biết toàn diện về các quy định trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ của bệnh nhân có thể lại là điều may mắn đối với bác sĩ phẫu thuật. “Ở thành phố Hồ Chí Minh, có ít nhất 200 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ đang hoạt động, nhưng chỉ có khoảng 50 cơ sở được cấp phép”, ông Thắng nhận định.

 

Đa phần những người hành nghề chỉ được phép phẫu thuật mặt, còn với những bộ phận khác trên cơ thể, khách hàng cần phải tới bệnh viện.

 

Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở đã thực hiện cả các dịch vụ phẫu thuật ngực và hút mỡ. Họ tự giới thiệu cơ sở bằng những quảng cáo màu mè, hấp dẫn nhưng thực tế tài liệu tham khảo không rõ ràng và các loại bằng chứng nhận – có thể là thật, có thể là giả.

 

Mới đây, một bác sĩ phẫu thuật Việt Nam đã bị cấm hành nghề và bị điều tra sau khi thực hiện phẫu thuật trái phép.

 

Ông Thắng nói rằng, việc đào tạo bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và phẫu thuật chỉnh hình thì “Việt Nam giống như Pháp cách đây 20 năm”.

 

Các bác sĩ phẫu thuật thường được đào tạo trong nước. Một vài người trở thành những bác sĩ hành nghề nghiêm túc. Một vài người lại hành nghề tại các spa và các thẩm mỹ viện chui, nơi mà phẫu thuật thẩm mỹ được thực hiện ở "cửa sau" chỉ trong 1 giờ. Còn đối với nam giới Việt Nam? Phần đông trong số họ không thích phẫu thuật, song một vài người lại chấp nhận bị đụng dao kéo vì những lí do lạ lùng.

 

“Khi họ thất bại trong kinh doanh, thầy bói nói rằng nguyên nhân là bởi mũi của họ quá tẹt, hoặc họ có nốt ruồi gần mắt hoặc mũi – vốn được coi là dấu hiệu của sự kém may mắn”, bác sĩ Thắng nói và “Một ngày sau đó, họ đi phẫu thuật”.

 

Theo Minh – Linh

 Cảnh Sát Toàn Cầu

Back To Top