Bảo hiểm y tế nhiêu khê đến Bộ trưởng cũng “sôi máu”

- 36 lượt xem - Tin tức

 

Đó là những bức xúc của Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Hội thảo “Xây dựng đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 – 2015 và 2020” do Bộ Y tế và Bảo Hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức tại TPHCM ngày 13/8.

Quyền lợi của người tham gia BHYT vẫn bị hạn chế

Theo thông tin từ Hội thảo đến nay mới chỉ có 63,7% dân số (tương đương với 55,9 triệu người) tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT). Đề án lộ trình tiến tới BHYT toàn dân chỉ rõ mục tiêu tới năm 2015 đạt 75% dân số tham gia BHYT và năm 2020 đạt trên 90% dân số có BHYT.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn quan ngại, những vấn đề “cộm cán” như vai trò của hệ thống chính trị đối với việc huy động người dân tham gia BHYT chưa phát huy đầy đủ; chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân; viện phí mới không tương xứng với chất lượng phục vụ; thủ tục khám chữa bệnh BHYT quá phiền hà; quyền lợi của người tham giam BHYT vẫn bị hạn chế,… sẽ là những vật cản lớn trong việc thực hiện mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân.

Nhắc đến những nhiêu khê trong việc khám chữa bệnh BHYT, bà Bộ trưởng tỏ rõ sự bực bội: “Khám bảo hiểm y tế từ 5 giờ sáng đến 11 giờ trưa vẫn chưa khám bệnh cho người già, không thể để như thế được. Từ lúc đi khám đến lúc trả tiền rồi chờ nhận kết quả xét nghiệm cho đến ra lấy thuốc… sao mà nó khổ thế cơ chứ. Một giường bệnh từ 2 – 3 bệnh nhân nằm, tôi lúc nào cũng bức xúc về chuyện này.”

Theo nhận định của các chuyên gia y tế với tỷ lệ 63,7% dân số tham gia BHYT tại thời điểm đến năm 2011, cho thấy thách thức để tiến tới BHYT toàn dân là rất lớn. Những hạn chế của BHYT ở thời điểm hiện tại khiến người dân không muốn tham gia BHYT, với nhiều người BHYT chỉ thực sự có giá trị khi bị mắc bệnh nặng hoặc phải vào điều trị nội trú.

Để thực hiện được mục tiêu đề án đặt ra, Bộ trưởng yêu cầu tập trung vào việc mở rộng BHYT tới các nhóm đối tượng khác như: người lao động trong doanh nghiệp tư nhân, người cận nghèo, học sinh, sinh viên,… Bên cạnh đó cần đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền để người dân tiếp cận với thông tin về chính sách BHYT.

TPHCM đứng trước thử thách lớn

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, năm 2011 tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn thành phố mới đạt mức 61,7% con số này chỉ tăng khoảng 4% so với năm 2010. Đối tượng thuộc diện BHYT bắt buộc trên toàn thành phố hiện chỉ đạt mức 55%. Để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, thành phố phải đảm bảo ngân sách, nâng mức hỗ trợ đóng, huy động nguồn lực xã hội tham gia hỗ trợ.
 

Trong khi đó, theo thống kê của BHXH thành phố thì trong 3 tháng đầu năm 2012 số người mua BHYT chỉ tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi mức chi đã vượt thời điểm cùng kỳ đến 93%. Đó là hệ quả của việc bổ sung 20 loại thuốc “đắt tiền” vào danh mục thuốc BHYT khiến BHXH thành phố đứng trước nguy cơ vỡ quỹ do bội chi.

Để người dân thấy rõ hiệu quả của việc tham gia BHYT theo Giám đốc Sở Y tế, thành phố cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến y tế cơ sở, từ đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thuộc diện khám BHYT. Tuy nhiên, đây là công việc đòi hỏi phải được đầu tư đúng mức cả về điều kiện vật chất lẫn yếu tố con người nên khó có thể thực hiện được trong thời gian vài năm.

Đứng trước tình hình trên, TPHCM kiến nghị Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu đề xuất Chính phủ cho phép thành phố được áp dụng mức chuẩn nghèo khi mua thẻ BHYT cho người nghèo. Đồng thời, tăng cường các biện pháp chế tài để xử lý các doanh nghiệp cố tình vi phạm chính sách BHYT cho người lao động.

Ngày 1/1/2014 là thời điểm tất cả người dân đều có trách nhiệm tham gia BHYT. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, thực hiện BHYT toàn dân là việc làm có ý nghĩa nhân văn cao cả, nó là khát vọng thể hiện tính ưu việt, công bằng.

 

Back To Top