Trước thực tế các bệnh tim mạch và liên quan tới hệ tuần hoàn ngày càng phổ biến, các nhà khoa học thuộc trường Imperial College London (Anh) và Đại học Harvard (Mỹ) cùng nhiều cộng sự quốc tế đã thực hiện nghiên cứu này tại 199 quốc gia trên thế giới trong giai đoạn 1980-2008.
Các kết quả cho thấy các bệnh không lây nhiễm đã không còn là "độc quyền" của người dân các nước thu nhập cao mà đã xuất hiện và trở nên đại chúng tại nhiều nước thu nhập trung bình và thấp trên thế giới.
Giới chuyên gia cảnh báo nếu xu hướng này tiếp diễn, trong tương lai gần, các nước đang phát triển sẽ phải đối mặt với làn sóng gia tăng bệnh nhân béo phì, đái tháo đường và huyết áp cao. Trong khi đó, các nước phát triển tiếp tục đau đầu với các bệnh nhân đái tháo đường và hàm lượng mỡ trong máu (cholesterol) cao.
Theo kết quả nghiên cứu, nếu như vào năm 1980, thu nhập của một quốc gia tỷ lệ thuận với chỉ số huyết áp, mỡ máu và chỉ số cơ thể (BMI) trung bình của người dân nước đó, thì tới năm 2008, mối tương quan này đã bị phá vỡ. Chỉ số huyết áp của người dân các nước nghèo đã tăng cao, trong khi BMI của người dân các nước thu nhập trung bình cũng cao hơn ở các nước giàu nhất thế giới.
Các nhà khoa học cho rằng sự thay đổi này có thể là do công nghệ chẩn đoán bệnh tại các nước nghèo và việc điều trị bệnh cao huyết áp tại các nước giàu đã ghi nhận nhiều thành công. Chế độ ăn ít muối, nhiều rau, củ, quả và lối sống lành mạnh, vận động nhiều được áp dụng cho bệnh nhân các nước phát triển nay cần được phổ biến rộng rãi sang các nước nghèo. Theo họ, điều này là cần thiết để giảm các gánh nặng chi phí đối với hệ thống chăm sóc y tế của các nước trong dài hạn vì các bệnh liên quan tới hệ tuần hoàn có chi phí điều trị khá tốn kém./.