Biến chứng tiểu đường rất nghiêm trọng, trong đó có tổn thương thần kinh và lưu thông máu kém thường gặp nhất. Những vấn đề này làm cho bàn chân dễ bị loét và tiến triển xấu đi nhanh chóng, thậm chí là cắt cụt chi.
Bệnh tiểu đường là gì?
Bệnh tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.
Nguyên nhân của bàn chân bệnh nhân tiểu đường
Tổn thương thần kinh ngoại biên: có thể xảy ra ở bất kỳ người bệnh ĐTĐ nào, biến chứng thần kinh ngoại biên làm giảm khả năng cảm nhận cảm giác ở bàn chân như đau, nóng, lạnh; người bệnh không thể cảm nhận được bàn chân của mình đã bị tổn thương. Khi chân sưng to lên hoặc nhiễm trùng nặng sẽ làm cho việc điều trị trở nên khó khăn. Loét thường gặp ở đầu các xương bàn chân, ngón chân cái, gót chân hay các vết chai ở chân, giữa các ngón chân.
Tổn thương mạch máu: người bệnh đái tháo đường dễ bị xơ vữa động mạch, các mạch máu bị hẹp hoặc tắc sẽ làm giảm lượng máu đến bàn chân. Điều này làm các vết loét lâu lành.
Nhiễm trùng: Người bệnh đái tháo đường dễ bị nhiễm trùng hơn so với người bình thường do lượng đường trong máu cao làm vi khuẩn phát triển. Lượng máu đến bàn chân kém làm cho các tổn thương ở bàn chân lâu lành hơn. Chỉ cần một vết thương nhỏ cũng có thể gây ra loét và nhiễm trùng. Nếu nhiễm trùng kết hợp với thiếu máu thì nguy cơ gây cắt cụt chi là rất cao.
Chai chân thường là dấu hiệu đầu tiên có thể dẫn đến viêm loét. Nếu vết chai này đỏ và gây đau hoặc da chân đổi màu hoặc tiết dịch có mùi hôi… thường là dấu hiệu chỉ điểm bạn có thể mắc bệnh đái tháo đường.
Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác gây loét bàn chân như: Mang giày, vớ quá chật; Người bệnh đái tháo đường có sức đề kháng kém, dễ bị viêm loét và khi bị viêm loét các vết thương rất lâu lành; Béo phì làm tăng áp lực lên bàn chân.
Người bệnh đái tháo đường nặng thường bị biến chứng ở mắt làm giảm thị lực, người bệnh dễ ngã; tăng nguy cơ tổn thương do ngã đồng thời do mắt kém nên khó phát hiện những biến đổi trên bàn chân.
Hút thuốc lá: Thuốc lá làm tăng nguy cơ biến chứng trên bàn chân, làm chậm hấp thu của insulin khi người bệnh phải tiêm insulin để điều trị. Người hút thuốc lá có nguy cơ loét bàn chân tăng gấp 2 – 3 lần so với người không hút thuốc lá.
Triệu chứng nhiễm trùng bàn chân tiểu đường
Các triệu chứng của nhiễm trùng bàn chân tiểu đường tương tự như bất kỳ bệnh nhiễm trùng khác. Khu vực xung quanh vết thương đỏ lên, lan rộng ra khỏi vị trí ban đầu. Người bị nhiễm trùng bàn chân tiểu đường sẽ bị đau, nhạy cảm tại vị trí vết thương và vết thương ban đầu chảy mủ.
Khi nhiễm trùng phát triển sẽ xuất hiện các triệu chứng như:
- Sốt.
- Ớn lạnh và đổ mồ hôi.
- Hụt hơi.
- Nghẹt mũi.
- Cổ cứng.
- Xuất hiện vết loét mới
Bệnh đái tháo đường được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”, gây ra những biến chứng nặng nề như: mù lòa, cắt cụt chi, suy thận, tai biến mạch máu não, bệnh lý mạch vành… Số ca tử vong do đái tháo đường cao hơn rất nhiều so với các bệnh truyền nhiễm từ trước đến nay vẫn được coi là nguy hiểm. Để phòng tránh mắc bệnh đái tháo đường, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên khám sức khỏe thường xuyên và xét nghiệm đường huyết định kỳ để phát hiện sớm bệnh, từ đó can thiệp kịp thời và tuân thủ điều trị của bác sĩ.