Bác sĩ trẻ dúi phong bì cứu sống bệnh nhân

- 34 lượt xem - Tin tức

Báo Sức khỏe & Đời sống xin gửi đến độc giả bài viết của BS. Phan Văn Hoàng là một đồng nghiệp của vị bác sĩ giàu lòng nhân ái ấy, tái hiện một câu chuyện chân thực và đầy xúc cảm…

*****

Hôm nay khoa Hồi sức cấp cứu 2 của mình làm một việc thật đáng khen. Bệnh nhân Huỳnh Thị Mười, SN 1940 bị viêm phúc mạc có chỉ định mổ cấp cứu ngay vì nặng. Nhưng sau khi nghe một bác sĩ trẻ giải thích là phải mổ, không hiểu sao có hai người nhà, một ông và một bà cũng lớn tuổi xin về, không đồng ý mổ.

Sau một hồi, tưởng đâu là người nhà bệnh nhân sẽ đưa bệnh nhân về , các bác sĩ và điều dưỡng cũng chịu thua. May thay, có một bác sĩ già sắp về hưu bảo mấy em sinh viên mời tất cả người nhà vào. Trong phòng cấp cứu vốn có vài cái ghế để cho bác sĩ và điều đưỡng ngồi làm việc, ghi ghi chép chép. Bác sĩ bảo:

– Các em sinh viên đứng lên! Để cho người nhà ngồi.

Nói xong, vị bác sĩ già chỉnh lại ghế, mời hai người nhà ngồi để nghe giải thích thiệt hơn của việc mổ. Ông thường làm vậy, thường khuyên các bác sĩ trẻ cũng như điều dưỡng khi mời người nhà giải thích điều gì thì phải mời người ta ngồi ghế đàng hoàng mới nói chuyện, chứ đừng để người ta đứng còn mình ngồi.

"Đây số điện thoại của tôi, cứ mổ xong đi rồi tôi sẽ vận động các tổ chức từ thiện, các ông sư, các bà xơ, góp tiền ủng hộ. Đừng để bệnh nhân
không có tiền phải chết. Nếu ông bà quyết định để cho bà chết thì mình
sẽ có tội lắm…" – vị bác sĩ nói. Ảnh minh họa.

Sau khi trao đổi, nói chuyện với họ thì mới biết người nhà đòi cho về bằng được vì không có tiền, nhà nghèo lắm. Bác sĩ phải giải thích, thuyết phục rất nhiều. Phải nói là vị bác sĩ rất cực khi giải thích trường hợp này. Ông nói – sau khi lúi cúi ghi vào một miếng giấy nhỏ màu xanh cái gì đó.

– Đây là số điện thoại của tôi, cứ mổ xong đi rồi tôi sẽ vận động các tổ chức từ thiện, các ông sư, các bà xơ, góp tiền ủng hộ. Đừng để bệnh nhân không có tiền phải chết. Nếu ông bà quyết định để cho bà chết thì mình sẽ có tội lắm.

Trong lúc đó có một bác sĩ trẻ khác chăm chú lắng nghe, có vẻ quan tâm lắm. Rồi cuối cùng người nhà cũng quyết định đồng ý mổ. Tội nghiệp!

Khoảng một lúc sau thì bệnh nhân đã chuyển vào phòng mổ rồi, chị điều dưỡng mới nói cho mình biết anh bác sĩ trẻ kia đã cho người nhà 3 triệu để mổ. Chị ấy còn khoe:

– Đây nè, tiền của bác sĩ Nguyễn Tô Bảo Hoàng cho nè, gửi cho em giữ chút xíu đưa cho người nhà bệnh nhân. Chị ấy vừa nói vừa móc tiền ra khoe với mọi người.

Vào phòng mổ xem anh em mổ tới đâu rồi, mới biết đây là trường hợp rất nặng, viêm phúc mạc toàn thể, trong ổ bụng toàn phân, vỡ đại tràng do tắc ruột ung thư trực tràng. Nếu mà không mổ sớm chắc không qua khỏi vì nhiễm trùng nhiễm độc. Vị bác sĩ trẻ cho tiền bệnh nhân đang phụ hai đàn anh mổ. Mổ xong, một bác sĩ đem khối bệnh phẩm cho người nhà xem, họ rất mừng vì có khả năng bệnh nhân được cứu sống và họ vừa thoát được một quyết định sai lầm.

Có vài người nói, anh bác sĩ trẻ anh giàu lắm nên mới có khả năng giúp bệnh nhân vậy. Còn mình suy nghĩ khác, mình nghĩ về hành động ấy là hành động tốt, không cần biết động cơ hay anh ấy có giàu hay không.

Thiếu gì người giàu, nhưng họ đâu có làm như vậy!

BS. Phan Văn Hoàng

Back To Top