Bác sĩ nội trú không phải là… nô lệ

- 30 lượt xem - Tin tức

Lúc tôi làm nội trú Phẫu thuật lồng ngực – tim mạch đã qua rồi cái thời bác sĩ nội trú phải (hoặc là được) ở lại bệnh viện 24/7, đơn giản vì bệnh viện không còn phòng cho bác sĩ nội trú nữa. Tôi không phải lang thang lờ đờ như những con ma bất cứ khi nào có ca cấp cứu, có bệnh trở liên quan đến chuyên khoa của mình, ở khoa này hay khoa khác. Nhưng tôi vẫn "được" đối xử như là "nô lệ". Tôi vẫn phải trực 2 đến 3 lần/1 tuần. Trong 24 giờ trực đó, tôi đi khắp bệnh viện mỗi lần có điện thoại, chuyện nhỏ thì tự giải quyết, chuyện lớn thì gọi đàn anh, và đương nhiên lúc nào cũng phải có mặt tại "hiện trường", cho dù hiện trường đó là phòng cấp cứu hay phòng mổ, hay bất kì khoa nào khác. Hầu như đi trực là không có giờ ngủ đâu, nên tranh thủ chợp mắt được lúc nào là ngủ lúc đó, nằm được ở đâu là ngủ ở đó thôi. 7h sáng, người khác ra trực, còn nội trú thì ở lại phụ mổ tiếp những ca trong ngày. Dường như đã là luật: nội trú không ra trực (nghỉ ngày hôm sau trực).

Thành thật mà nói, tôi vô cùng cảm ơn những tháng ngày nội trú, và nếu được làm lại, nếu được cho ai đó lời khuyên, tôi vẫn nói rằng: nếu muốn thành công trong nghề Y, hãy vào nội trú. Vì đó là chiến trường, đó là lò luyện công, ở đó bạn không có lựa chọn khác là làm và làm, là bật dậy như người máy mỗi khi nghe tiếng điện thoại, là đi như người ngủ mơ trong bệnh viện, là luôn có mặt ở tất cả mọi nơi. Ở đó, bạn không thể dừng lại!

Bác sĩ nội trú không phải là... nô lệ
 

Tuy nhiên, nếu được đứng ở vị trí người quản lý, tôi cho rằng chúng ta đang làm những điều ngược đời.

1/ Chúng ta đang coi thường sinh mạng của người bệnh. Tôi thừa nhận hầu hết bác sĩ nội trú là những người có nhiệt huyết, đam mê học hỏi, nhưng không vì vậy mà họ không mệt mỏi về mặt tinh thần lẫn thể xác sau những giờ trực và làm việc liên tục. Ở Mỹ gần đây đưa ra luật giới hạn thời gian làm việc của bác sĩ nội trú, cùng với công bố số liệu, hậu quả của sự mệt mỏi đó lên chất lượng chăm sóc y tế.

2/ Chúng ta chưa sử dụng bác sĩ nội trú một cách có hiệu quả. Bằng cách xem họ là "nô lệ", chúng ta mặc định rằng họ phải có mặt mọi lúc mọi nơi. Hậu quả là nhiều khi lúc chúng ta cần thì họ đã quá mệt và không thể làm việc như mong muốn. Tôi cho rằng chỉ cần thiết kế lại thời gian biểu của họ, sắp họ vào đúng những lúc chúng ta cần, như vậy lực lượng này sẽ trở thành cánh tay rất đắc lực. Tiếc rằng, có thể chính những người quản lý cũng chưa hình dung "lúc cần" là lúc nào, và "thiết kế lại" là như thế nào.

3/ Chúng ta chưa có một chương trình học hợp lý. Tôi chưa thấy một bộ môn nào có một "lộ trình" rõ ràng cho bác sĩ nội trú: thực hiện được loại phẫu thuật gì, bao nhiêu trường hợp, ai là người theo dõi, trợ giúp. Mục tiêu sau 1 tháng, 6 tháng, 1 năm, 2 năm, hoặc là tốt nghiệp. Rõ ràng là chúng ta rất mơ hồ trong cách đào tạo và tiêu chuẩn chất lượng. Ở Mỹ, bác sĩ nội trú khi tốt nghiệp phải thực hiện được số trường hợp nhất định những loại phẫu thuật được đề ra. Lại nói về cái qui định giới hạn giờ làm việc của bác sĩ nội trú ở Mỹ: khi luật này ra đời, cộng đồng bác sĩ nội trú đã phản đối vì như vậy đồng nghĩa với việc họ phải làm thêm 1,2 năm nữa tại bệnh viện để đủ điều kiện tốt nghiệp. Rõ ràng những người quản lý ở Mỹ không nhìn chương trình đào tạo bằng số năm học, mà bằng chất lượng của đầu ra như thế nào.

Bên cạnh chế độ nghèo nàn mà bệnh viện nước ta dành cho nội trú, hậu quả của quan niệm "bác sĩ nội trú là nô lệ" vừa làm cho chất lượng bác sĩ nội trú đi xuống, chất lượng chăm sóc y tế đi xuống, và lãng phí một lượng lớn nguồn nhân lực và năng suất.

BS. Phạm Ngọc Trung

Back To Top