Họ được một xe công an đưa áo quan về nhà, nhưng thay vì về, họ đã cưỡng bức lái xe là một công an, chở quan tài đi khắp thị trấn Vạn Hà. Với một cái trống trên xe, họ đánh trống và hàng nghìn người đi theo khiến cho tắc nghẽn cả quốc lộ 45.
Bạo lực xảy ra khi họ dừng xe ở cổng nhà anh bác sĩ phó giám đốc, người bị cho là có liên quan tới cái chết của sản phụ. Một vài người quá khích đã xô đổ cổng, đập phá đồ đạc. Anh phó giám đốc phải bỏ trốn cùng vợ con, hẳn anh đã rất hoảng sợ.
Ảnh minh họa. |
Đầu tiên phải trách người chồng bệnh nhân trước, cái này gọi là “tiên trách kỉ, hậu trách nhân”. Vợ anh đã 40 tuổi, ở tuổi này được cảnh báo không nên đẻ, vì nguy cơ sảy thai tới 35%, dị tật bẩm sinh thai nhi và bệnh down cao gấp 3 lần người trẻ, cùng với hàng loạt nguy cơ khác về tim mạch. Anh đã có 2 cô con gái rồi nhưng ham muốn có con trai nối dõi đã mạnh hơn ý thức về nguy cơ vợ anh có thể gặp khi mang thai tuổi 40.
Anh để quan tài vợ con ở hành lang viện và được hỗ trợ 150 triệu, sau đó công an đến khuyên giải và đưa thi hài vợ con anh về, nhưng mọi việc không dừng ở đó. Đám đông đã quá khích, xô đổ cổng, và đập phá nhà riêng bác sĩ phó giám đốc như đã biết.
Trước đây có vài trường hợp người nhà bệnh nhân đuổi đánh bác sĩ và đập phá đồ đạc của viện do nghi bác sĩ tắc trách làm chết người, tôi cho là rất thiếu thông minh. Việc đó chỉ khiến bác sĩ “nhát” hơn và họ sẽ từ chối và chuyển viện những ca khó đỡ mà thân nhân có vẻ hung hãn, bao nhiêu nguy cơ khi chuyển viện khi mà người bệnh cần chữa tức thời? Và có chắc, bệnh viện họ chuyển đến không chuyển người bệnh thêm lần nữa, chỉ do thân nhân người đó đã từng đánh bác sĩ? Cuối cùng, người bệnh là thiệt thòi.
Rõ ràng, việc đập phá nhà riêng anh bác sĩ khiến mọi việc khó khăn hơn, bác sĩ sẽ phân vân khi cố cứu một ca khó, họ được học làm bác sĩ, chứ ko phải võ sĩ. Và có vẻ như, ai cũng có thể đánh và đập phá nhà họ, chỉ cần bê một áo quan đặt trước cửa nhà.
Nguyễn Quảng
(từ Milton Keynes, Anh Quốc)