Bác sĩ cấp cứu kể chuyện “đánh trận” ngày Tết

- 6 lượt xem - Tin tức

Vị chi đã n năm kể từ khi vào bác sĩ nội trú đến giờ mình trực hoặc 30 tết hoặc mùng 1 tết. Những ngày này bệnh viện mình chưa bao giờ vắng, thậm chí còn đông hơn bình thường bởi các phòng khám đóng cửa. Bệnh nhân lại nặng nữa, họ cố chịu cho đến khi nào đầu hàng chính mình thì người nhà sẽ hối hả đưa họ đi cấp cứu, và mình cùng các nhân viên sẽ cong đuôi lên tìm đủ mọi cách giúp họ không chết.

Mấy ngày này báo chí bù lu bù loa chuyện các giáo viên sợ tết, đùa, mình sợ còn kinh hơn vạn lần, các giáo viên họ còn sướng chán vì còn được nghỉ. Mình và các đồng nghiệp không có thưởng chẳng sao cả mà năm nào cũng gọi thưởng tết cho oai chứ có quái gì, chỉ thấy tủi thân. Được tí tiền đủ mua 10 cái bánh chưng thì trực trọt vỡ mặt, mình chẳng cần thưởng, chẳng cần thêm lương (mà có năm quái nào thêm lương đâu), chỉ cần ngày tết được nằm thảnh thơi ở nhà với gia đình một cách đúng nghĩa, được đi thăm họ hàng một cách đàng hoàng, không gọi đi tăng cường, không vội vã, không bị nhấc mông đi giữa cuộc vui là được.

Bác sĩ cấp cứu kể chuyện “đánh trận” ngày Tết
 

Mơ ước vẫn chỉ là mơ ước, những ngày đầu năm mới sau mỗi tua trực, khoảng thời gian mình hay gọi là đi “đánh trận”, mình mang mừng tuổi gia đình được mỗi cái mệt. Mọi người trong nhà biết điều đó nên chẳng dám ý kiến gì, đến hỏi cũng chẳng dám. Mình sẽ vừa ăn vừa ngủ rồi tiếp tục leo lên phòng ngủ tiếp. Mặc kệ mùa xuân ưỡn ẹo một cách truyền thống ngoài cửa sổ.

Thông thường các bệnh nhân sẽ đi đúng 1 vòng, khởi đầu từ viện mình và kết thúc cũng từ viện mình. Họ không can tâm khi được bác sĩ chẩn đoán bệnh mạn tính không thể chữa khỏi, đồng thời tìm mọi cách không tuân thủ điều trị vì trong quan niệm của họ cũng như quan niệm của người châu Á nói chung, thường không tin vào những gì rõ ràng mà đặt niềm tin vào những thứ bí ẩn. Họ cho rằng uống thuốc tây làm gì tốn tiền không khỏi mặc cho mình cùng các đồng nghiệp thuyết phục đến vã bọt mép, họ vẫn lao đi uống những thứ thuốc không biết đường nào mà lần, những thứ thuốc càng bí hiểm càng tốt, để rồi cuối cùng họ quay trở lại với cái gan hay cái thận không còn hấp hối nữa mà chết hẳn. Những lá gan thường chết vào dịp tết bởi 1 phần nó được “tắm” qua rượu, lại rượu thuốc nữa thì càng kinh.

Mình nhớ có năm trực đêm giao thừa, có bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa nặng vào cấp cứu. Mình đặt nội khí quản và bị bệnh nhân đó phun máu ướt từ đầu đến chân. Năm đó mọi người bảo số mình chim lợn, được “tắm” máu người còn gì. Thú thật, lúc đấy chẳng thấy ghê, bởi máu bệnh nhân đã được ngâm qua rượu nên chẳng còn mùi tanh nữa.

Trên các khoa cũng gào thét xuống cấp cứu thôi, thôi đừng chuyển bệnh nhân lên nữa đông lắm rồi. Năm trước mùng 2 tết, bạn mình trực trên khoa gọi điện xuống nhăn nhó bảo tao ngồi từ lúc nhận trực đến giờ cho thuốc gần 100 bệnh nhân mới vào mà chưa kịp ăn gì đây này, mày đừng có độc ác với bạn như thế. Mình cười he he bảo mày yên tâm, có nhiều đứa giống mày lắm. Lúc ấy 3h chiều, mình quên cả cơn đói, thế là cũng bắt chước chê cơm.

Mọi năm, cứ đến dịp giáp tết như những ngày này, lượng bệnh nhân vào cấp cứu sẽ thưa hơn 1 chút, anh em dễ thở hơn một chút để chuẩn bị cho cơn bão người mấy ngày chính hội. Vậy mà năm nay chưa thấy số người thuyên giảm tí ti nào, vẫn “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” báo hiệu mấy ngày tết chẳng lành cho mình và các đồng nghiệp mình. Tất cả ngồi thấp thỏm chờ cơn ác mộng đang ào tới.

Mình chẳng muốn tết…

BS. Ngô Đức Hùng

Back To Top