Bác sĩ cần học võ

- 32 lượt xem - Tin tức

Mùa đông năm nay hình như đến sớm hơn, lạnh hơn và… buồn hơn . Mấy ngày nay trên nhiều kênh thông tin đại chúng hàng loạt bài viết “Kể tội” ngành Y, sự đời cũng thật éo le, ân nhân và nạn nhân xét cho cùng chẳng cách nhau bao nhiêu.

Ngành Y khắc nghiệt quá, nó mang lại không ít vinh quang vì thực sự thành tựu của Y học, công sức của tập thể những người thầy thuốc là điều không thể phủ nhận. Hàng ngày trên cả nước biết bao nhiêu nạn nhân, bệnh nhân được cứu sống, đó không phải là công sức của thầy thuốc là thành tích của ngành Y hay sao?

Nhưng thú thật ở nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều chỗ cái mà chúng ta tự hào gọi là Y Đức lại là cái gì đó vô cùng xa xỉ, khó tìm kiếm…! Vì thế dư luận xã hội lâu nay đã mất đi sự công bằng vốn có, cứ ở đâu xảy ra tai biến, bất luận là vì lý do gì thì việc đầu tiên là người thân sau đó đến cộng đồng và tiếp đó dư luận, công luận sẽ ra tay để” xử”, để lên án , để “ném đá” ngành Y. Thật xót xa thay…!.

Bác sĩ cần học võ
 

Cái khó của ngành Y là không được nhầm lẫn, không được sai sót nhưng trớ trêu thay trên đời này nếu Thánh, Thần mà có thật thì tôi tin rằng cũng có lúc họ nhầm lẫn họ sai sót. Và… thật khủng khiếp khi tai biến xảy ra, ngoài sự thiếu công bằng của công luận thì ở nhiều nơi, ngay lập tức người ta mang đủ thứ dao, gậy, giáo mác thậm chí cả súng đến để tấn công để hành hạ để uy hiếp bác sỹ. Danh dự, nhân phẩm, máu thậm chí cả tính mạng của bác sỹ đã nhiều lần bị chính những người vừa ít phút trước còn coi bác sỹ là ân nhân lấy đi… Thật là đau thương khủng khiếp và đáng sợ…

Muốn mang Y đức, Y thuật đến để cứu giúp người bệnh thì thầy thuốc phải sống và phải khỏe mạnh. Võ đạo là phạm trù quá phong phú và rộng lớn. Đạo đức của võ, đó là: Trung với nước, hiếu để với cha mẹ, tình nghĩa với thầy bạn, nhân ái với mọi người. Cho nên, tội nặng nhất của con nhà võ là tội bất trung, bất hiếu, bất nghĩa, bất nhân. Phẩm chất, đó là: tự trọng, tự tin, dũng cảm, hào hiệp, độ lượng, khiêm tốn, cần mẫn, chịu khó, tính tổ chức kỷ luật, có tinh thần vượt khó, có ý chí vươn lên, có trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm, không khoe khoang, không hợm hĩnh, “không thấy giàu mà ham, không vì nghèo mà đổi lòng, không trước bạo lực mà sợ”.

Trên cơ sở biết mình, biết người, hiểu đời, cùng với phương thức trầm tư mặc tưởng, tham thiền; người tập võ làm chủ được mình, dần dần đạt đến cõi tự tại tự giác. Và sau cùng, võ trang bị kỹ năng tự vệ chiến đấu. Ngày xưa trong các ngôi cổ tự các nhà sư cũng ngày đêm luyện tập họ đâu có muốn chiến đấu, nhà sư sinh ra là để ngày đêm tụng kinh, gõ mõ, cầu an trúc phúc, mong muốn mang lại an lành hạnh phúc cho muôn loài, thế nhưng vẫn có không ít những kẻ vô đạo rắp tâm làm hại các Thầy tu và họ buộc phải chiến đấu để tồn tại, để an lành hành đạo, để bảo vệ chân lý và có lẽ cũng giống như ngày nay, chúng tôi nghiên cứu, trau dồi Y đức, Y thuật, Y lý để hành nghề, trị bệnh, cứu người nhưng không ít những kẻ côn đồ, ngu muội lại lấy oán trả ơn và Võ thuật sẽ là cứu cánh để chân lý, đạo lý được tồn tại được bảo vệ được tỏa sáng…

Cuộc sống thì bao giờ và ở đâu cũng thế: có bình có loạn, có yên có nguy, có người tốt kẻ xấu, có người phải kẻ trái, có anh hùng có thằng khùng thằng điên có vĩ nhân và cũng có tiểu nhân… Vậy nên, biết cách tự vệ bao giờ cũng hơn không biết gì.

Luật sư: Phạm Văn Học

Back To Top