Áo blouse trắng

- 63 lượt xem - Tin tức

Thi đỗ vào Trường đại học Y khoa Hà Nội sau 10 năm đèn sách phổ thông, trong đó có nhiều năm học dưới bom đạn của giặc Mỹ, những năm tháng đào hầm giao thông hào từ trong lớp ra quả đồi bên cạnh. Mỗi khi máy bay đến, chúng tôi lại chạy ra hầm chữ A theo đường giao thông hào. Vào Trường Y Hà Nội, chúng tôi cũng không được học ở Hà Nội mà phải sơ tán đến Bình Đà để học. Tôi vẫn còn nhớ rõ ngày đầu đến Viện Giải phẫu ở phố Yersin, Hà Nội. Anh trai đưa tôi đến đó. Trong số sinh viên nhập trường khóa đó, tôi thuộc loại thấp bé nhẹ cân. Tuy nhiên, sức khỏe vẫn đủ tiêu chuẩn để được tuyển vào trường. Tập trung nơi sơ tán Bình Đà được ít ngày, cả khóa hành quân lên tận Nông trường Lương Mỹ, Hòa Bình để tập quân sự, lao động. Mấy tháng rèn luyện quân sự vất vả nhưng cũng rất vui, chúng tôi khám phá được nhiều điều khi sống tập thể. Một trong những người bạn học cùng lớp và cùng tổ với tôi khi đó là BS. Trần Hòa Bình, cho đến nay anh vẫn rất thân thiết với tôi. Chúng tôi trải qua nhiều kỷ niệm về học tập và trong cuộc sống, vui chơi của những năm tháng sinh viên vất vả nhưng thật tuyệt vời. Anh sau này chuyển vào quân đội công tác với cương vị Chủ nhiệm Khoa Huyết học Quân y viện 175.

Sau mấy tháng lao động, chúng tôi được về lại nơi sơ tán Bình Đà. Đó là vào dịp cuối năm 1970, năm đầu tiên tôi xa gia đình. Tết dương lịch được nghỉ mấy ngày, tôi tranh thủ về thăm nhà. Mẹ tôi mừng lắm khi tôi vẫn khỏe mạnh và có vẻ rắn rỏi hơn. Trong các anh em, tôi là người yếu nhất nên mẹ rất lo cho tôi khi xa nhà. Những ngày cuối năm thời đó không sôi nổi, náo nhiệt như bây giờ, không hề có khái niệm gì về Noel. Tết dương lịch cũng chẳng có gì. Bù lại, cả nhà được sum họp, tôi được về với bố mẹ và hai đứa em. Các anh chị lớn đều đang công tác nên không về được. Tôi còn nhớ, vào dịp đó, bố mẹ tôi ngồi nói chuyện với tôi về việc học tập và nghề nghiệp sau này. Trên tôi có anh cả và chị thứ hai cũng là bác sĩ, mẹ tôi cũng làm ngành y nên các cụ am hiểu. Nhiều điều tôi được bố mẹ căn dặn, nhưng điều mà tôi nhớ nhất là mẹ tôi nói: “Tính con vốn cẩn thận, chăm chỉ và yêu thương mọi người. Tính đó phù hợp với nghề y. Con phải hiểu nghề y cần có cái tâm, cái đức là quan trọng”. Mẹ tôi có nhắc đến Hải Thượng Lãn Ông, đến Tuệ Tĩnh và các bậc thầy của ngành y là GS. Tôn Thất Tùng, GS. Đặng Văn Ngữ, GS. Hồ Đắc Di và cả BS. Trần Duy Hưng, người đã cùng với bố tôi hoạt động trong Hội Hướng đạo sinh do ông Hoàng Đạo Thúy làm thủ lĩnh. Chính vì thế mà bố mẹ tôi đã đặt tên tôi theo tên của ông. Có nhiều chuyện vui xung quanh cái tên vì nhiều người, cả bệnh nhân của tôi và trong các chuyến đi công tác ở các tỉnh, trong các cuộc họp tôi bị đổi sang họ Trần! Có một chuyện rất thú vị: một hôm, tôi khám bệnh cho một bệnh nhân, sau mấy lần khám đã trở nên thân quen thì biết ông cũng có nhiều liên quan đến ngành y. Ông tên là Trần Quốc Ân, con trai cả của BS. Trần Duy Hưng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội và là con rể của BS. Huỳnh Kham, một bậc lão thành trong ngành da liễu. Tôi có nhắc đến BS. Trần Duy Hưng và Hội Hướng đạo sinh (Scout) mà bố tôi và ông cùng tham gia, việc bố mẹ tôi đặt tên tôi theo tên của bố ông. Sự tình cờ may mắn là thế hệ con cháu của các cụ lại gặp nhau. Tôi may mắn thi vào ngành y để được làm bác sĩ da liễu chữa cho mọi người, trong đó có ông. Ông Quốc Ân có vẻ rất vui vì ôn lại kỷ niệm về người cha nổi tiếng của mình, được một người thuộc thế hệ con cháu nhớ đến với niềm kính trọng, người đó lại là một bác sĩ da liễu.

 

Tôi cũng có niềm vui nhỏ vì đã được là bác sĩ và đóng góp chữa bệnh cho mọi người, tiếp nối tấm gương của các thầy đi trước. Là một thầy thuốc, chúng tôi đã làm việc chăm chỉ, miệt mài, cần mẫn để có được trình độ chuyên môn vững vàng. Chúng tôi cũng học được ở các thầy, các thế hệ đàn anh để có được đạo đức nghề nghiệp, sự cảm thông với người bệnh và lòng nhiệt huyết nghề nghiệp để có thể chẩn đoán được bệnh, điều trị được những căn bệnh phức tạp, khó chữa. Áo blouse trắng là niềm tự hào của các thầy thuốc chúng tôi nhưng cũng mang trong mình trách nhiệm vô cùng nặng nề, khó khăn mà không phải khi nào chúng tôi cũng là người chiến thắng. Nhưng chúng tôi có thể tự hào vì các thế hệ của ngành y đã luôn cố gắng, đã có những đóng góp cho nhân dân của mình.

                                                                                                                                                    PGS.TS.TTƯT. Nguyễn Duy Hưng

Back To Top